01/08/2022 09:46 GMT+7

Lo 1 triệu nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp, Thủ tướng chủ trì hội nghị quy mô lớn

NGỌC HIỂN - NGỌC AN
NGỌC HIỂN - NGỌC AN

TTO - Hướng tới mục tiêu đến năm 2030 sẽ có 1 triệu nhà ở cho công nhân và người thu nhập thấp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị trực tuyến quy mô lớn bàn giải pháp về phát triển nhà ở xã hội.

Lo 1 triệu nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp, Thủ tướng chủ trì hội nghị quy mô lớn - Ảnh 1.

Thủ tướng cho rằng nhu cầu nhà ở của công nhân lao động vẫn rất cấp bách, cần thúc đẩy việc phát triển nhà ở xã hội, giải quyết tốt hơn nhu cầu cải thiện nhà ở - Ảnh: VGP

Ngày 1-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp. Hội nghị được truyền trực tuyến tới các điểm cầu UBND 19 tỉnh, thành trực thuộc trung ương.

Nhu cầu nhà ở vẫn rất cấp bách

Nhấn mạnh quan điểm "không để ai bị bỏ lại phía sau", Thủ tướng cho hay một trong những trăn trở của chúng ta lâu nay là về đời sống công nhân lao động, người thu nhập thấp. Trong đó, việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân, nhất là nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm.

Trong đó, nhiều chính sách đã ban hành như miễn tiền sử dụng đất; giảm 50% thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp; hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài dự án; cho vay ưu đãi lãi suất thấp… đã giúp có gần 7,8 triệu m2 nhà ở xã hội được hoàn thành.

Tuy vậy, Thủ tướng nhìn nhận việc triển khai chính sách vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, vấn đề nhà ở vẫn rất cấp bách, trong khi chính sách thực thi còn nhiều tồn tại, hạn chế. Do đó, các bộ, ngành, địa phương phải cố gắng nhiều hơn nữa, đáp ứng quyền con người là có chỗ ở, việc làm, quyền hạnh phúc.

"Các cụ nói rồi, an cư mới lạc nghiệp, chúng ta đã cố gắng rồi nhưng còn nhiều vấn đề cần giải quyết, cải thiện hơn", Thủ tướng nói và nhấn mạnh chỗ ở là quyền quan trọng của con người.

Cùng với đó phải nâng cao tay nghề cho người lao động, phát triển thị trường lao động lành mạnh, bền vững, thích ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Hội nghị này là dịp để đánh giá tình hình thực hiện chủ trương, pháp luật, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua và định hướng nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong thời gian tới, tìm ra giải pháp thực hiện đường lối của Đảng.

"Chúng ta cũng cần bàn là đã có cơ chế, chính sách, nhưng việc này lại chưa đạt mục tiêu đề ra? Những nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan?" - Thủ tướng mong các doanh nghiệp trên tinh thần trách nhiệm với xã hội, suy nghĩa cùng Đảng, Nhà nước, Chính phủ có cách nào để thúc đẩy việc này, có giải pháp nào thúc đẩy, tổ chức hiệu quả để sau hội nghị này sẽ có bước chuyển biến lớn về nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp...

Bên cạnh đó, ông yêu cầu đánh giá vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước sẽ vào cuộc như thế nào để phát huy tối đa sự đóng góp của doanh nghiệp trong việc phát triển nhà ở xã hội; sự vào cuộc của các doanh nghiệp FDI, các cấp công đoàn... với những giải pháp thiết thực, đột phá.

Lo 1 triệu nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp, Thủ tướng chủ trì hội nghị quy mô lớn - Ảnh 2.

Nhiều giải pháp phát triển nhà ở xã hội cho người lao động và thu nhập thấp được bàn thảo tại hội nghị - Ảnh: VGP

Nhiều vướng mắc trong phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết tính đến nay, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội với khoảng 155.800 căn.

Hiện đang tiếp tục triển khai 401 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 454.360 căn, với tổng diện tích khoảng 22,7 triệu m2; trong đó có 245 dự án với quy mô 300.000 căn hộ đang thực hiện thủ tục đầu tư và có 156 dự án với quy mô 156.700 căn hộ đang đầu tư xây dựng.

Theo ông Nghị, dù đã có cơ chế chính sách để tháo gỡ khó khăn trong phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhưng còn nhiều vướng mắc. Trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, mua - bán nhà ở xã hội còn kéo dài, thậm chí phức tạp, như việc dù được miễn tiền sử dụng đất nhưng vẫn phải thực hiện thủ tục tính tiền sử dụng đất; thẩm định về đối tượng, điều kiện…

Việc xác định giá trước khi thực hiện bán, cho thuê, cho thuê mua đối với nhà ở xã hội đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách phải được cơ quan nhà nước cấp tỉnh thẩm định cũng kéo dài thời gian, tốn kém cho doanh nghiệp.

Các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đã ban hành chưa đủ hấp dẫn, không thực chất, không thu hút, khuyến khích chủ đầu tư. Quy định các dự án nhà ở xã hội phải dành tối thiểu 20% diện tích nhà ở xã hội trong dự án để cho thuê và chủ đầu tư chỉ được bán sau 5 năm đưa vào sử dụng gây lãng phí, khó thu hồi vốn.

Theo đó, ông Nghị cho hay với mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành các dự án đã triển khai đầu tư xây dựng và các dự án đang thực hiện thủ tục đầu tư, khởi công xây dựng dự án mới để đến năm 2030 có 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, công nhân khu công nghiệp, cần nhiều giải pháp.

Đó là việc hoàn thiện thể chế chính sách, nghiên cứu, sửa đổi Luật nhà ở 2014 đồng bộ với Luật đất đai (sửa đổi), Luật đấu thầu (sửa đổi), Luật thuế…; sửa đổi các cơ chế chính sách cho nhóm đối tượng thu nhập thấp, trong đó quy định cụ thể về đối tượng, điều kiện thụ hưởng; việc quy hoạch, dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội.

Đồng thời tách riêng chính sách nhà ở cho công nhân để có cơ chế khuyến khích, ưu đãi nhằm phát triển loại hình nhà lưu trú cho công nhân trong khu công nghiệp.

Quá rắc rối, nhiêu khê, sao doanh nghiệp làm được nhà ở xã hội? Quá rắc rối, nhiêu khê, sao doanh nghiệp làm được nhà ở xã hội?

TTO - Một số doanh nghiệp tâm huyết làm dự án nhà ở xã hội phải than như vậy khi kể ra hàng loạt khó khăn, nhiêu khê về cơ chế, quy trình, thủ tục khiến việc làm dự án nhà ở xã hội của doanh nghiệp bị giậm chân tại chỗ.

NGỌC HIỂN - NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên