Bản thân nguyên tắc Staging bao gồm nhiều yếu tố quan trọng kết hợp lại. Các thành phần trong Staging gồm có: diễn xuất (Acting), canh thời gian (Timing), góc nhìn và vị trí camera (Camera Angle & Position), sắp đặt (Setting).
Có thể thấy ‘dàn dựng’ có nghĩa rất rộng vì nó là sự kết hợp của nhiều lĩnh vực. Do đó khi thực hành staging chúng ta cần đảm bảo mọi yếu tố trong một cảnh được phối hợp hài hòa, góp phần tối ưu hóa trải nghiệm người xem.
Diễn xuất (Acting)
Thuật ngữ ‘staging’ xuất phát từ nghệ thuật sân khấu. Trong nghệ thuật biểu diễn trực tiếp trên sân khấu, các diễn viên được sắp xếp trình diễn, tương tác theo lớp lang để kể câu chuyện lôi cuốn, hiệu quả.
Chúng ta cùng xem một ví dụ cụ thể sau:
(1) Một nhân vật A đang đứng bên trái. (2) Nhân vật B xuất hiện bên phải, có lời nói, hành động. Đến đây, người xem sẽ lập tức chuyển sự chú ý nhìn vào anh B. (Theo AlanBeckerTutorials)
(3) sau khi anh B ngưng hành động thì sự chú ý sẽ chuyển về lại anh A. (4) anh A tuy không có lời thoại nhưng khán giả vẫn chờ xem anh A có phản ứng thế nào.
Việc sắp xếp thứ tự hành động cho từng nhân vật trong một cảnh nhằm đảm bảo người xem biết nên tập trung nhìn vào chỗ nào.
Điều lưu ý là tránh trường hợp có chi tiết phụ nhảy ra chiếm ‘spotlight’ tranh chấp sự chú ý của khán giả dẫn tới kể chuyện không hiệu quả.
Khi xuất hiện chi tiết không liên quan đến câu chuyện sẽ làm người xem bối rối.
Diễn viên khi diễn xuất, biểu diễn trên sân khấu sẽ chú ý diễn cảm xúc gương mặt, tư thế, điệu bộ... hơi cường điệu hơn so với cách diễn điện ảnh. Lý do vì không gian sân khấu cần đảm bảo cho khán giả ở hàng ghế cuối cũng phải thấy và hiểu được biểu cảm, hành động của diễn viên.
Ví dụ thay vì miêu tả nhân vật buồn thì hãy cho anh ta đi dưới mưa buồn rũ rượi.
Animation được áp dụng cách diễn sân khấu nên bạn sẽ thấy khi chúng ta xem phim hoạt hình truyền thống với tivi màn hình nhỏ, dù ngồi ở xa vẫn có thể hiểu các nhân vật đang làm gì và diễn biến câu chuyện được kể như thế nào.
Nói thêm một chút về nét diễn sân khấu trong nguyên tắc staging, một trong 12 nguyên tắc animation được trình bày bởi 2 họa sĩ Ollie Johnston và Frank Thomas. Đây là 2 trong 9 họa sĩ trụ cột đời đầu của Hãng Walt Disney và nghệ thuật biểu diễn sân khấu được các họa sĩ áp dụng là thể loại Nhạc kịch (Musical).
Do đó bạn có thể thấy nét tạo hình cho các động tác, biểu cảm, dáng điệu của các nhân vật hoạt hình của Walt Disney mang đậm nét nhạc kịch.
Trong các phim hoạt hình của Walt Disney, các nhân vật thường xuyên hát để nói lên tâm trạng, suy nghĩ, hành động… tương tự như trong một vở nhạc kịch thật sự.
Có thể thấy các phim hoạt hình được đầu tư về âm nhạc tương đương với đầu tư về hình ảnh.
Tuy nhiên chúng ta sẽ không thấy phong cách nhạc kịch này trong các phim hoạt hình Anime của Nhật. Thay vào đó ở Nhật Bản có thể loại nghệ thuật biểu diễn Kabuki truyền thống, đặc trưng bởi trang phục, trang điểm và động tác.
‘Kabuki’ có thể hiểu nôm na là ‘ca - vũ - kịch’ (‘Ka’ dịch từ ca hát, ’Bu’ là ‘vũ’ trong vũ đạo, ’Ki’ có thể dịch là ‘kịch’ trong nghệ thuật diễn xuất).
‘Kabuki’ (ca - vũ - kịch), loại hình nghệ thuật truyền thống của Nhật Bản, biểu diễn kết hợp vũ đạo và ca hát.
Các họa sĩ Nhật Bản ưu tiên dùng văn hóa truyền thống làm chất liệu trong quá trình sáng tạo. Ví dụ nhân vật Kyoshiro Senryo trong loạt game đối kháng Samurai Shodown có tạo hình và animation dựa trên nghệ thuật Kabuki.
Tạo hình nhân vật Kyoshiro Senryo trong game Samurai Shodown
Một ví dụ khác là nhân vật ông thầy ‘dê xồm’ Jiraiya trong truyện Naruto cũng được lấy cảm hứng từ nghệ thuật Kabuki.
‘tiên nhân háo sắc’ Jiraiya trong truyện Naruto
Có thể thấy nguyên tắc về ‘diễn xuất’ được các họa sĩ áp dụng linh hoạt tùy theo văn hóa địa phương mỗi vùng.
Canh thời gian (Timing)
Yếu tố Timing trong nguyên tắc Staging tương tự như cách chúng ta kể chuyện ngoài đời thật. Việc giới thiệu bối cảnh, nhân vật, cách tương tác, từng hành động được diễn ra theo thứ tự thời gian.
Ví dụ:
(1) Có 1 vỏ chuối trên đường. (2) có 1 người đi bộ đang đi tới.
(3) người đi bộ đạp vỏ chuối. (4) anh ta trượt té.
(5) một nhóm người xuất hiện cười trêu chọc. (6) anh ta nhận ra đó là trò chơi khăm của đám bạn.
Đây là ví dụ đơn giản về thứ tự kể chuyện theo thời gian để người xem dễ hiểu nhất. Trường hợp nếu như Timing của các đối tượng không được sắp xếp hợp lý sẽ đẩy câu chuyện đi lan man. Ví dụ:
(1) Có một người xuất hiện trong lúc người đi bộ vừa bắt đầu. (2) khi người đi bộ đến gần thì một người khác nhảy ra tiếp và vỏ chuối đột ngột xuất hiện trên đường.
(3) Người đi bộ đạp vỏ chuối (4) anh ta trượt té
(5) người bạn thứ 3 xuất hiện (6) người bạn thứ tư xuất hiện
Vì vậy, các hành động cần phải được diễn hoạt tách ra rõ ràng, có thứ tự hành động trước/sau và cung cấp đủ thời gian để khán giả hiểu câu chuyện. Quan trọng là tránh để các đối tượng trùng hành động cùng lúc trong một khung hình để người xem biết nên nhìn vào chỗ nào.
Trong Timing còn có một yếu tố quan trọng nữa là ‘nhịp nghỉ’ trong hành động. Hoặc có thể hiểu nôn na là ‘tiết tấu’.
Quay lại với ví dụ anh A và B ở trên, lúc này anh B dùng vũ khí và có sự ‘tác động vật lý’ vào anh A
Thay vì sắp đặt các hành động liên tiếp nhau thì hãy thử đặt một 'nhịp nghỉ' vào trước hành động cao trào để có tiết tấu thú vị hơn.
Khi anh B đưa vũ khí ra thì hãy ngưng lại 1 nhịp để anh A nhận ra tình huống và có phản ứng giật mình
Anh A thấy rõ sắp bị tác động và ‘BÙM’
Khi khán giả biết hành động tiếp theo sẽ bùng nổ thì sẽ có tâm lý chờ đến sự kiện đó. Việc dừng lại một nhịp sẽ đẩy tâm lý chờ đợi hành động lên cao và ‘BÙM’ sự kiện xảy ra sẽ khiến người xem được thỏa mãn hơn.
Một ví dụ khác về ‘nhịp nghỉ’ mà chúng ta thường thấy là các nhân vật hoạt hình dễ dàng lơ lửng trên không trung trước khi rơi xuống.
Nhân vật hoạt hình thường lơ lửng ‘câu giờ’ trước khi rơi xuống.
Camera
Việc sử dụng góc quay camera hợp lý đóng vai trò quan trọng đến cách người xem tiếp nhận và hiểu thông điệp của cảnh đó. Góc quay có thể làm nổi bật các chi tiết quan trọng, giúp tạo ra ấn tượng mạnh hơn về nội dung câu chuyện.
Các vị trí và góc nhìn camera cơ bản thường được sử dụng:
- Trung cảnh (Medium Shot): Lấy hình nửa trên nhân vật, thường dùng khi nhân vật có lời thoại.
Camera Trung cảnh (Medium Shot) khi nhân vật đối thoại
- Cận cảnh (Close-Up/ Close shot): Lấy hình từ ngực nhân vật trở lên, nhân vật sẽ chiếm phần lớn khung hình, thường dùng để tả cảm xúc, biểu cảm của nhân vật.
Camera cận cảnh (Close-Up) để thấy biểu cảm nhân vật
- Cảnh toàn (Long Shot/ Full shot): Lấy hình toàn thân nhân vật, thường dùng cho cảnh hành động.
- Cảnh viễn (Wide Shot/ Establishing shot): Cảnh môi trường chiếm phần lớn khung hình, dùng để diễn tả nhân vật đang ở trong bối cảnh cụ thể.
Camera cảnh toàn (Long Shot/ Full shot) để thấy rõ hành động
- Góc máy cao (high angle/down shot): Dùng để tả nhân vật nhỏ bé hơn xung quanh và dùng để lấy được nhiều thông tin chi tiết hơn.
Góc máy cao (high angle/down shot) để thấy nhiều chi tiết
- Góc máy thấp (low angle/Up shot): Dùng để tạo cảm giác nhân vật to lớn hơn, lấn át xung quanh.
Góc máy thấp (low angle/Up shot) để thấy nhân vật to lớn hơn
Bạn có thể tham khảo bảng tóm tắt các kỹ thuật về camera dưới đây
Bảng tóm tắt các kỹ thuật về camera. Nguồn: boords
Sắp đặt (settings)
Việc sắp đặt bối cảnh sẽ giúp nhân vật có sự tương tác rõ hơn. Để thực hiện tốt sắp đặt bối cảnh, chúng ta cần ưu tiên mục đích phục vụ cho câu chuyện, bất kỳ chi tiết nào xuất hiện cũng phải có lý do của nó, tránh để chi tiết dư thừa làm ảnh hưởng đến sự chú ý của người xem.
Ví dụ, hãy sắp đặt bối cảnh một căn phòng tồi tàn, cũ kỹ:
- Đầu tiên là chúng ta sẽ dựng một căn phòng, sau đó thêm những chi tiết mang ý nghĩa cũ nát.
- Tiếp theo là cho nó thật sự cũ nát hết mức có thể.
Đầu tiên dựng một căn phòng có những chi tiết cũ kỹ. Rồi ‘đồ đậm’ bằng nhiều chi tiết thật sự cũ nát hết cỡ.
- Quan trọng ở bước tiếp theo là sàng lọc lại, bỏ hết những chi tiết nào không mang ý nghĩa tồi tàn, cũ kỹ. Việc loại bỏ chi tiết dư thừa sẽ giúp những chi tiết còn lại được chú ý hơn.
Sàng lọc, loại bỏ những chi tiết dư thừa, không đúng yêu cầu.
Kết quả sau cùng sẽ gần đúng nhất với ý đồ sắp đặt bối cảnh, phục vụ tốt cho câu chuyện.
Những nguyên tắc về sắp đặt (Setting) có liên quan nhiều tới các nguyên tắc về bố cục (Composition), bạn có thể xem lại bài về bố cục .
Ngoài ra trong phần Composition còn một yếu tố quan trọng là ý nghĩa của màu sắc vì màu sắc ảnh hưởng nhiều đến kể chuyện. Tuy nhiên trước đó thì chúng ta cần biết qua 2 nguyên tắc Solid Drawing và Appeal.
Bắt tay vào thực hành hoạt hình thôi
Đến đây thì bạn đã có những khái niệm đầu tiên về animation, bạn có thể thử làm với một kịch bản đơn giản sau đây:
Con cóc trong hang, con cóc nhảy ra.
Con cóc nhảy ra, con cóc ngồi đó.
Con cóc ngồi đó, con cóc nhảy đi.
Trên đây là những thứ cơ bản trong nguyên tắc Staging. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu tiếp các nguyên tắc khác trong những bài tiếp theo nhé.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận