Chiều 18-9, thời tiết tại Đà Nẵng ít mưa nhưng gió ngoài biển khá mạnh. Trên tuyến đường ven biển Hoàng Sa (quận Sơn Trà, Đà Nẵng), không khí khẩn trương của các ngư dân Đà Nẵng hiện rõ trên từng khuôn mặt.
Ngay phía bờ biển, vợ chồng bà Đặng Thị Hồng (54 tuổi, trú phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) cùng con trai đang cố hết sức để di chuyển ghe thúng vào sát bờ.
Còn phía trên đường phố, nhiều xe cẩu chạy khẩn trương chở thuyền vào phía trong tránh bão.
Dọc tuyến đường biển Hoàng Sa, nhiều ngư dân Đà Nẵng sau khi đã cẩu thuyền và đưa vào vị trí an toàn vẫn cẩn thận chèn chống thêm.
Còn tại đoạn đường Nguyễn Huy Chương (giao với Hoàng Sa), hàng chục ghe, thuyền đã tập kết lên đây. Một số ngư dân khác đang tranh thủ thuê xe cẩu để chở.
Một ngư dân tại đây cho biết giá cả thuê cẩu tùy theo ghe, thuyền. Loại nhỏ thì tầm 450.000 đồng/chiếc, còn loại to giá 900.000 đồng/chiếc.
"Thuê cẩu lên một lần giá chừng đó. Khi trời yên, thuê cẩu xuống lại mất thêm một lần tiền nữa. Biết tốn kém mà đành chịu, chứ để ở dưới biển ớn lắm. Có khi trắng tay" - ngư dân này cho biết thêm.
Liên quan đến tình hình mưa ngập tại Đà Nẵng, Sở Xây dựng Đà Nẵng cho biết do lượng mưa lớn nên có một số điểm ngập cục bộ trong thời gian ngắn.
Tất cả lực lượng của Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải đã được huy động có mặt ngoài hiện trường để khơi thông cửa cống khi mưa cuốn rác, lá cây chảy vào. Công ty duy trì lực lượng thường trực tại các vị trí ngập úng, các trạm bơm để sẵn sàng xử lý kịp thời…
Ngư dân Hà Tĩnh khẩn trương đưa tàu thuyền vào bờ tránh bão
Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online chiều 18-9, tại Khu neo đậu tránh trú bão Cửa Sót (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) có hàng trăm tàu thuyền của ngư dân địa phương và ngoại tỉnh đã neo đậu an toàn. Các tàu thuyền neo đậu theo hàng ngay ngắn, giữa các tàu bố trí xốp, lốp xe chống va đập và bố trí dây thừng để cố định tàu với bờ kè khu neo đậu.
Ngư dân Đỗ Xuân Cường (49 tuổi, ngụ tại thôn Xuân Phượng, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà) cho biết, thuyền ông có công suất 44CV chuyên đánh bắt mực, cá ở vùng lộng cách bờ biển khoảng 20 hải lý. Mỗi chuyến ra khơi thường kéo dài khoảng 7 ngày, tuy nhiên chuyến ra khơi vừa rồi phải vào bờ sớm hơn dự kiến.
"Ngày hôm qua nghe tin có áp thấp nhiệt đới khả năng mạnh lên thành bão nên anh em chúng tôi phải đưa thuyền vào bờ sớm hơn dự kiến 2 ngày tránh trú để đảm bảo an toàn cho người và tàu" - ông Cường nói.
Ông Bùi Tuấn Sơn - giám đốc Ban Quản lý các cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão tàu cá Hà Tĩnh, cho biết hiện 4 khu neo đậu tránh trú bão trên toàn tỉnh đã có hàng trăm tàu vào neo đậu.
Các khu neo đậu tránh trú bão ở Hà Tĩnh hiện còn có thể tiếp nhận thêm 772 tàu, thuyền của ngư dân. Hiện nay, Ban Quản lý các cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão tàu cá đã phối hợp với lực lượng khác kiểm tra, sắp xếp các tàu cá vào neo đậu đảm bảo an toàn.
Theo thống kê của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh, toàn tỉnh hiện có 8 phương tiện đang hoạt động trên biển với 33 lao động. Trong các phương tiện đang hoạt động trên biển có 5 tàu thuyền với 22 lao động hoạt động khu vực gần bờ, vùng lộng, vùng khơi biển Hà Tĩnh; 1 tàu với 3 lao động hoạt động ở vùng biển Bạch Long Vĩ và 2 tàu với 8 lao động hoạt động ở khu vực biển Đà Nẵng.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh đang phối hợp với các đơn vị chức năng thông báo cho các gia đình chủ tàu, thuyền trưởng về diễn biến của áp thấp nhiệt đới để có kế hoạch sản xuất bảo đảm an toàn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận