11/06/2024 21:54 GMT+7

Livestream, bán hàng online thu tiền tỉ: Tăng thanh toán không tiền mặt, dẹp ‘né’ thuế

Hệ thống thanh toán liên ngân hàng đã xử lý bình quân hơn 830.000 tỉ đồng/ngày. Theo chuyên gia, thúc đẩy mạnh mẽ việc thanh toán không tiền mặt sẽ giúp quản lý và thu thuế hiệu quả.

Hầu hết khách hàng nhận đơn đều thanh toán bằng chuyển khoản, QR Code - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Hầu hết khách hàng nhận đơn đều thanh toán bằng chuyển khoản, QR Code - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Thời gian gần đây, hoạt động thương mại điện tử, livestream bán hàng nở rộ với doanh thu khủng. Đơn cử có phiên livestream xôn xao giới truyền thông khi doanh thu lên tới 100 tỉ đồng.

Việc quản lý và thu thuế đối với những hình thức kinh doanh mới được đặt ra. Theo các chuyên gia, việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt là một trong các giải pháp quan trọng, hiệu quả.

Khó giấu doanh thu với thanh toán không tiền mặt

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Phan Phương Nam - phó khoa luật thương mại Trường đại học Luật TP.HCM - nói thanh toán không tiền mặt càng phổ biến, quản lý và thu thuế càng hiệu quả.  

Ông Nam cũng cho biết hiện nay các hình thức thanh toán online rất phổ biến, việc mở tài khoản ở ngân hàng hay ví điện tử nhanh chóng, thuận tiện. Khi hạn chế mua bằng tiền mặt, các bên bán hàng và cung cấp dịch vụ càng khó "giấu" doanh thu, "né" thuế.

Chị Nguyễn Miên (Hà Đông, Hà Nội) - chủ một shop kinh doanh quần áo - chia sẻ lượng khách hàng thanh toán không tiền mặt chiếm tới hơn 90% doanh thu mỗi tháng.

"Các phương tiện thanh toán giờ quá tiện lợi, chuyển khoản hay quét mã xong khách báo chỉ nửa phút là thấy tiền về tài khoản, kể cả cuối tuần hay buổi tối, sáng sớm. Nhiều khách hàng ship COD nhưng cũng chuyển khoản chứ không tiền mặt", chị Miên nói.

Theo nghiên cứu về thái độ thanh toán của người tiêu dùng 2023 do Visa thực hiện, ví điện tử và thanh toán trực tuyến đang nhanh chóng đuổi kịp giao dịch tiền mặt về mức độ phổ biến và tần suất sử dụng.

Đại diện Visa cho hay khách hàng kỳ vọng cao hơn về trải nghiệm thương mại điện tử và doanh nghiệp cần đáp ứng tối đa kỳ vọng này để tồn tại và phát triển.

Tại hội nghị sơ kết triển khai đề án 06 và đẩy mạnh kết nối, chống thất thu thuế vừa diễn ra, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước thông tin đã ban hành chiến lược thúc đẩy hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt đến năm 2030.

Đến nay, hệ thống thanh toán liên ngân hàng đã xử lý bình quân hơn 830.000 tỉ đồng/ngày. Hệ thống thanh toán bán lẻ xử lý bình quân từ 20 - 25 triệu giao dịch/ngày.

Số lượng giao dịch thanh toán qua kênh Internet và mobile bình quân giai đoạn 2021 - 2023 lần lượt tăng trưởng ở mức 52% và 103,3%. Tăng trưởng về số lượng và giá trị thanh toán qua phương thức QR Code đạt hơn 170%.

Giới chuyên môn cho rằng mức tăng trưởng nêu trên rất lớn, cho thấy mức độ đảm bảo thanh toán cho doanh nghiệp và người dân cao. Sự tiện lợi và đa dạng trong thanh toán là yếu tố quan trọng hàng đầu giúp người dân bỏ dần thói quen giữ tiền mặt.

Nếu các thanh toán giá trị nhỏ, nhiều người sử dụng các ví điện tử như Momo, Viettel Money… Trong khi Vietcombank, HDBank, Techcombank, ACB, BIDV, TPBank, Nam A Bank, SHB, Agribank, Eximbank, VPBank, Cake by VPBank... và các ngân hàng khác đều nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi số, trọng tâm là nâng cao trải nghiệm của khách hàng trong thanh toán.

Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện đã có hơn 87,08% người trưởng thành tại Việt Nam có tài khoản ngân hàng, 182 triệu tài khoản thanh toán của khách hàng cá nhân và hơn 147 triệu thẻ ngân hàng đang hoạt động.

Ngân hàng cung cấp hơn 130 triệu tài khoản thanh toán của người nộp thuế

Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, cơ quan này được giao là thiết lập cơ chế quản lý, giám sát các giao dịch thanh toán nhằm hỗ trợ cho công tác quản lý thuế. Một số liệu đáng chú ý, đến nay các tổ chức tín dụng đã cung cấp cho Bộ Tài chính hơn 130 triệu tài khoản thanh toán của người nộp thuế.

Việc cung cấp dữ liệu tài khoản ngân hàng cho cơ quan thuế được thực hiện theo nghị định 126 và Luật Quản lý thuế. Các thông tin như giao dịch qua tài khoản, số dư, số liệu giao dịch sẽ được ngân hàng cung cấp theo đề nghị của người đứng đầu cơ quan thuế.

Ông Phan Phương Nam cho biết việc này nhằm kiểm tra nghĩa vụ thuế phải nộp. Cơ quan thuế có trách nhiệm bảo mật thông tin tài khoản của người nộp, nhưng từ dữ liệu do ngân hàng cung cấp, họ lọc ra danh sách những người kinh doanh online nhưng chưa kê khai và nộp thuế.

Thông qua ngân hàng và việc đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt, thời gian qua nhiều người bán hàng online đã bị truy thu thuế. Tuy nhiên ông Phan Phương Nam cho biết sẽ vẫn có hiện tượng nhờ người này, người khác đứng tên tài khoản ngân hàng để "giấu" bớt doanh thu, né thuế. Bởi cá nhân, hộ kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm không phải nộp thuế.

Ngoài ra, theo chuyên gia, việc thanh toán qua hình thức online cũng tiềm ẩn các nguy cơ về bảo mật, lừa đảo. Do vậy, phía người dùng cần hết sức lưu ý, tuân thủ mọi hướng dẫn từ phía ngân hàng, tránh lộ lọt thông tin.

Đồng thời các tổ chức tín dụng đẩy mạnh nâng cấp và hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ cho thanh toán không dùng tiền mặt, đảm bảo thông suốt, nâng cao tính an toàn - chuyên gia đề xuất.

Doanh nghiệp Doanh nghiệp 'tận dụng' thành quả thanh toán không tiền mặt

Các hình thức thanh toán không tiền mặt đang chiếm cảm tình người tiêu dùng. Với các doanh nghiệp, hình thức thanh toán này còn được tiếp cận như một giải pháp tối ưu trong quản lý chi tiêu doanh nghiệp, xây dựng chiến lược kinh doanh.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên