Hàng VN sẽ gặp khó khi hàng Trung Quốc tràn vào VN. Trong ảnh: sản xuất dệt may xuất khẩu với quy trình khép kín từ kéo sợi, dệt, nhuộm đến tạo ra các sản phẩm quần áo tại TP.HCM - Ảnh: NGỌC HIỂN
Đó là lo ngại của nhiều doanh nghiệp (DN) Việt khi cho rằng nguy cơ hàng giá rẻ Trung Quốc sẽ tràn vào VN, thậm chí cạnh tranh với hàng xuất khẩu của VN sang các quốc gia khác, nhất là khi thị trường Mỹ không còn là điểm đến hấp dẫn với hàng Trung Quốc.
Ông Hồ Đức Lam (chủ tịch Hiệp hội Nhựa VN - VPA):
Nhiều lao động có nguy cơ mất việc
Ông Hồ Đức Lam
Hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ hiện nay trở nên đắt hơn, nên các DN Trung Quốc tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu qua các thị trường khác, trong đó có VN, gây sức ép lớn đối với thị trường VN, trong đó có các DN sản xuất của VN.
VN cũng đứng trước nguy cơ nhập siêu sản phẩm nhựa từ Trung Quốc tăng mạnh, trong khi xuất khẩu từ VN sang Trung Quốc cũng sẽ khó khăn hơn do hàng hóa VN trở nên đắt đỏ hơn sau khi Trung Quốc phá giá đồng CNY.
Không chỉ ở thị trường Trung Quốc, hàng hóa VN xuất sang các nước khác cũng gặp khó khăn hơn do không thể cạnh tranh với sản phẩm của Trung Quốc đang trở nên rẻ hơn sau khi đồng CNY mất giá, chưa kể hầu hết DN trong ngành nhựa VN đều là DN vừa và nhỏ.
Do đó, nếu không có các giải pháp linh động ứng phó kịp thời, khi hàng hóa Trung Quốc phá giá tràn vào VN, hàng trăm dn ngành nhựa sẽ tạm ngừng sản xuất, nhiều lao động có nguy cơ bị mất việc.
Bà Phan Thị Thanh Xuân (tổng thư ký Hiệp hội Da giày, túi xách VN - Lefaso):
Chỉ có lợi ngắn hạn với doanh nghiệp nhập khẩu
Bà Phan Thị Thanh Xuân
Khoảng 50% lượng nguyên phụ liệu, máy móc thiết bị hiện nay của ngành da giày, túi xách đang được nhập khẩu từ Trung Quốc. Các giao dịch này chủ yếu đến từ các DN có quy mô lớn và khối FDI, được thực hiện bằng đồng USD. Nên trong ngắn hạn, các DN ngành này được hưởng lợi khi đồng CNY mất giá so với USD.
Về lâu dài, DN Trung Quốc chắc chắn điều chỉnh lại chi phí sản xuất, tính toán giá xuất bán mới. Riêng các DN vừa và nhỏ sẽ ít được hưởng lợi hơn do đã ký hợp đồng thanh toán theo đồng CNY cho các hợp đồng có quy mô nhỏ.
Lefaso hiện đang theo sát các diễn biến về hoạt động thương mại xuất nhập khẩu của ngành để có thông tin kịp thời cho các thành viên, nhất là trong mùa làm hàng căng thẳng các quý cận cuối năm.
Ông Đặng Hoàng Giang (phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Điều VN - Vinacas):
Khách Trung Quốc có thể giảm mua hàng trong ngắn hạn
Ông Đặng Hoàng Giang
Về cơ bản, tỉ giá USD/CNY, USD/VND và CNY/VND biến động tăng hay giảm mạnh đều gây ra những khó khăn đối với hoạt động xuất nhập khẩu của VN nói chung và hạt điều nói riêng. Ngành điều VN không chỉ mua trong nước mà còn nhập rất nhiều nguyên liệu từ nước ngoài về chế biến xuất khẩu. Do đó, các DN đều mong muốn có được tỉ giá ổn định.
Mỹ và Trung Quốc là hai thị trường xuất khẩu điều hàng đầu của VN, với thị phần xuất khẩu năm 2018 lần lượt là 32% và 13%. Việc Trung Quốc phá giá CNY ở mức sâu có thể làm giảm nhu cầu nhập khẩu hàng hóa vào thị trường Trung Quốc trong ngắn hạn.
Trong thực tế, dường như nhà nhập khẩu Trung Quốc dự báo trước được diễn biến của cuộc "xung đột tiền tệ" Mỹ - Trung nên đã đẩy mạnh mua hàng trong 6 tháng đầu năm 2019.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy trong tháng 6-2019, xuất khẩu hạt điều sang thị trường Trung Quốc tăng tới 143,8% về lượng và tăng 104,2% về trị giá so với tháng 6-2018, đạt 6,6 nghìn tấn, trị giá 51 triệu USD.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu hạt điều sang Trung Quốc đạt 28,2 nghìn tấn, tăng 53,2% so với cùng kỳ 2018, với giá trị đạt 221,47 triệu USD, tăng 24,8%.
Ông Nguyễn Anh Đức (phó tổng giám đốc thường trực Saigon Co.op):
Sản xuất của nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng
Ông Nguyễn Anh Đức
Việc Trung Quốc giảm giá đồng CNY, người tiêu dùng có thể có cái lợi trước mắt là mua được hàng Trung Quốc rẻ hơn, DN nhập khẩu máy móc và linh kiện vật liệu từ Trung Quốc cũng được hưởng lợi trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài sẽ đe dọa sự ổn định của nền kinh tế trong nước.
Sự đổ bộ của hàng Trung Quốc, nếu có, càng gây khó khăn hơn đối với hoạt động sản xuất của nhiều nhà máy, ngành nghề trong nước vốn phải chật vật cạnh tranh hàng giá rẻ Trung Quốc lâu nay. Một khi nền sản xuất trong nước lao đao, Nhà nước cũng bị thất thu, dẫn đến nhiều hệ lụy khác trong nền kinh tế VN.
Ông Trần Phong Lan (chủ tịch kiêm tổng giám đốc Tập đoàn SeaCorp):
Phải linh hoạt để tìm ra cơ hội
Từ trước đến nay, hàng hóa Trung Quốc đã ngập tràn VN trong nhiều lĩnh vực, nên đồng CNY của Trung Quốc giảm giá sẽ khiến hàng hóa Trung Quốc rẻ hơn, xâm nhập VN nhiều hơn cũng không phải là điều quá mới mẻ.
Theo tôi, vấn đề quan trọng nhất là DN có chiến lược phù hợp mới hạn chế được tác động bên ngoài. Chúng ta cần phải biết phân hóa chuỗi sản xuất. Chỉ sản xuất những cái gì mình có kỹ năng làm thật tốt. Chẳng hạn, chúng tôi đang trồng dưa lưới đủ tiêu chuẩn xuất đi cả thị trường Trung Quốc lẫn thị trường Mỹ, nhưng vẫn lấy thị trường nội địa làm "căn cứ địa" chính.
Đề xuất dán nhãn nguồn gốc xuất xứ cho nông sản
Một số loại trái cây Trung Quốc được nhập về chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, nhưng người mua khó phân biệt được đâu là trái cây Việt hay trái cây Trung Quốc khi chúng được đưa ra bán tại chợ - Ảnh: NG.TRÍ
Tại cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm của Cục Xuất nhập khẩu ngày 7-8, ông Trần Hữu Linh - tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) - cho biết tình trạng gian lận và giả mạo xuất xứ diễn ra ngày càng phổ biến, gây ảnh hưởng đến tổng thể nền kinh tế và thương hiệu hàng hóa VN.
Theo ông Linh, nhiều doanh nghiệp chỉ gia công sản xuất lắp ráp và chế biến đơn giản, chưa đáp ứng quy tắc xuất xứ mà vẫn xin cấp C/O. Và trong nhiều trường hợp, các doanh nghiệp này thường nhờ công ty dịch vụ làm C/O và xuất hiện C/O giả.
Cơ quan này vừa tiếp nhận 3 vụ việc làm C/O giả liên quan đến xuất khẩu hàng hóa sang Hàn Quốc, hồ sơ đã được chuyển sang cơ quan điều tra. "C/O giả thường trùng số hoặc mạo chữ ký, tẩy xóa sửa chữa, bị cơ quan nhập khẩu phát hiện và báo lại cho phía VN" - ông Linh cho hay.
Đối với việc gian lận xuất xứ, theo ông Linh, vấn đề đau đầu nhất hiện nay là quản lý đối với hàng nông sản. Chẳng hạn, chợ đầu mối nông sản Thủ Đức nhập về khoảng 80 tấn hàng nông sản/ngày, trong đó 20% là hàng nông sản nhập khẩu.
Tuy nhiên, quy định hiện nay không ghi nhãn và xuất xứ sản phẩm nên dẫn tới việc trộn lẫn hàng hóa có nhiều nguồn gốc khác nhau. "Cần sửa đổi nghị định 43, trong đó bắt buộc hàng nông sản cũng phải dán nhãn, bởi không kiểm tra kiểm soát sẽ không phân biệt được đâu là hàng Việt và đâu là hàng nhập" - ông Linh nói.
Theo ông Phan Văn Chinh - cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, dự thảo thông tư quy định về sản phẩm, hàng hóa của VN và sản phẩm, hàng hóa tại VN đang được đưa ra lấy ý kiến, nhưng cũng có nhiều cách hiểu khác nhau về xuất xứ với tỉ lệ 30%.
Bởi ngoài tỉ lệ 30% phải loại bỏ các điều kiện gia công đơn giản mới được coi là hàng "Made in Vietnam". Do đó, ông Chinh cho biết Bộ Công thương sẽ tổ chức họp để giải đáp các thông tin liên quan được nêu trong dự thảo.
N.AN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận