11/04/2019 09:24 GMT+7

Livestream quá lố, từ nhà ra phố

NGỌC HIỂN - LINH ĐOAN - ĐỨC THIỆN
NGỌC HIỂN - LINH ĐOAN - ĐỨC THIỆN

TTO - Hiện tượng livestream (phát trực tiếp lên mạng xã hội) một cách quá đà, 'hồn nhiên' bất kể giờ giấc, mọi lúc, mọi nơi đang tạo nên sự hỗn tạp và dẫn đến hệ lụy khó lường.

Livestream quá lố, từ nhà ra phố - Ảnh 1.

Rất nhiều ý kiến đã bày tỏ sự bức xúc với việc nhiều người vào đám tang của nghệ sĩ Anh Vũ để gây nên cảnh ồn ào, mất trật tự... giữa không khí trang nghiêm.

Hiện tượng livestream (phát trực tiếp lên ) một cách quá đà còn diễn ra ở các sân khấu cải lương, các rạp phim khi khán giả "hồn nhiên" phát trực tuyến vở diễn, bộ phim lên .

Khi bị nhắc nhở, họ vô tư cho rằng hành động đó giúp nhiều người được xem chứ không nghĩ đó là hành động vi phạm bản quyền và gây tổn hại rất lớn cho nhà sản xuất. Và còn rất nhiều những nỗi bức xúc từ chuyện livestream một cách vô ý thức ở khắp nơi.

Kiếm tiền bằng mọi giá

Sau một buổi sáng phát trực tiếp cảnh đám tang nghệ sĩ Anh Vũ lên các kênh YouTube, một nhóm chừng 5-6 YouTuber ngồi nghỉ ngơi phía trước chùa Ấn Quang (Q.10, TP.HCM) vào trưa 10-4 và tranh thủ nhẩm tính lượng view (lượt xem) kênh của mình đã thu hút được trong ngày.

L., sinh viên một trường đại học tại TP.HCM, cho hay chưa bao giờ kênh của mình lại có số lượt người xem tăng vọt như lần phát trực tiếp này.

Dù lập kênh đã mấy tháng nhưng lượt theo dõi và số giờ xem kênh của L. vẫn chưa đủ để có thể chạy quảng cáo, nhận tiền từ YouTube. Do đó, L. nói buộc lòng phải đến địa điểm có đông người theo dõi livestream để có thể đáp ứng đủ tiêu chí là trên 1.000 người theo dõi và 4.000 giờ xem của kênh.

"Kênh của tôi thiếu giờ xem nên phải rướn đeo theo sự kiện, còn những kênh của các YouTuber khác đã kiếm được tiền rồi, họ chỉ việc livestream lên là hốt tiền thôi" - L. nói và cho biết thêm sẽ tạm nghỉ trưa để sạc điện thoại và sẽ tiếp tục phát trực tiếp vào buổi tối!

Hiện nay, bên cạnh phát lên kênh YouTube cá nhân để kiếm tiền, không ít các streamer còn phát lên các fanpage trên mạng xã hội Facebook để tăng lượng tương tác, thu hút quảng cáo.

Trước đó, tại phiên tòa ly hôn của ông chủ Trung Nguyên thu hút sự quan tâm của dư luận, một đội ngũ YouTuber đã cắm chốt tại tòa và lao ngay vào phát trực tiếp lên kênh cá nhân mọi diễn biến dù đó không phải là nhiệm vụ của họ!

Các YouTuber cũng "tạo sự kiện" khi cùng giới thiệu về Cua dì Ba - một phụ nữ bán cua ở TP.HCM, sau đó mỗi ngày có cả chục YouTuber cùng đến ghi hình, livestream cảnh người phụ nữ này bán buôn.

Mỗi lời nói, hành động của người bán hàng rong này đều được đăng tải lên mạng với hàng triệu lượt xem và bình phẩm trái chiều.

Livestream quá lố, từ nhà ra phố - Ảnh 2.

Rất đông người chen chúc livestream tại đám tang nghệ sĩ Anh Vũ - Ảnh: DUYÊN PHAN

Đừng biến công cụ hữu ích thành phản cảm

Tính năng livestream được YouTube và Facebook cung cấp đến người dùng Việt Nam vào năm 2016. Tính năng này giúp người dùng mang tất cả những gì đang diễn ra trước mắt mình để chia sẻ với bạn bè, người thân xung quanh.

Người phát sẽ đóng vai trò như một "đài truyền hình" đang tường thuật trực tiếp một sự kiện cho khán giả là những bạn bè, người thân của mình trên mạng xã hội Facebook.

Điều này giúp livestream ngày càng được ứng dụng nhiều từ mọi khía cạnh của cuộc sống như: hội họp trực tuyến, giám sát an ninh từ xa, theo dõi tình hình giao thông, thực hiện các ca phẫu thuật, dạy học từ xa, bán hàng qua mạng, họp báo trực tuyến...

Sự phát triển của công nghệ và các nền tảng mạng xã hội đã thúc đẩy livestream tăng trưởng nhanh một cách bất ngờ.

Livestream góp phần thay đổi cách chúng ta giao tiếp, làm việc, học tập, giải trí và đặc biệt là các hoạt động tiếp thị sản phẩm, dịch vụ... Đây là những thay đổi mang tính tích cực, đồng thời sự bổ trợ của các xu hướng công nghệ mới phát triển sẽ giúp tạo nên những chuẩn mực và hình thức giao tiếp hoàn toàn mới.

Thế nhưng vẫn có nhiều trường hợp biến công cụ hữu ích này vào những hoạt động quá lố, phản cảm như trường hợp tại đám tang nghệ sĩ Anh Vũ.

Quy định về livestream của YouTube, Facebook:

Kênh sẽ tắt khi bị cảnh báo

Theo quy định của YouTube, việc phát video trực tiếp (livestream) của một kênh có thể bị tắt tự động nếu vi phạm bất kỳ quy định nào của YouTube. Đó là khi kênh phát nhận được cảnh báo vi phạm nguyên tắc cộng đồng của YouTube (gồm các quy định về nội dung gây hại hoặc nguy hiểm, quấy rối và đe dọa trên mạng, kích động bạo lực...).

Nếu vi phạm bản quyền và bị yêu cầu gỡ xuống, việc phát trực tiếp của một kênh sẽ bị tắt tự động.

Bên cạnh đó, YouTube quy định các sự kiện "bị chặn trên toàn cầu" hoặc "trùng khớp với một chương trình phát sóng trực tiếp có bản quyền khác" thì các kênh cũng không được phép livestream.

Facebook cũng có những quy định đối với các nội dung được người dùng livestream, đó chính là tiêu chuẩn cộng đồng. Tiêu chuẩn này cũng đưa ra các quy định cụ thể về sự an toàn, về bạo lực và hành vi phạm tội, về nội dung phản cảm cũng như quyền sở hữu trí tuệ.

Tuy nhiên, Facebook lưu ý người xem rằng "nội dung nào đó bạn không thích trên Facebook có thể không vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng của chúng tôi". Đặc biệt, nên trực tiếp liên hệ với cơ quan thực thi pháp luật tại địa phương nếu thấy bị đe dọa bởi nội dung nào đó nhìn thấy trên Facebook.

Quy định là vậy, nhưng hiện nay tình trạng livestream các trường hợp phản cảm, bị nhiều người phản ứng vẫn không hề bị tắt!

ĐỨC THIỆN

Livestream quá lố, từ nhà ra phố - Ảnh 4.

* Luật sư Lê Trung Phát (Đoàn luật sư TP.HCM):

Có thể bị kiện, bồi thường thiệt hại

Một số người đã lợi dụng mạng xã hội, cụ thể là họ đã xâm phạm đến quyền về hình ảnh của cá nhân, được pháp luật bảo hộ tại điều 32 Bộ luật dân sự 2015.

Một số YouTuber hoặc một số người sử dụng Facebook tùy tiện quay phim, đưa hình ảnh người khác lên mạng xã hội mà chưa được sự đồng ý từ các chủ nhân của hình ảnh này. Đặc biệt trong các hình ảnh ấy, có cả hình ảnh của nạn nhân, bị hại, các đám tang.

Người đưa các thông tin này không hiểu được việc họ muốn sử dụng hình ảnh, cần được sự cho phép của người có hình ảnh, nếu không được phép thì họ có thể bị chính người có hình ảnh bị đưa lên mạng xã hội sẽ kiện họ để yêu cầu tòa án ra quyết định thu hồi, tiêu hủy, bồi thường thiệt hại.

Tuy nhiên, nhiều lúc người bị xâm phạm phải tốn thời gian, công sức theo đuổi vụ kiện, nên nhiều khi họ đã không yêu cầu tòa án giải quyết vụ việc. Đôi lúc họ phải trông chờ vào các tổ chức cung cấp nền tảng công nghệ như YouTube, Facebook sớm hỗ trợ can thiệp để xóa các hình ảnh, clip được phát tán.

Thế nhưng, với cơ chế hiện nay, để YouTube hay Facebook buộc phải gỡ bỏ các nội dung này là hoàn toàn không dễ, ngoại trừ các nội dung ấy đang trực tiếp xâm phạm đến chính sách của YouTube hay là của Facebook và có sự yêu cầu trực tiếp từ cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo điều 38 Luật an ninh mạng 2018.

TUYẾT MAI ghi

* Ông Phạm Hồng Phước (chuyên gia CNTT):

Đừng tận dụng công nghệ mà bỏ qua giá trị đạo đức

Ông Phạm Hồng Phước

Hiện nay, công nghệ có thể giúp người ta kiếm được tiền, kiếm được quảng cáo hoặc giúp người phát nổi tiếng hơn. Do đó, ai cũng nghĩ tận dụng công nghệ mà bỏ qua những giá trị đạo đức hoặc có những hành động phản cảm, không tôn trọng hình ảnh riêng tư, đời tư cá nhân.

Để chấn chỉnh thực trạng trên, cần phải nhìn nhận rõ là nên xuất phát từ việc xây dựng nền tảng văn hóa của con người, ứng xử như thế nào trong thời đại công nghệ để thích ứng và có những hành xử chuẩn mực trên thế giới ảo.

Còn với nền tảng công nghệ thì không thể cấm đoán bởi đó là xu hướng của thế giới và các video này cũng không vi phạm pháp luật hay các tiêu chuẩn cộng đồng.

* Ông Nguyễn Minh Thảo (CEO một ứng dụng livestream):

Hệ lụy khó lường nếu người phát thiếu kiến thức

Ông Nguyễn Minh Thảo

Facebook và YouTube đang phát triển những video được phát trực tiếp liên quan đến tin tức, đó là xu hướng tích cực. Tuy nhiên, cái cần phải tránh là việc áp dụng điều này để loan đi những tin nhạy cảm, ảnh hưởng đến cuộc sống.

Cái quan trọng là người xem phải lựa chọn kênh dữ liệu nào, thông tin nào, cân nhắc điều gì nên xem hoặc không xem.

Còn với người phát thông tin, họ cần có những kiến thức nhất định để truyền tin bởi công nghệ làm cho ai cũng dễ dàng trở thành "nhà báo", do đó đã tạo nên sự hỗn tạp và dễ dẫn đến hệ lụy khó lường nếu người phát thông tin thiếu kiến thức.

Về góc độ quản lý phải thừa nhận là khá khó khăn bởi sự lan tỏa của người dùng, sự thuận tiện của nền tảng công nghệ hiện nay trở nên quá dễ dàng. Vì thế, quan trọng vẫn là giáo dục và tâm lý người xem, nếu không có người xem thì sẽ không ai phát triển những video như thế.

* Ông Huỳnh Thanh Phi (giám đốc công ty truyền thông):

Nhân rộng nội dung tốt, hạn chế nội dung xấu

Ông Huỳnh Thanh Phi

Livestream đang trở thành một phương tiện giao tiếp hữu ích không chỉ cho doanh nghiệp, tổ chức mà còn cho người dùng. Chẳng hạn sử dụng livestream để chia sẻ cảnh đẹp của các điểm du lịch hoặc các hình thức văn hóa hay của địa phương khi ghé thăm.

Hằng ngày, có hàng triệu câu hỏi "làm thế nào?" của người dùng được đặt ra, sử dụng livestream để chia sẻ các kinh nghiệm và thủ thuật hay để giải quyết các câu hỏi này là một trong những cách sử dụng hay và hiệu quả.

Những ứng dụng tốt như vậy nên được truyền thông mạnh mẽ, từ đó định hướng cho người xem cũng như ứng dụng nó.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước cần có biện pháp ràng buộc trách nhiệm mạnh mẽ với các nền tảng, công cụ phục vụ livestream để bảo đảm những nội dung có ảnh hưởng tốt được nhân rộng, đồng thời hạn chế tối đa những nội dung có tác động tiêu cực...

NGỌC HIỂN - ĐỨC THIỆN ghi

Nhiều nước đã hành động

Sau vụ một hung thủ livestream trên Facebook hành động mình xả súng giết 50 người tại một nhà thờ ở New Zealand vào ngày 15-3, nhiều quốc gia đã có những hành động đối với tính năng livestream trên các mạng xã hội.

Cụ thể, Ủy ban An ninh nội địa Hạ viện Mỹ đã yêu cầu lãnh đạo của 4 hãng công nghệ hàng đầu gồm: ông Mark Zuckerberg (Facebook), bà Susan Wojcicki (YouTube), ông Jack Dorsey (Twitter) và ông Satya Nadella (Microsoft) tham gia điều trần để giải thích về tình trạng lan tràn của video bạo lực tại New Zealand.

Tiếp đó, Hội đồng tín ngưỡng Hồi giáo Pháp, cơ quan chính phủ đại diện cho người Hồi giáo tại Pháp cũng đâm đơn kiện Facebook và Google vì đã để phát tán đoạn video xả súng tấn công tại New Zealand.

Theo pháp luật Pháp, nếu bị kết án, những người chịu trách nhiệm có thể bị phạt 85.000 USD và tối đa 3 năm tù.

Ngày 4-4 vừa qua, Quốc hội Úc đã thông qua dự luật mới, buộc lãnh đạo các mạng xã hội như YouTube, Facebook phải chịu trách nhiệm hình sự do các nội dung độc hại phát tán trên các nền tảng mạng xã hội.

Đặc biệt, các lãnh đạo của những mạng xã hội, hoặc những người trực tiếp "cung cấp dịch vụ nội dung" sai phạm có thể bị phạt tới 3 năm tù.

Dù vậy, ông Mark Zuckerberg vẫn khẳng định không có kế hoạch gỡ bỏ tính năng livestream sau các vụ việc nêu trên mà chỉ cam kết thắt chặt các quy định bao gồm cấm phát trực tiếp với những người dùng từng có phát ngôn hận thù hoặc vi phạm các quy định của Facebook...

ĐỨC THIỆN

Phản cảm livestream, chụp ảnh câu like ở đám tang Anh Vũ

TTO - Trưa 9-4, linh cữu nghệ sĩ Anh Vũ từ Mỹ đã được đưa về quàn tại chùa Ấn Quang. Rất đông người chờ từ rất sớm để thấy anh được đưa về. Tuy nhiên, có không ít người lợi dụng livestream, chụp ảnh gây náo loạn trước cửa chùa.

NGỌC HIỂN - LINH ĐOAN - ĐỨC THIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên