Ông Nguyễn Hồng Diên, bộ trưởng Bộ Công Thương, đã nhấn mạnh như vậy tại buổi làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vào ngày 15-2, cùng với ông Nguyễn Hoàng Anh, chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, về dự án đầu tư xây dựng các dự án nguồn điện và lưới điện, tình hình cân đối tài chính của EVN năm 2022 - 2023 và xây dựng phương án giá bán lẻ điện bình quân năm 2023.
Tuy nhiên, các nội dung cuộc họp không được thông tin cụ thể, thay vào đó là thông cáo báo chí của Bộ Công Thương.
Giữa năm 2023, EVN sẽ hết tiền?
Nguồn tin của Tuổi Trẻ cho biết tại cuộc họp này, EVN đã có báo cáo mới nhất về tình hình sản xuất kinh doanh điện, vấn đề cân đối tài chính và những khó khăn mà EVN phải đối mặt.
Mặc dù các thông tin không được cung cấp cụ thể trong thông cáo báo chí của Bộ Công Thương, nhưng theo tài liệu của Tuổi Trẻ, vấn đề cân đối tài chính của EVN đang hết sức nguy cấp đúng như đánh giá của bộ này là "khó khăn chưa từng có".
Theo đó, năm 2022, doanh thu tập đoàn dù tăng so với năm trước là 4,31%, nhưng do các thông số đầu vào tăng mạnh, như giá than nhập, giá than pha trộn, giá khí, giá dầu thế giới và các chi phí mua điện tăng thêm khi các nhà máy điện tham gia thị trường điện, khiến EVN lỗ khoảng 28.876 tỉ đồng.
EVN cho biết có thể lỗ nhiều hơn nếu không thực hiện quyết liệt các biện pháp tiết kiệm, tiết giảm chi phí đầu vào, tối ưu hóa dòng tiền, hoạt động tài chính, vận hành tối ưu hệ thống.
Trong năm 2023, EVN dự báo sẽ tiếp tục phải đối mặt hàng loạt khó khăn như: đảm bảo cung ứng đủ điện trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng diễn ra tại nhiều nước trên thế giới, cân đối tài chính khó khăn do tiếp tục chịu ảnh hưởng lớn của các yếu tố đầu vào như giá nhiên liệu, tỉ giá...
Và nếu giá bán lẻ điện giữ theo giá hiện hành, khoản lỗ sản xuất kinh doanh năm nay sẽ lên tới 64.941 tỉ đồng. Như vậy, tổng lỗ lũy kế cho sản xuất kinh doanh của EVN trong hai năm là 93.817 tỉ đồng.
EVN thừa nhận rằng những khó khăn này nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn đến dòng tiền. Theo báo cáo của EVN gửi Bộ Công Thương vào tháng 1-2023, trên cơ sở số liệu về số dư tiền gửi có kỳ hạn, không kỳ hạn, dự kiến các nguồn thu, nguồn chi, đến hết tháng 5-2023 công ty mẹ - EVN sẽ không còn tiền trong tài khoản.
Dự kiến bắt đầu từ tháng 6-2023, công ty mẹ - EVN sẽ thiếu hụt tiền thanh toán là 3.730 tỉ đồng và đến tháng 12-2023 sẽ thiếu hụt 28.206 tỉ đồng.
Khi chi phí không đủ bù đắp, EVN lo ngại sẽ gây nên tình trạng mất cân đối dòng tiền, nhiều hệ lụỵ nghiêm trọng.
Đó là việc ảnh hưởng tới thanh toán chi phí mua điện, khả năng hoạt động liên tục của các nhà máy điện và từ đó tác động đến việc cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ. Khó khăn trong việc huy động vốn, cân đối nguồn vốn để đầu tư các dự án điện, sửa chữa bảo dưỡng các công trình điện để đảm bảo cung ứng điện.
Trong các năm 2020 - 2022, EVN cho biết đã cắt giảm chi phí sửa chữa lớn theo định mức từ 10-30% do không cân đối được nguồn vốn. Nếu kết quả sản xuất kinh doanh bị lỗ, việc sửa chữa tài sản bị cắt giảm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến an toàn vận hành hệ thống điện.
Trong thông cáo gửi các cơ quan báo chí, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao sự nỗ lực của EVN trong đảm bảo cung cấp điện. Đặc biệt, trong bối cảnh EVN phải đối mặt với những thách thức, khó khăn "chưa từng có" trong thời gian qua, khi giá nhiên liệu đầu vào cho sản xuất điện tăng cao...
Cổng thông tin Bộ Công Thương dẫn lời ông Diên cũng thừa nhận ngành điện đang đối diện với rất nhiều khó khăn, đặc biệt về vấn đề tài chính.
Phải cân nhắc tác động của việc tăng giá điện
Theo ông Diên, giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất điện tăng cao do biến động bất thường của thị trường sau đại dịch, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng trên thế giới nói chung và khu vực nói riêng.
Có những loại nguyên liệu năng lượng tăng đến 200%. Trong khi đó, giá điện ở trong nước vẫn giữ ở mức ổn định, chưa được điều chỉnh. Các dự án lớn về nguồn điện và lưới điện chưa được triển khai do Quy hoạch điện 8 chưa được phê duyệt.
Với những kiến nghị của EVN, ông Diên cho hay đã có ý kiến chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với EVN triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Trong đó, với việc xây dựng các phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm 2023, EVN được yêu cầu bám sát, tuân thủ quy trình thực hiện theo quy định tại quyết định số 24 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân.
Theo đó, việc điều chỉnh giá điện cần phải được tính toán, đánh giá, cân nhắc đầy đủ tác động đến lạm phát, đời sống người dân và điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ và đúng quy định.
Ngoài ra, ông Diên cũng chỉ đạo EVN chủ động tham gia đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện tại các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, cơ chế giá điện, thị trường điện tại Luật điện lực, cơ chế mua bán điện trực tiếp để đảm bảo giá điện phản ánh đầy đủ yếu tố thị trường, tạo môi trường bình đẳng giữa các bên trong hoạt động điện lực.
Với những đề xuất cụ thể về đầu tư xây dựng các dự án điện, ông Diên nhấn mạnh việc tháo gỡ khó khăn cho cung cấp khí ở các nhà máy nhiệt điện trong trung tâm điện lực Ô Môn, Dung Quất; thẩm định thiết kế kỹ thuật theo từng đợt đối với phần còn lại của dự án Quảng Trạch I; thẩm định báo cáo thiết kế kỹ thuật dự án thủy điện tích năng Bác Ái; hoàn thiện báo cáo Thủ tướng Chính phủ về nhu cầu phụ tải và phương án cấp điện cho Côn Đảo; đảm bảo cung cấp đủ than cho các nhà máy nhiệt điện.
Chính phủ giao Bộ Công Thương và EVN chủ động xây dựng phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện
Tại nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1-2023 trực tuyến với địa phương, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương căn cứ vào quyết định số 24/2017 của Thủ tướng về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, quyết định số 02 của Thủ tướng về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, chủ động xây dựng phương án và kịch bản truyền thông, tạo đồng thuận trong xã hội.
Đồng thời chủ trì, phối hợp với EVN xem xét, điều chỉnh theo thẩm quyền, hoặc chỉ đạo EVN xem xét, điều chỉnh theo thẩm quyền mức giá bán lẻ điện bình quân theo quy định pháp luật. Trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo đề xuất Thủ tướng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận