Thiếu tá Hằng Nga giữa các sĩ quan mũ nồi xanh của LHQ ở Nam Sudan - Ảnh: MOON
Sợ gia đình ngăn cản đi châu Phi nên tôi im lặng giấu cả nhà. Chỉ đến khi nhận quyết định tôi mới báo tin
Thiếu tá HẰNG NGA
Ngày 30-10-2017 là cột mốc không thể quên trong cuộc đời nữ thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga, 36 tuổi, trợ lý phòng tham mưu - kế hoạch của Cục (GGHB) Việt Nam (Bộ Quốc phòng).
Đó là ngày chị được Bộ Quốc phòng trao quyết định của Chủ tịch nước cử sang Nam Sudan làm nhiệm vụ GGHB của Liên Hiệp Quốc (LHQ). Chị là sĩ quan thứ 20 của Việt Nam nhận nhiệm vụ đặc biệt này nhưng là nữ sĩ quan đầu tiên.
Theo quyết định tham gia hoạt động GGHB của LHQ, Hằng Nga sẽ có nhiệm kỳ 12 tháng thực hiện nhiệm vụ tại phái bộ GGHB LHQ ở Nam Sudan (UNMISS) với vai trò sĩ quan tham mưu giám sát các hoạt động quân sự.
Biết gian khổ vẫn xung phong
Tại Cục GGHB VN, công việc chủ yếu của Hằng Nga liên quan đến lĩnh vực... công nghệ thông tin. Nhận thấy tố chất đối ngoại của nữ trợ lý này, đại tá cục trưởng Hoàng Kim Phụng đã tạo điều kiện tối đa để cô học tiếng Anh và tham gia các khóa đào tạo về chuyên môn GGHB.
Trong hơn một năm sau đó, Hằng Nga được cử đi học, bồi dưỡng các khóa tập huấn về sĩ quan tham mưu các hoạt động quân sự, liên lạc, quan sát viên, thông tin, quan hệ quân - dân sự LHQ tại Uganda, Hàn Quốc, Sri Lanka, Trung Quốc, Hà Lan...
Đọc báo cáo và nhìn thấy những hình ảnh mà hai sĩ quan đầu tiên của Việt Nam trở về từ Nam Sudan chia sẻ, đã biết rất khổ rất cực, nguy hiểm; đã biết nhân viên của LHQ vẫn có thể bị hãm hiếp, bị nguy hiểm tới tính mạng do mất an toàn an ninh hay dịch bệnh; nhưng người phụ nữ sinh ra ở Hà Nội, đã có gia đình và hai con nhỏ, vẫn xung phong đi châu Phi thực hiện nhiệm vụ GGHB.
"Tôi đi vì yêu công việc của những người làm công tác GGHB. Tôi biết chắc là sẽ gian khổ đấy nhưng vẫn cứ thôi thúc đi. Trong cuộc đời tôi phải một lần làm cái gì đó vượt khả năng của mình nên có cơ hội thì tôi đón nhận" - thiếu tá Hằng Nga nói.
Sau cuộc nói chuyện 30 phút với Hằng Nga, đại tá Hoàng Kim Phụng đã quyết định giao nhiệm vụ đi Nam Sudan cho chị.
Thật ra, Nga không phải là lựa chọn đầu tiên cho sứ mệnh này. Trước đó có vài sĩ quan nữ giỏi ngoại ngữ hơn Hằng Nga, lại được đào tạo đúng chuyên ngành về đối ngoại quốc phòng nhưng nhiệt huyết và lòng quyết tâm lên đường đi châu Phi thì không bằng Hằng Nga nên chị mới được chọn.
"Cuộc đời tôi đến năm 36 tuổi mới được học nhiều thứ như vậy. Tôi học không vì thành tích mà học để làm được việc. Sợ gia đình ngăn cản đi châu Phi nên tôi im lặng giấu cả nhà. Chỉ đến khi nhận quyết định tôi mới báo tin" - chị Hằng Nga cho biết.
Thiếu tá Hằng Nga giữa những người dân Nam Sudan - Ảnh: MOON
Ý chí của nữ sĩ quan Việt Nam
Thời gian đầu ở Nam Sudan với Hằng Nga là khoảng thời gian "khủng khiếp". Cái nắng nóng đỉnh điểm 50 độ khiến cô mất một thời gian mới thích nghi được. Rồi cú sốc về công việc và môi trường làm việc.
Hằng Nga phải cố gắng để thích nghi với công việc trong môi trường đa quốc gia, đa văn hóa.
"Khi tôi mới sang, còn đang học việc mà họ đã giao ngay cho tôi việc khó: trợ lý tham mưu giám sát các hoạt động quân sự ở tổng hành dinh phái bộ. Thời gian đó tôi cực kỳ bị áp lực vì làm trợ lý tham mưu nhưng phụ trách mọi hoạt động quân sự trên toàn lãnh thổ.
Công việc ở tổng hành dinh đòi hỏi rất tỉ mỉ, căng thẳng vì phải tiếp nhận thông tin cả nước ồ ạt báo về 24/24 giờ, phải phối hợp với các đơn vị liên quan và giao nhiệm vụ cho đơn vị cấp dưới trong thời gian ngắn nhất khi nhận được thông tin.
Hai tháng đầu tôi trực gần như suốt ngày đêm, nghe bộ đàm nhiều đến mức... sợ khi có tiếng chuông reo. Ca đêm rất dài vì trực từ 16h chiều hôm nay đến 8h sáng hôm sau!
Một ngày cứ 14 - 16 tiếng làm việc không ngủ không nghỉ, cứ phải theo dõi email gửi đến. Ăn uống ngay tại chỗ. Đêm chợp mắt chỉ được 30 phút đến một tiếng" - chị kể.
Cũng theo Hằng Nga, trong một năm làm nhiệm vụ ở Nam Sudan, chị có đến 6 - 7 tháng trực đêm. Nhiều đêm công việc căng thẳng, chị và đồng nghiệp phải thức trắng đêm để giải quyết.
Giữa các đồng đội đa quốc tịch, chị cảm thấy cô đơn vì chỉ có duy nhất mình là người Việt, nhưng với nỗ lực và cả "sĩ diện" muốn khẳng định hình ảnh của nữ sĩ quan Việt Nam, Hằng Nga đã vượt qua các thử thách đó và được lãnh đạo Tổng hành dinh phái bộ đánh giá cao.
Sau hai tháng, tổng hành dinh muốn giữ Nga lại thì trưởng phụ trách bộ phận bên Phân khu Juba (đơn vị đã cho tổng hành dinh "mượn" Hằng Nga) nhất quyết không chịu.
"Hai tháng đầu sợ kinh khủng nhưng tôi biết ơn khoảng thời gian đó vì khi quay về Phân khu Juba thì thấy công việc quá đơn giản và nhẹ nhàng so với những gì mình đã trải qua ở tổng hành dinh" - chị nói.
"Một số người dân Nam Sudan rất dễ biểu tình, dễ bùng nổ, manh động. Có anh đồng nghiệp nói vui rằng chúng tôi làm việc ở đây khổ quá vì không thể biết khi nào họ bùng nổ và manh động" - Hằng Nga kể.
Căng thẳng nhất là lúc hai bộ tộc sống trong Khu bảo vệ thường dân của LHQ xích mích, họ dùng cả vũ khí để xung đột nhau. Không dàn xếp được, họ... xông đến cổng trụ sở Phái bộ LHQ khiến trụ sở phải đóng cửa để đảm bảo an toàn cho nhân viên.
Thiếu tá Hằng Nga kể: "Lần đó, chúng tôi phải tăng cường trực cả ngày đêm ở văn phòng phái bộ để theo dõi tình hình. Cả tuần chúng tôi ăn ở làm việc trong văn phòng. Bên người lúc nào cũng phải có sẵn passport, ID của LHQ, một ít tiền... để cần di tản là đi luôn".
Thiếu tá Hằng Nga trong văn phòng phái bộ tại Phân khu Juba - Ảnh: MOON
Tính đến nay, Việt Nam đã cử 29 sĩ quan đi theo hình thức cá nhân và một đội hình cấp đơn vị là Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 gồm 63 người.
_________________________________________
Kỳ tới: Lớp dạy toán của lính Việt ở Trung Phi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận