14/06/2018 14:13 GMT+7

Lính xe tăng ở tây Nghệ An

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Kíp xe tăng số hiệu 174 gồm bốn thành viên với tuổi đời, quê quán khác nhau đã vượt qua nhiều thử thách và trở thành kíp xe tiêu biểu của Lữ đoàn 215 - đơn vị đóng quân phía tây Nghệ An với nhiều khắc nghiệt về địa hình, thời tiết.

Lính xe tăng ở tây Nghệ An - Ảnh 1.

4 thành viên kíp xe 174 trước xe tăng chuẩn bị chiến đấu - Ảnh: M.Lăng

Sau giờ huấn luyện, kíp xe 174 của Lữ đoàn 215 (Binh chủng tăng - thiết giáp) gồm bốn người ai cũng nhễ nhại đầm đìa mồ hôi, mặt đen sạm.

Anh em kíp xe thật sự gắn bó và hỗ trợ nhau, khắc phục điểm yếu của nhau. Có như vậy kíp xe mới hoàn thành tốt nhiệm vụ

Trưởng xe VŨ HUY HOÀNG

Đất thép luyện quân

Kíp xe 174 nằm trong đội hình chiến đấu của đại đội 3 (tiểu đoàn 1) - đại đội được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ. Trung tá Trần Bá Thắng (phó chủ nhiệm chính trị Lữ đoàn 215) cho biết đây là một trong những kíp xe tiêu biểu của đơn vị, các đợt bắn kiểm tra, bắn chiến đấu đều đạt loại giỏi. 

Kíp xe vừa đoạt giải nhất Hội thi xe tốt cấp lữ đoàn năm 2018. Kíp xe đã được lữ đoàn trao tặng danh hiệu Kíp xe thanh niên quyết thắng Đinh Văn Hòe.

Thượng úy Vũ Huy Hoàng, trưởng xe kiêm trung đội trưởng, 38 tuổi, là người "già" nhất trong kíp xe. Còn nhỏ tuổi nhất là binh nhất Lê Đức Trung, 21 tuổi. 

Bốn người đến từ ba tỉnh, thành khác nhau: trưởng xe Vũ Huy Hoàng người Hưng Yên, lái xe Tô Văn Huyền (35 tuổi) và pháo thủ Hoàng Văn Đôi (37 tuổi) đều quê Nghệ An, chiến sĩ nạp đạn Lê Đức Trung, người Hà Nội, là thành viên mới nhất của kíp xe 174. Trong đó anh Hoàng Văn Đôi là người gắn bó lâu nhất: 14 năm!

"Lúc mới vào mình hơi bị sốc, thời tiết thì khắc nghiệt, cường độ huấn luyện cao. Sáng huấn luyện 4 tiếng, bắt đầu từ 6h30. 14h lại xuất phát ra bãi huấn luyện. Ngoài thao trường không có cây cối, đã nắng nóng lại càng nắng nóng hơn. Nhiệm vụ của mình là bê mấy chục quả đạn pháo vào trong xe. Mỗi quả đạn nặng 31kg" - chiến sĩ nạp đạn Lê Đức Trung kể lại những ngày đầu mới về đơn vị. 

"Khó nhất là khi xe đang cơ động mà phải nạp đạn. Lúc chưa vào xe, các anh động viên, trợ giúp cùng bê quả đạn pháo vào trong xe giúp mình. Nhưng khi đã vào trong xe thì nhiệm vụ của ai người đó làm. Hôm đầu tiên xong, về mình phải uống nước rất nhiều, ăn chỉ được một bát cơm" - anh Trung chia sẻ.

Một năm ở tây Nghệ An, chàng trai trẻ Hà thành đã thấm cái khắc nghiệt của khí hậu nơi này. Trưởng xe Vũ Huy Hoàng cho biết: "Thời gian huấn luyện hằng năm kéo dài liên tục từ đầu tháng 3 đến giữa tháng 12, dính vào cao điểm mùa hè nên rất vất vả". 

Ở đây, nắng nóng đỉnh điểm nhất là từ tháng 5 đến cuối tháng 7. Nhiệt độ cao nhất lên đến 40-420C. "Xe tăng để trong nhà xe chạm vào còn bỏng rát tay! Nắng nóng đến trưa không ngủ nổi. Bây giờ mới vừa chớm vào mùa, da ai cũng đen sạm hết rồi. Đầu tháng 8 bắt đầu có mưa bão, lũ lụt" - pháo thủ Hoàng Văn Đôi nói.

Giúp được người dân là thấy vui

Có lúc bộ đội phải cơ động xa hàng trăm kilômet giữa nắng nóng, đường thì đất đá, trong xe không gian chật hẹp, nóng bức, mùi xăng dầu xộc vào, chiến sĩ mới hầu hết đều bị say xe. "Cường độ huấn luyện cao, người lính xe tăng làm việc trong môi trường chật hẹp, khói bụi, tiếng ồn, tiếng nổ to... nên không thể không ảnh hưởng sức khỏe. 

Mùa gió Lào, trong xe không có điều hòa, không có máy quạt, vũ khí khí tài toàn sắt thép hấp nhiệt rất tốt, nhưng anh em luôn cố gắng nỗ lực rất cao để hoàn thành nhiệm vụ. Nhất là khi huấn luyện các bài bắn, ngoài tiếng ồn động cơ còn có mùi khói của đạn pháo, có khi khiến mình đau đầu luôn" - trưởng xe Vũ Huy Hoàng cho hay.

Không chỉ xuất sắc trong huấn luyện, kíp xe 174 còn ghi dấu ấn với những gì đã thể hiện trong cơn bão số 10 (tháng 9-2017) khi cơn bão này chuẩn bị đổ bộ vào các tỉnh miền Trung, trong đó có Nghệ An. Đó là cơn bão được dự báo rất nguy hiểm. Nhận lệnh từ lữ đoàn, kíp xe 174 cơ động về các xã ven biển của huyện Quỳnh Lưu giúp người dân thu hoạch lúa, chằng chống nhà cửa, gia cố đê kè ngăn dòng nước lũ...

Khi đó, bão đã gần ập vào Nghệ An. Biển cuồn cuộn, xám xịt. Từng đợt sóng lớn ập vào bờ. Mưa và gió nổi lên. Hình ảnh những người lính xe tăng không ngại nguy hiểm lăn xả gia cố đê kè trong khi nước ngập đến chân, leo trèo lên các mái nhà trơn trượt chằng chống nhà cửa... đã làm ấm lòng người dân. 

"Chúng tôi đi từ 5h sáng, đến 18h mới về đơn vị. Ai cũng mệt nhoài, nhưng giúp được người dân là thấy vui" - pháo thủ Hoàng Văn Đôi nói.

Sinh nhật đầu tiên trong quân ngũ

Binh nhất Lê Đức Trung kể về sinh nhật tuổi 21 đáng nhớ đầu tiên trong quân đội của mình: "Hôm đó đơn vị tổ chức sinh nhật chung cho những người trong tháng. Buổi tối, cả đơn vị tập trung lại đàn hát, nhảy, chúc mừng sinh nhật, tặng quà... vui lắm".

Hôm đó, có người còn được đơn vị bí mật ghi âm lời chúc của cha mẹ, phát ra cho cả đơn vị nghe, ai cũng thấy vui và ý nghĩa.

"Mình được tặng xà phòng, dầu gội đầu, một cuốn sổ nhật ký, bút, một tệp phong bì để viết thư. Vì chiến sĩ không được dùng điện thoại, chỉ viết thư liên lạc với gia đình nên tệp phong bì đó mình dùng cũng kha khá rồi" - anh Trung cười cho biết.

Anh lính cứu hỏa tập sự gánh rau giúp hai cụ già

TTO - Đoạn clip nam sinh cảnh sát gánh rau giúp bà cụ qua đường nhận được hàng ngàn lượt thích của cư dân mạng.

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên