15/09/2022 18:21 GMT+7

Lỡ cơ hội vào chuỗi cung ứng vì thủ tục, doanh nghiệp mong được hỗ trợ mạnh mẽ hơn

N.BÌNH - C.TRUNG - B.SƠN
N.BÌNH - C.TRUNG - B.SƠN

TTO - Khẳng định cơ hội vào chuỗi cung ứng là có nhưng doanh nghiệp vẫn cần bệ đỡ từ chính sách, giải quyết nhanh nhu cầu vốn, thủ tục đầu tư để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Lỡ cơ hội vào chuỗi cung ứng vì thủ tục, doanh nghiệp mong được hỗ trợ mạnh mẽ hơn - Ảnh 1.

Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Công ty cơ khí Duy Khanh kiêm Chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TP.HCM - chia sẻ những cơ hội khi doanh nghiệp Việt tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu - Ảnh: HỮU HẠNH

Nhiều doanh nhân và chuyên gia đã chỉ ra những chính sách cần thay tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu tại Hội thảo "Sự chuyển dịch chuyển dịch chuỗi cung ứng - Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam" ngày 15-9 tại Bình Dương.

Doanh nghiệp than mất cơ hội vì thủ tục

Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Công ty cơ khí Duy Khanh kiêm Chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TP.HCM, cho biết từ năm 2016 đã nhìn thấy cơ hội trong lĩnh vực cơ khí nên quyết định đầu thêm nhà máy ở khu công nghệ cao TP.HCM. Tuy nhiên do thủ tục kéo dài nên đến cuối năm 2022 mới gần xong nhà máy, nhiều cơ hội đã trôi qua.

Cụ thể, khi đầu tư nhà máy sản xuất năm 2016 chưa xuất hiện đối thủ cạnh tranh về sản phẩm trong nước, kể cả nước ngoài cũng không thấy có. Tuy nhiên, đến nay gần xong nhà máy thì đã có 3 nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực này tại thị trường trong nước nên cạnh tranh tăng lên. "Người mua hàng luôn hỏi chúng tôi tại sao chậm thế nhưng đành chịu." - ông Tống bày tỏ.

Nguyên nhân, theo ông Tống là do khâu giấy phép chậm là rào cản khiến doanh nghiệp "chậm chân". 

Hơn nữa, để phát triển, doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ về nguồn vốn. Trước đây, TP.HCM có nguồn vốn đầu tư kích cầu hỗ trợ doanh nghiệp. Trong 2 năm gần đây chuyển hóa ngành công nghiệp hỗ trợ mạnh mẽ thì chương kích cầu tạm dừng, khiến kế hoạch của doanh nghiệp bị đảo lộn. 

"Giờ muốn làm thì không được hỗ trợ mà không làm là mất cơ hội. Để công đồng doanh nghiệp Việt vượt lên, tham gia chuỗi cung ứng, tự chủ ngành công nghiệp cần sự hỗ trợ mạnh mẽ từ cơ quan chức năng và sự liên kết của công đồng doanh nghiệp để đổi mới mình, tự nâng cấp công ty", ông Tống nói.

Sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - giám đốc Sở Công thương TP.HCM - cho rằng doanh nghiệp phải ở thế chủ động đón làn sóng chuyển dịch chuỗi cung ứng. TP.HCM là điểm đến của nhiều doanh nghiệp, trong đó có dự án tỉ đô tham gia đầu tư, ở các tỉnh khác như Bình Dương cũng thu hút nhiều dự án đầu tư lớn. Cơ hội là có nhưng đi kèm là những thách thức cần phải cải thiện.  

Giám đốc Sở công thương TP.HCM dẫn ví dụ sự tham gia của các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị toàn cầu còn thấp so với khu vực Đông Nam Á. Theo VCCI, mới chỉ có 36% doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào mạng lưới sản xuất, bao gồm cả việc xuất khẩu trực tiếp và gián tiếp, trong khi, tỷ lệ này ở Malaysia, Thái Lan là 60%. 

Bên cạnh đó doanh nghiệp Việt đang bị phân tán và ít khả năng được hưởng lợi từ hiệu ứng lan tỏa vốn đầu tư nước ngoài, chuyển giao công nghệ, chuyển giao kiến thức và nâng cao năng lực sản xuất... 

Với TP.HCM, ông Vũ cho hay triển khai chương trình kích cầu đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ để giúp doanh nghiệp, khai thác cải tiến công nghệ, xây dựng nhiều mô hình khu chế xuất, khu công nghiệp... Ngoài ra, đầu tư cơ sở hạ tầng là để việc lưu thông thuận lợi, nâng cao cạnh tranh logisitics. 

Lỡ cơ hội vào chuỗi cung ứng vì thủ tục, doanh nghiệp mong được hỗ trợ mạnh mẽ hơn - Ảnh 2.

Ông Phạm Tuấn Anh, phó cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) - Ảnh: HỮU HẠNH

Ông Phạm Tuấn Anh, phó cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), chỉ ra những điểm yếu của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Trong đó mối liên kết giữa các doanh nghiệp còn yếu, khả năng tiếp cận vốn thấp do quy mô sản xuất nhỏ. 

Hầu hết các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa nên không có tài sản thế chấp. Ngay cả phương án kinh doanh cũng tùy thuộc vào đơn vị đặt hàng, nguồn nhân lực thì yếu. Chính vì vậy khi đi vay vốn rất khó được các ngân hàng phê duyệt. 

Để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ ngành này phát triển, Chính phủ có giao Bộ Công thương phối hợp với Bộ Tài chính triển khai chương trình ưu đãi chênh lệch cấp bù lãi suất cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ sẽ là 5%. 

“Trong quản lý, điều hành chúng tôi biết rằng các doanh nghiệp FDI nếu đi vay để đầu tư sản xuất chỉ phải chịu lãi suất 1-3%, trong khi doanh nghiệpi Việt Nam đi vay lãi suất phải trả lên đến 8-10%. Nếu không cấp bù lãi suất chúng ta thua ngay từ đầu. 

Trong nghị định 111, quy định các chính sách hỗ trợ, chính sách ưu đãi nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ cũng có chính sách ưu đãi về thuế. Đến nay, có 140 doanh nghiệp đạt tiêu chí doanh nghiệp hỗ trợ để được hưởng chính sách. “Hầu hết các tiêu chí này không khó khăn nhưng vẫn chưa nhiều doanh nghiệp tiếp cận được”, ông Tuấn Anh nói. 

Phát biểu cuối hội thảo, ông Phạm Tuấn Anh, phó cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), cho biết sẽ ghi nhận những ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và các địa phương trong việc tận dụng cơ hội từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu về Việt Nam. Các trường hợp cụ thể về khó khăn và những đề xuất chính sách, cơ chế sẽtổng hợp đề xuất chính sách kiến nghị lên Bộ Công thương, Chính phủ để có hướng giải quyết trong thời gian tới.

Nhộn nhịp đón sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng Nhộn nhịp đón sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng

TTO - Sự chuyển dịch chuỗi cung ứng thời kỳ hậu COVID-19 và quan hệ toàn cầu mới đã đem đến cho Việt Nam và các doanh nghiệp cơ hội gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu chưa bao giờ lớn như hiện nay.

N.BÌNH - C.TRUNG - B.SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên