Và từ đây đặt ra việc cần phải sửa quy định áp dụng hóa đơn điện tử với các giao dịch thương mại điện tử, livestream như Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính.
Các chuyên gia cho rằng cần phải thúc đẩy thị trường này phát triển hơn nữa, song giải pháp áp dụng hóa đơn điện tử là cần thiết để hạn chế thất thu thuế, tạo lập môi trường kinh doanh công bằng, bình đẳng. Tuy nhiên, sẽ cần nhiều giải pháp đồng bộ để thực hiện, trong đó vấn đề gốc rễ vẫn là sửa luật.
Cơn sốt livestream doanh số khủng
Doanh thu của các phiên livestream trở thành chủ đề được bàn tán rôm rả. Trong giới bán hàng online, D.L. khiến nhiều người trầm trồ khi có phiên livestream đạt doanh thu 30 tỉ đồng. Vào tháng trước, vợ chồng Q.L.D. gây chú ý khi công bố đạt doanh số 100 tỉ đồng sau 17 tiếng liên tục livestream.
Ở phiên bán hàng vào đầu tháng này, vợ chồng trên cũng đặt mục tiêu đạt 150 tỉ đồng, kết quả là đạt 80 tỉ đồng sau 40 tiếng liên tục bán hàng online.
Quản lý và điều hành Accesstrade, nền tảng tiếp thị liên kết lớn hàng đầu Việt Nam, ông Dũng Bùi cho biết dự báo vào năm tới nền kinh tế kỹ thuật số Việt Nam ước đạt 45 tỉ USD, trong đó thương mại điện tử (TMĐT) chiếm tới 24 tỉ USD.
Hãng dữ liệu NielsenIQ cũng cho biết trong quý đầu năm 2024 có tới 95% khách hàng trực tuyến mua sản phẩm qua livestream. Việc mua hàng qua các KOC (người tiêu dùng, có sức ảnh hưởng) và KOL (người nổi tiếng) ngày càng phổ biến.
Các phiên livestream bán hàng trên TikTok đạt doanh thu hàng 100 - 150 tỉ đồng cũng ngày càng phổ biến. Ngay các sàn TMĐT lớn như Shopee, Lazada... cũng xem livestream là hình thức bán hàng chủ lực trước thị hiếu tiêu dùng mới của thị trường.
Tuy nhiên đang có lỗ hổng trong quản lý thu thuế đối với những cá nhân kinh doanh trên các nền tảng TMĐT, trong đó có cá nhân livestream bán hàng.
Live xong xóa link, biết là ai
Dù là phương thức bán hàng đang lên của thị trường TMĐT, nhưng nhiều công ty nghiên cứu thị trường lớn cho biết họ chưa thể thống kê được chính xác doanh số của các phiên livestream để tính vào quy mô thị trường.
Báo cáo của nền tảng số liệu Metric cho biết số thống kê doanh thu bán lẻ trên năm sàn TMĐT lớn nhất tại Việt Nam của họ chưa bao gồm doanh thu từ các phiên livestream.
Giải thích về cách thu thập dữ liệu này, đại diện Metric cho biết với hình thức bán hàng livestream, rất khó cho họ thống kê chính xác vì giá bán của các phiên này thay đổi liên tục so với giá gốc. Nhiều phiên xóa link live sau khi thực hiện, nên để đảm bảo số liệu chính xác nhất, một số nền tảng chưa đưa các số này vào báo cáo.
Một khảo sát về hành vi mua sắm của gen Z tại Việt Nam mới đây của Shopee cũng nhấn mạnh bên cạnh việc thu thập voucher, 2/5 gen Z còn thích xem livestream để săn hàng trên kênh TMĐT. Trong đó 84% người dùng cho biết trải nghiệm mua sắm thú vị là một trong những lý do lựa chọn TMĐT làm kênh mua sắm ưa thích.
Hiện một số sàn bắt đầu ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào thống kê, sàng lọc sản phẩm, giá bán nhưng riêng với các phiên livestream vẫn rất khó "rà" một cách chính xác. "Để đánh giá đúng doanh số, đơn hàng, các sàn cần phối hợp chặt chẽ với người bán trước các phiên livestream, có cơ chế minh bạch và công khai thông tin rõ ràng như đăng ký sản phẩm, giá..." - đại diện Metric nói.
Chính vì khó kiểm soát nên dù bùng nổ thời gian qua nhưng quản lý thuế và thu thuế đối hoạt động livestream bán hàng vẫn rất khó khăn, thất thu lớn.
Theo các chuyên gia kinh tế, không giống như hình thức đưa hàng lên sàn TMĐT bán, hình thức livestream sau khi kết thúc phiên từ người mua và cả cơ quan quản lý cũng không còn biết họ là ai. Điều này cũng cho thấy việc quản lý kinh doanh bán hàng online này rất phức tạp vì tính mới và phổ biến của nó.
Sàn đang quản lý chặt chẽ?
Trả lời báo Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Lâm Thanh - đại diện TikTok Việt Nam - khẳng định những phiên livestream lớn diễn ra trên sàn, có doanh thu trăm tỉ đồng, đều thực hiện đúng phát luật.
Theo ông Thanh, mỗi phiên giao dịch có thể ghi nhận hàng chục ngàn đơn hàng, đương nhiên các bên đều hiểu câu chuyện thuế. Các giao dịch đều ghi lại, "không ai dám làm một hoạt động không tuân thủ hoàn toàn nghĩa vụ thuế".
Với phiên livestream đạt doanh thu trăm tỉ, nhãn hàng đóng vai trò là nhà cung cấp hàng hóa nên phải trả thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong khi đó, đối với người bán hàng - xuất hiện chính trong phiên, thông thường sẽ có lương cứng - người làm thuê, hoặc được trả thu nhập dựa vào tổng doanh thu, vì vậy sẽ đóng thuế theo số tiền nhận được.
Trong khi đó, đại diện Shopee cho biết họ đang kiểm soát chặt chẽ nội dung và các hoạt động trên Shopee Live (livestream trên Shopee) dựa trên các tiêu chuẩn cộng đồng Shopee Live, chính sách của Shopee và các quy định pháp luật có liên quan.
Cùng với đó, tất cả sản phẩm đăng bán trên Shopee, kể cả trên Shopee Live, đều phải đáp ứng và tuân thủ đúng quy định đăng bán của sàn theo quy định đăng bán sản phẩm.
Theo Shopee, khi đăng bán sản phẩm hoặc thực hiện livestream, người bán có trách nhiệm đảm bảo hàng hóa, nội dung truyền tải qua livestream của mình tuân thủ quy định pháp luật hiện hành, quy định đăng bán sản phẩm trên Shopee, chính sách cấm/hạn chế sản phẩm cũng như các điều khoản sử dụng và chính sách của Shopee và Shopee Live.
Chủ sàn nộp thuế thay cho cá nhân?
Tuy vậy, đại diện TikTok Việt Nam cũng cho biết thời gian qua có những người chưa phân biệt được các phiên bán hàng ở các sàn TMĐT chính thống với các phiên diễn ra ở những nền tảng phi sàn (giao dịch không được ghi lại đầy đủ, không ràng buộc rõ trách nhiệm người bán với người mua, không có bên trung gian để bảo đảm).
Ông Lâm Thanh phân tích về nguyên tắc khi tham gia kinh doanh, mọi người đều có trách nhiệm tuân thủ pháp luật. Nền tảng cũng thông báo về quy định và trách nhiệm, nhưng có những người không chịu đọc. Các nền tảng tổ chức khóa học đào tạo rất kỹ nhưng có bên cử nhân viên đi học nhưng không học. TikTok có phối hợp Tổng cục Thuế, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nhìn thấy rủi ro nếu không chịu khó học luật.
Dù vậy theo ghi nhận, việc kiểm soát hàng hóa ngay trên sàn vẫn có kẽ hở. Chẳng hạn hồi đầu tháng 6-2024, Tổng cục Quản lý thị trường đã phát hiện kho hàng chứa khoảng 2.000 điện thoại iPhone, máy tính bảng, thiết bị điện tử, đồ gia dụng, quần áo... không có hóa đơn, nghi nhập lậu, bị đăng bán trên TikTok Shop.
Theo Bộ Tài chính, để tăng quản lý thuế với lĩnh vực này, ngành thuế đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có đề xuất sửa quy định theo hướng yêu cầu chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT cho đặt hàng trực tuyến phải khai, nộp thuế thay cho các cá nhân kinh doanh trên sàn.
Giải pháp này, theo Bộ Tài chính, sẽ góp phần cải cách thủ tục hành chính, giảm đầu mối kê khai thuế, chi phí thực hiện thủ tục hành chính cho toàn xã hội.
Nên có cơ quan quản lý chuyên trách
Ông Nguyễn Duy Vĩ, CEO Công ty truyền thông Buzi, nói bên cạnh những phiên livestream được quảng bá với doanh thu lên tới tiền tỉ, vẫn còn bỏ ngỏ rất nhiều câu hỏi, đặc biệt là chất lượng sản phẩm được bán trong các phiên livestream.
Vì vậy nếu đã xem livestream như một kênh bán hàng mới cũng nên có một cơ quan quản lý chuyên trách quản lý hoạt động này, đồng thời tiếp nhận thông tin phản ảnh của người tiêu dùng về các vi phạm của người trực tiếp livestream bán hàng. Việc này nhằm có hành động kiểm tra nhanh chóng, chế tài thật cụ thể để xử lý, hạn chế đến mức tối đa các tiêu cực trong từng phiên livestream.
Hóa đơn điện tử: cần hướng dẫn cụ thể
Sau thông tin yêu cầu livestream bán hàng phải xuất hóa đơn điện tử, nhiều người bán hàng online vội tìm hiểu. Họ lo bị phạt, truy thu nếu không đáp ứng được các yêu cầu về chính sách thuế, hóa đơn.
Ông Phan Phương Nam - phó khoa luật thương mại Trường đại học Luật TP.HCM - cho biết việc áp dụng hóa đơn điện tử là một giải pháp cần thiết để quản lý thuế, tránh thất thu. Nhưng nếu áp dụng đồng loạt ở thương mại điện tử, livestream bán hàng sẽ phải tính đến vấn đề quản lý cho các cá nhân kinh doanh.
"Các cá nhân bán hàng có cần đăng ký kinh doanh để xuất hóa đơn điện tử không? Vì hiện nay có nhiều người bán online, livestream bán hàng chỉ một thời gian ngắn nhưng vì không phát triển tốt nên nghỉ thì họ có phải đăng ký và xuất hóa đơn điện tử không?", ông Nam đặt vấn đề.
Ông Nam cũng cho rằng cần có các quy định hướng dẫn cụ thể để các cá nhân kinh doanh có thể tự đánh giá, xem xét mình có thuộc diện phải xuất hóa đơn điện tử khi kinh doanh hay không. Từ đó khuyến khích họ chủ động thực hiện; các thủ tục, chi phí thực hiện cũng cần thuận lợi, nhanh chóng.
Theo ông Tuấn Hà - chuyên gia thương mại điện tử, ủy viên Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, để tránh thất thu thuế với cá nhân kinh doanh online không qua sàn, cơ quan quản lý thuế có thể làm việc với đơn vị quản lý đơn hàng hoặc bên vận chuyển. Việc yêu cầu cá nhân kinh doanh xuất hóa đơn, ông Hà nói "rất khó và chưa có quy định".
Theo đó, cơ quan thuế cần sửa quy định về áp dụng hóa đơn điện tử với các giao dịch thương mại điện tử, livestream, từ đó có những hướng dẫn cụ thể để người bán hàng nắm được. Ngoài ra cần tăng cường tuyên truyền để người bán hàng hiểu và chấp hành, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi thay vì chỉ mạnh tay truy thu", ông Hà nói.
Xác định pháp lý cá nhân kinh doanh
Để áp dụng hóa đơn điện tử với cá nhân kinh doanh bán hàng online, livestream, chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình - giám đốc Economica Việt Nam - cho rằng cần phải sửa luật. Trong đó làm rõ địa vị pháp lý hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.
"Đã kinh doanh phải có nghĩa vụ thuế. Tuy nhiên muốn xuất hóa đơn phải có cơ sở, xác định địa vị pháp lý. Chỉ khi xác định được địa vị pháp lý của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh mới có thể làm căn cứ để xây dựng các quy định khác có liên quan, trong đó có thuế" - ông Bình nói.
Trung Quốc quản lý công nghiệp livestream
Những năm gần đây, Trung Quốc đang nỗ lực quản lý chặt chẽ hơn nữa ngành công nghiệp livestream. Một số người đã phải ngưng ngay các buổi phát trực tiếp khi bị phát hiện có hành vi không phù hợp hoặc bất hợp pháp lúc livestream, theo trang China Briefing. Điển hình vào năm 2021, "nữ hoàng livestream" Vi Á (Viya) đã nộp phạt 1,34 tỉ nhân dân tệ (210,16 triệu USD) vì trốn thuế.
Các quy định cho ngành công nghiệp này tại Trung Quốc đang ngày càng buộc những người livestream (livestreamer) phải chịu trách nhiệm kiểm soát chất lượng sản phẩm, báo cáo chính xác về số lượng bán hàng và chịu trách nhiệm cho sự tham gia của trẻ vị thành niên trong các buổi phát.
Tháng 6-2022, Trung Quốc ban hành quy tắc ứng xử dành cho livestreamer và các nền tảng phát trực tiếp (áp dụng cả hình thức livestream ảo và livestream có sự hỗ trợ của AI), yêu cầu các livestreamer trong các lĩnh vực chuyên môn như luật, y tế, giáo dục, tài chính... phải có bằng cấp và được các nền tảng phát trực tiếp xác minh.
Các nền tảng phát trực tiếp cũng có trách nhiệm xác nhận những người dùng tuân theo quy tắc và phải có quy định phạt với những ai vi phạm, như việc đưa họ vào danh sách đen hay cấm vĩnh viễn họ phát trực tiếp.
Năm 2021, Cục Quản lý không gian mạng Trung Quốc cùng sáu cơ quan quản lý khác cũng ban hành các quy tắc nhằm hạn chế các hành vi sai trái liên quan livestream thương mại điện tử, bao gồm việc bán sản phẩm giả, làm sai lệch số người xem và thúc đẩy các mô hình đa cấp, báo South China Morning Post đưa tin. nghi vũ
Diễn viên Ngọc Lan: Cân nhắc kỹ
Ưu điểm của nghệ sĩ là có lượng khán giả đông nên khi livestream sẽ có lượng người theo dõi và tương tác cao. Tôi nghĩ việc livestream bán hàng là xu hướng thu hút người mua hiện nay. Tuy vậy, việc mua hàng trên kênh livestream khách hàng cần cân nhắc thật kỹ vì không biết được nguồn sản phẩm như thế nào.
Diễn viên Diệp Bảo Ngọc: Cần quy định cụ thể
Livestream bán hàng phải có hóa đơn điện tử là điều cần thiết. Nhà nước cần có những quy định cụ thể về việc bán hàng qua livestream. Trong đó chú trọng thêm việc kiểm định chất lượng, nguồn gốc cũng như thời hạn sử dụng của sản phẩm để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận