Một ổ dịch cúm gia cầm tại huyện Cần Đước, Long An được phun thuốc tiêu độc, khử trùng- Ảnh: KIM KHÁNH
Trong tháng 12-2020, tại Bến Tre đã tái phát dịch tả heo châu Phi với 2 ổ dịch ở huyện Mỏ Cày Nam và Bình Đại, 59 con heo thịt với trọng lượng khoảng 50-60kg/con bị xử lý. Ngay sau đó, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật tỉnh Bến Tre đã tổ chức họp nhằm khẩn trương triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch tả heo châu Phi.
Đến thời điểm này, theo ông Trần Ngọc Tam - chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, địa phương này đã khống chế kịp thời các ổ dịch tả heo châu Phi, không để lây lan. Tuy nhiên, từ nay đến trước tết, các cơ quan chức năng địa phương sẽ thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt các hộ nuôi, cơ sở giết mổ để kịp thời phát hiện và có hướng xử lý kịp thời.
Từ giữa tháng 10-2020 đến nay, tại Long An đã xuất hiện 6 ổ dịch cúm gia cầm (ở các huyện Cần Đước, Tân Trụ và Châu Thành) với hơn 19.000 con gà, vịt bị tiêu hủy để ngăn dịch. Ngoài ra, 9 ổ dịch tả heo châu Phi (xuất hiện ở Bến Lức, Tân Trụ, Thủ Thừa, Thạnh Hóa, Châu Thành và Tân Hưng) với 167 con heo đã bị tiêu hủy, chưa kể 3 ổ dịch lở mồm long móng trên bò tại huyện Tân Trụ và Cần Đước.
Theo bà Đinh Thị Phương Khanh - phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An, ngành nông nghiệp địa phương đang áp dụng nhiều biện pháp rà soát kỹ, nắm số lượng tổng đàn, phân loại đàn thuộc diện tiêm ngừa dịch và tuyên truyền người dân ý thức, chủ động tiêm phòng để bảo vệ vật nuôi của mình. Ngoài ra, sẽ triển khai tiêm phòng vùng dịch và vùng nguy cơ dịch trong thời gian ngắn, theo hình thức cuốn chiếu để tạo miễn dịch đồng loạt.
Tại hội nghị Tập trung phòng chống dịch bệnh động vật được tổ chức mới đây, ông Nguyễn Văn Mẫn - giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang - đã đề nghị các huyện quan tâm đến công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, phối hợp với cơ quan thú y địa phương tổ chức kiểm tra, rà soát, quản lý chặt chẽ tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận