Chủ trương này giúp doanh nghiệp mất đơn hàng, người lao động giảm thu nhập bớt áp lực trả nợ trước mắt. Chính phủ cũng đã có nghị định gia hạn nộp một số loại thuế.
Nhưng sẽ toàn diện hơn nếu chúng ta có gói hỗ trợ phát tiền trực tiếp cho những người lao động tự do bị mất thu nhập, hộ gia đình chính sách và hộ khó khăn, đặc biệt là người mất thân nhân do dịch COVID-19.
Làm được vậy chính là kết hợp linh hoạt chính sách tài khóa và tiền tệ để mọi người cùng vượt khó.
Gói hỗ trợ này không chỉ dừng ở địa phương, Quốc hội cần bàn để thiết kế và dành kinh phí thực hiện.
Vì sao cần hỗ trợ tiền trực tiếp cho một số đối tượng? Với công nhân, khi doanh nghiệp khó khăn, họ co kéo trong khả năng để giữ người lao động. Khi không còn đủ sức, doanh nghiêp phải buông, công nhân còn có bảo hiểm thất nghiệp.
Với lao động tự do, khi mọi người thắt chặt chi tiêu, việc làm giảm đi, họ dễ bị mất việc, mất thu nhập nhưng lại không có tấm đệm an sinh như bảo hiểm thất nghiệp.
Tiếp sức cho lao động tự do lúc này là rất cần thiết. Tương tự, những gia đình mất người thân trong đợt dịch vừa qua cũng cần được giúp sức.
Chỉ riêng tại TP.HCM có trên 20.000 người ra đi vì dịch, trong đó có nhiều lao động chính trong gia đình.
Mất trụ cột, người thân ở lại chông chênh, mất mát về tinh thần, phải vật lộn với những khó khăn cơm áo gạo tiền nay bộn bề hơn trước do kinh tế khó khăn. Một bàn tay chìa ra lúc này rất có ý nghĩa...
Hỗ trợ trực tiếp bằng tiền, trước là để bà con yên tâm, chuẩn bị tâm lý vượt qua những khó khăn ở phía trước, sau là tăng thêm sức mua cho xã hội, có lợi cho người sản xuất kinh doanh.
Gói hỗ trợ này từ ngân sách sẽ cùng với gói hỗ trợ từ chính sách tài khóa như giảm thuế giá trị gia tăng, giãn hoãn nộp thuế... và gói hỗ trợ qua chính sách tiền tệ như giảm lãi, cơ cấu lại thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ... giúp vực dậy sức mua. Mỗi người có thêm ít tiền để mua sắm hàng thiết yếu.
Có vậy doanh nghiệp mới có thêm doanh thu, tạo thêm việc làm... Phân tích như vậy để thấy gói hỗ trợ tiền mặt trực tiếp nếu triển khai dịp này có ý nghĩa rộng hơn, lớn hơn so với việc hỗ trợ tiền trong mùa COVID-19 (khi đó chủ yếu là giúp người dân mất thu nhập mua lương thực sống qua mùa dịch).
Có tăng sức mua mới có thể duy trì hai động lực tăng trưởng kinh tế là đầu tư công và tăng sức mua ở thị trường nội địa trong khi chờ xuất khẩu tăng trưởng trở lại.
Lấy tiền đâu để hỗ trợ? Chúng ta rà soát lại gói tiền tệ, tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế sau dịch COVID-19 nhưng chưa sử dụng hết.
Chẳng hạn như nguồn kinh phí từ hỗ trợ lãi suất 2%, do ít doanh nghiệp nhận hỗ trợ nên nay có thể dùng nguồn tiền này để thiết kế gói hỗ trợ cấp tiền trực tiếp cho người có hoàn cảnh khó khăn.
Tình hình kinh tế thế giới còn rất phức tạp, chưa thể lường hết được những khó khăn mà mọi người phải đối diện.
Phải lo cho người mất thu nhập. Rất cần thêm nhiều tấm đệm để giúp dân vượt qua khó khăn không chỉ trước mắt mà nhiều tháng tới. Dân có thêm tiền chi tiêu, một mũi tên đạt nhiều đích.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận