30/09/2011 07:20 GMT+7

"Lô cốt" tái xuất ở các đầu cầu

Ông Hoàng Nhựt Hải
Ông Hoàng Nhựt Hải

TT - Sau một thời gian mệt mỏi vì “lô cốt”(rào chắn)trên đường phố, người dân chưa kịp tận hưởng sự thảnh thơi khi chúng rút đi thì nhận được tin “lô cốt” tái xuất hiện vào đầu tháng 10 ngay đúng các đầu cầu.

Xem vdieo do Truyền hình Tuổi Trẻ thực hiện
YTOnebW6.jpgPhóng to
Ảnh: Ngọc Ẩn

"Dự kiến thời gian rào chắn ở mỗi chiếc cầu kéo dài khoảng hai tháng"

Ông Hoàng Nhựt Hải - giám đốc Ban điều hành gói thầu 10D thuộc Tổng công ty xây dựng số 1, nhà thầu thi công - cho biết: trong gói thầu 10D của dự án vệ sinh môi trường TP có 18 chiếc cầu dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè cần gia cố mố cầu để đường ở hai đầu cầu không bị sạt lở do quá trình nạo vét bùn đất dưới lòng kênh. Các chiếc cầu này sẽ được đóng cừ bêtông hoặc đóng cọc ximăng để an toàn vững chắc hơn.

* Dù chỉ mới thi công 5/18 chiếc cầu đó đã xảy ra tình trạng kẹt xe vào giờ cao điểm. Nguyên nhân do đâu?

- Đường ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đoạn từ đường Út Tịch (Q.Tân Bình) đến cầu Lê Văn Sĩ (Q.3) có lượng xe lưu thông không lớn nên Sở Giao thông vận tải TP cho phép rào chắn năm chiếc cầu này để thi công. Đó là cầu số 1, 3, 5, 7 và cầu Trần Quang Diệu. Dự kiến đến ngày 10-10, cầu số 3 và cầu Trần Quang Diệu sẽ tháo rào chắn cho lưu thông trở lại. Cũng đoạn đường trên, sắp tới chúng tôi rào chắn tiếp các cầu số 4, 6, 8, 9 và cầu Đen (cầu dành cho xe lửa). Sở dĩ đã xảy ra kẹt xe vào giờ cao điểm vì nhiều xe chạy không theo đúng phân luồng giao thông.

* Sắp tới sẽ triển khai thi công tiếp ở các cầu nào và thời gian, phương cách thi công ra sao?

- Chúng tôi sẽ thi công các cầu Kiệu, Bông, Lê Văn Sĩ, Công Lý, Bùi Hữu Nghĩa, Điện Biên Phủ, Thị Nghè 1 (đường Nguyễn Thị Minh Khai - Xô Viết Nghệ Tĩnh) và Thị Nghè 2 (đường Nguyễn Hữu Cảnh). Ở các cầu này, chúng tôi rào chắn một nửa mặt cầu ở hai đầu cầu và chỉ cho xe lưu thông ở nửa cầu còn lại. Sau khi hoàn thành một nửa cầu, chúng tôi mới tiếp tục rào chắn thi công nửa cầu còn lại và trả nửa cầu kia cho xe cộ lưu thông. Dự kiến thời gian rào chắn ở mỗi chiếc cầu kéo dài khoảng hai tháng.

Nếu kẹt xe nghiêm trọng phải tháo dỡ rào chắn

Ông Trần Hồng Nam - phó thanh tra Sở Giao thông vận tải TP.HCM - cho biết: “đơn vị thi công gia cố mố cầu phải có trách nhiệm bố trí lực lượng điều tiết giao thông tại các cầu. Trường hợp đơn vị thi công không đủ người thì có thể thuê lực lượng thanh niên xung phong tổ chức điều tiết giao thông.

Lực lượng thanh tra Sở Giao thông vận tải TP có nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra các nhà thầu. Nếu phát hiện trong quá trình thi công nhà thầu để xảy ra kẹt xe nghiêm trọng, thanh tra sẽ xử phạt và buộc nhà thầu tháo dỡ rào chắn. Tôi tin rằng các đơn vị thi công đã có phương án tổ chức giao thông tốt để hạn chế tối đa ùn tắc giao thông ở các chiếc cầu sắp thi công”.

* Khi có “lô cốt” ngay đầu cầu chắc chắn sẽ xảy ra kẹt xe. Vậy có biện pháp nào để hạn chế kẹt xe trong quá trình thi công?

- Chúng tôi đã lường định xảy ra kẹt xe khi rào chắn một nửa cầu. Do đó, đầu tháng 10-2011 chúng tôi sẽ rào chắn cầu Kiệu để thi công trước nhằm rút kinh nghiệm cho các cầu sau này. Để được rào chắn thi công cầu, chúng tôi phải trình phương án giao thông và được Sở Giao thông vận tải thẩm định phê duyệt cho phép tổ chức phân luồng giao thông. Đồng thời, chúng tôi sẽ phối hợp với các lực lượng tại địa phương tổ chức điều tiết giao thông để hạn chế kẹt xe ở các đầu cầu.

* Tại sao không thi công từng đoạn chừng 1/3 mặt cầu để bớt kẹt xe và yêu cầu cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông giúp đỡ tìm cách giải quyết kẹt xe?

- Không thể thi công trên mặt bằng quá chật hẹp vì các thiết bị máy móc lớn. Chúng tôi đã tính toán kỹ lưỡng. Phải rào chắn một nửa mặt cầu ở hai đầu cầu mới đảm bảo đủ diện tích thi công gia cố mố cầu. Qua trao đổi với chúng tôi, các anh ở Phòng cảnh sát giao thông TP và thanh tra Sở Giao thông vận tải TP cho biết do lực lượng ít và có nhiều việc phải làm nên không thể đóng chốt ở các cầu. Các anh chỉ có thể hỗ trợ giải quyết kẹt xe trong một vài giờ mà thôi.

Trong quá trình thi công sẽ có rất nhiều khó khăn và phức tạp vì phần lớn các đầu cầu đều có công trình ngầm. Chúng tôi rất mong các đơn vị liên quan như ngành điện, bưu điện, thoát nước, cấp nước hỗ trợ di dời công trình ngầm để đẩy nhanh tiến độ thi công nhằm nhanh chóng tái lập lưu thông thông suốt. Trong quá trình thi công chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt đi lại của người dân, chúng tôi mong bà con thông cảm đi đúng phân luồng giao thông nhằm hạn chế kẹt xe ở các cầu.

Ông Hoàng Nhựt Hải
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên