Mở đầu cuộc đối thoại, ông Nguyễn Hồng Lĩnh chia sẻ với người dân rằng dự án sân bay Long Thành có ý nghĩa rất lớn. Việc làm hai đường kết nối T1, T2 dài gần 8km vào sân bay rất quan trọng vì là nơi sẽ vận chuyển các thiết bị siêu trường, siêu trọng vào thi công sân bay.
"Vì vậy, tỉnh Đồng Nai muốn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con để tỉnh trình các khung chính sách bồi thường, hỗ trợ phù hợp nhất", ông Lĩnh nhấn mạnh.
Mong đừng để dân thiệt thòi
Bà Trần Thị Kim Nga (xã Long An, huyện Long Thành) nói: "Phần đất nhà tôi sẽ bị giải tỏa trên tuyến đường T2. Một thửa đất có hai hộ khẩu nhưng chỉ xem xét tái định cư một lô phụ là chưa thỏa đáng. Và tôi muốn hỏi khi dân tái định cư thì bao giờ có sổ hồng?".
Còn ông Phạm Anh Hoàng, giám đốc Hợp tác xã sản xuất dịch vụ thương mại Hoàng Tuyến, cho biết hợp tác xã có khoảng 1ha đang trồng cây gia vị theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao suốt 3 năm nay và đã tới kỳ thu hoạch. Nay phải di dời nhường đất xây dựng hai tuyến đường T1, T2 vào sân bay Long Thành, nhưng đề xuất cho thuê đất ở một nơi khác để di dời lại không được. Nếu không có đất thì đền bù, chứ đừng để hợp tác xã thiệt thòi.
Ông Hoàng nói: "Ở khu tái định cư sân bay Long Thành đã có nhiều hộ dân nhận tái định cư mà không đủ tiền xây nhà. Do vậy khi tái định cư cho dân ở tuyến đường T1, T2 phải mang lại cuộc sống cho người dân ít nhất phải bằng với cuộc sống cũ".
Lưu ý vấn đề môi trường, ông Đặng Kim Phụng cho rằng lãnh đạo tỉnh Đồng Nai phải đánh giá tác động môi trường ở các dự án quanh sân bay Long Thành. "Đang làm nền sân bay nhưng bụi mịt mù nên khi làm dự án T1, T2 cũng phải chú ý môi trường, độ ồn… để làm sao không ảnh hưởng đến đời sống của người dân", ông Phụng kiến nghị.
Tại buổi đối thoại, nhiều ý kiến của người dân có đất giải tỏa đều mong muốn quan tâm đến giá đền bù, suất tái định cư hộ chính, hộ phụ, chính sách hỗ trợ, đào tạo việc làm cũng như xin miễn phí đóng tiền cơ sở hạ tầng. Hoặc bố trí cho dân ra thẳng khu tái định cư, chứ không thể hỗ trợ tiền đi ở trọ rồi chờ tái định cư…
Chia sẻ với người dân, ông Lê Văn Tiếp, chủ tịch UBND huyện Long Thành, nói: "Tỉnh và huyện đang vận dụng những chính sách tốt nhất cho người dân. Huyện cũng tổ chức tiếp công dân hằng tuần để giải quyết, đối thoại các thắc mắc của dân".
Theo ông Tiếp, dự thảo khung chính sách đang hoàn thiện thì giá đất nông nghiệp cao nhất hơn 2,3 triệu đồng/m2, thấp nhất 735.000 đồng/m2. Đối với đất ở cao nhất gần 10 triệu đồng/m2, thấp nhất hơn 2,3 triệu đồng/m2.
Dân có đất tái định cư, không có tiền xây nhà thì sao?
Kết luận cuộc đối thoại, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh: "Tỉnh ủy giao cho Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Đồng Nai tiếp thu ý kiến của nhân dân, vận dụng chính sách thuận lợi cho người dân theo các quy định pháp luật. Khung bồi thường trước đây cho người dân ở sân bay Long Thành là khác. Còn thực tiễn ở tuyến đường T1, T2 đã khác nên đề xuất, bổ sung có chính sách tốt nhất".
Cũng theo ông Lĩnh, cả hệ thống chính trị thực hiện chủ trương di dời dân qua nơi ở mới "phải có cuộc sống tốt hơn". Bởi dân đang ổn định, Nhà nước thu hồi đất đưa qua chỗ mới thì phải đảm bảo nguyên tắc sống tốt hơn chỗ cũ.
Do đó, phải quy hoạch hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội… bài bản, đồng thời tạo kế sinh nhai cho người dân tốt hơn.
Ông Lĩnh cũng gợi ý: "Dân có đất tái định cư nhưng không có tiền để xây nhà thì sao? Cái này chính quyền phải có phương án, kế sách giúp dân, không để tình trạng người vào xây nhà ở, người thì không".
Người đứng đầu Tỉnh ủy Đồng Nai lưu ý bên cạnh việc tổ chức an cư cho dân cũng cần giám sát chính sách đã ban hành để xem chính sách có đến tận tay dân không, có tiêu cực không. Và các khiếu nại, vướng mắc trong quá trình đền bù, giải tỏa, tái định cư phải được lắng nghe, giải quyết cho dân thấu đáo. Khiếu nại của dân phải được trả lời bằng văn bản.
"Không một khiếu nại nào của dân được bỏ quên. Và tôi cũng mong muốn người dân ủng hộ để bàn giao đất ở tuyến đường T1 chậm nhất là cuối tháng 5, còn tuyến đường T2 vào cuối tháng 6 để sớm làm đường kết nối vào sân bay Long Thành", ông Lĩnh nói.
UBND huyện Long Thành cho hay hai tuyến giao thông kết nối vào sân bay (tuyến số 1 dài 4,28km, kết nối với quốc lộ 51 và tuyến số 2 dài 3,5km, kết nối với cao tốc TPHCM - Long Thành) đang được kiểm đếm, xác nhận nguồn gốc đất để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Tại tuyến đường số 1, phần đất thu hồi liên quan đến tổ chức, hộ gia đình, cá nhân là 321 trường hợp. Ở tuyến đường số 2 thu hồi đất khoảng 444 trường hợp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận