22/12/2024 08:53 GMT+7

Lính thời bình - những cống hiến thầm lặng: Chén cơm sẻ chia và ngôi nhà bộ đội

Hàng chục hộ dân ở Lũng Pô, A Mú Sung - nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt - chỉ còn chỗ trú chân duy nhất trong những ngày mưa bão là Trạm kiểm soát biên phòng của bộ đội.

Lính thời bình - những cống hiến thầm lặng: Chén cơm sẻ chia và ngôi nhà bộ đội - Ảnh 1.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng A Mú Sung đưa người dân về chốt tránh sạt lở - Ảnh: Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Lào Cai cung cấp

Các chú bộ đội còn san sẻ phần ăn của mình và cùng nhau hỗ trợ cất lại nhà mới cho đồng bào.

Lò Mùi Khé (ở thôn Lũng Pô, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, Lào Cai) run bắn nhìn kè đá phía bên kia đường. Mỗi lần nghe tiếng gió rung cây loạt soạt hay nghe tiếng mưa đổ là chị nhớ lại trận sạt lở kinh hoàng hôm 9-9-2024.

Trước mặt là sông Hồng nước đỏ cuồn cuộn, sau lưng là núi lở, bùn đất sạt xuống vùi kín đường đi. Cả dãy núi phía xa cũng bị sạt, rừng xanh nham nhở.

Chén cơm bộ đội sẻ chia trong mưa bão

Sáng hôm ấy hàng xóm chạy sang mượn xẻng để khơi rãnh cho nước không tràn vào nhà. Chị Khé ra giúp, sang đến nơi thì con suối bên cạnh đã ào lên muốn kéo tuột cả căn nhà theo dòng lũ.

Những người dân trong thôn chưa kịp giúp việc gì hô nhau chạy. Được một đoạn thì bùn đất bên ta luy dương sạt xuống. Cả đoạn đường gần 5 cây số không chỗ nào không bị sạt.

Họ chạy sang Tổ công tác biên phòng Lũng Pô (Đồn biên phòng A Mú Sung, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Lào Cai). "Chúng tôi chỉ biết trông nhờ vào các anh bộ đội. Tôi gọi cho bộ đội để các anh ấy ra cứu", Lò Mùi Khé kể mẹ con chị vơ vội mấy bộ quần áo, xách cái túi ni lông bọc giấy tờ quan trọng chạy sang Tổ công tác biên phòng Lũng Pô.

Dân ở đây chưa bao giờ thấy một trận mưa kéo dài hai ngày hai đêm như trận ấy. Tạnh mưa là sông suối gầm gào, đất sạt, núi lở. Tổ công tác biên phòng Lũng Pô lúc ấy có bốn người, lao đến từng nhà đưa người, chuyển đồ về đồn.

Đến trưa cả 10 hộ, tổng cộng 25 người cả người già, trẻ nhỏ run lập cập trong hội trường. Trong kho còn gạo, thực phẩm dự trữ, tổ trưởng Trần Mạnh Tài hô anh em dọn phòng, nấu ăn cho mọi người.

Bữa cơm trưa hôm ấy đầm ấm, đầy tiếng cười. Ăn xong chốt biên phòng lại đón thêm một đoàn của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai của tỉnh Lào Cai. Cán bộ đi kiểm tra tình hình thiệt hại do mưa bão không quay về được vì sạt lở. Bộ đội nấu mì gói cho họ ăn rồi dẫn tổ công tác băng rừng đến trú ở đoàn kinh tế quốc phòng 345 - Quân khu 2.

Trung tá Trần Mạnh Tài - tổ trưởng Tổ công tác biên phòng Lũng Pô - băng rừng về đồn để báo cáo tình hình. Đồn biên phòng A Mú Sung cũng tan hoang vì sạt lở. Sân đồn ngập bùn, cây gãy, vài dãy nhà bị đất đá sạt xuống sập tường... Mất điện, mất sóng, chỉ huy đồn chia nhau cùng cán bộ, chiến sĩ cắt rừng đi các xã chuyển đồ cứu người.

Chỉ huy đồn chỉ đạo anh em tổ công tác xuất hết lương thực dự trữ nuôi dân. Đợi bão tan sẽ cấp lại, việc trước mắt phải để người dân có chỗ trú chân an toàn và không bị đói.

Trung tá Tài lại cắt rừng trở về. Được hơn một ngày thì gạo gần hết, dân Lũng Pô hỏi nhà nào còn gạo thì góp gạo, nhà còn rau thì góp rau. Gần 30 người sống chung trong suốt những ngày mưa bão.

Từ ngày ấy đến giờ, không chỉ có 10 hộ ở gần chốt biên phòng mà hơn 30 hộ dân thôn Lũng Pô cứ mưa to là cắp quần áo về chốt biên phòng và nhà văn hóa thôn để ngủ.

Lính thời bình - những cống hiến thầm lặng: Chén cơm sẻ chia và ngôi nhà bộ đội - Ảnh 2.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng A Mú Sung đón trẻ em thôn Lũng Pô về trú bão tại chốt biên phòng Lũng Pô

Nhà nghĩa tình của bộ đội

Vợ chồng Cư Seo Hòa - ở thôn Hòa Bình, xã Sán Chải, huyện Si Ma Cai (Lào Cai) - không đi làm công nhân nữa, ở nhà hương khói cho mẹ và nuôi con.

Căn nhà của Hòa đang được xây có hai phòng ngủ, một phòng khách. Hòa tự tay xây nhà vệ sinh, còn bếp anh sẽ dựng ở đầu hồi. Hòa cho hay trước đây anh cũng chưa bao giờ mơ đến một căn nhà xây thế này. Sau cơn hoạn nạn vì mưa lũ, bộ đội giúp anh mới có căn nhà trong mơ, nguôi ngoai nỗi đau mất người.

Nghe dân bản kể lại trong đợt mưa bão, sạt lở đầu tháng 9 ấy, mưa thối trời thối đất. Trưởng thôn Giàng Seo Nùng đội mưa đến nhà Hòa, khi ấy vợ chồng Hòa đang đi làm công nhân ở Hải Phòng. Trong nhà có mẹ già, anh trai Hòa và ba đứa trẻ con.

Lúc này cả năm người đã leo lên xe máy chuẩn bị đi thì đất đá ụp xuống. Ngôi nhà đổ sập vùi lấp cả năm người ngay trước mắt cán bộ xã Sán Chải. Mọi người hò nhau đào bới, cứu được con gái của Hòa. Mẹ Hòa bị thương nặng rồi cũng không qua khỏi vì đường sạt lở khắp nơi chẳng đưa đi viện cấp cứu được.

Hôm ấy cũng ở Sán Chải, hai ngôi nhà khác cũng bị sập vì sạt lở nhưng mọi người kịp chạy thoát. Vợ chồng Hòa trở về, gia đình chỉ còn một đống hoang tàn. Anh được chính quyền, bộ đội đến giúp.

Đồn biên phòng Si Ma Cai vận động ủng hộ Cư Seo Hòa 200 triệu đồng để xây nhà. Hòa còn được bộ đội kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ. Cuộc sống đỡ vất vả hơn, anh xây căn nhà mới ở chỗ đất bằng, ở lại quê làm ăn để tiện chăm cho con cái học hành.

"Bây giờ chẳng biết nói gì đâu! - Hòa xúc động - Có nhà là nhờ bộ đội, nhờ xã, không thì chẳng biết thế nào".

Một gia đình cũng may mắn chạy thoát khỏi ngôi nhà sập hôm ấy là gia đình Giàng Seo Tỏa. Sáng 9-9, Tỏa thấy cây cối trên đồi như đang "bò" xuống nương. Anh hô mọi người chạy ra ngoài, đất sạt xuống, cột gãy, tường nứt.

Nghe bộ đội với cán bộ xã đã hướng dẫn từ trước, nếu nghe tiếng cây gãy, thấy đất nứt là ra trường học lánh nạn. Đến điểm trường đã có 30 hộ dân xung quanh ôm quần áo, nồi niêu xoong chảo đến ở.

Hôm sau quay lại, nhà của Tỏa chỉ còn đống củi. Tỏa và gia đình anh trai căng bạt ra mảnh đất đầu nương sắn ở tạm. Căn nhà xây bây giờ cũng xây đúng chỗ căn lán ấy.

Tỏa cười tươi roi rói: đồn biên phòng quyên góp tài trợ anh 200 triệu, anh vay thêm 100 triệu của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, đủ tiền làm nhà đúng theo mẫu cán bộ đưa. Anh trai Tỏa cũng được cho tiền, xây nhà ngay bên cạnh.

Tết này anh em Tỏa có nhà mới, to đẹp hơn nhà cũ. Họ sẽ mời các anh bộ đội cùng về chung vui nhà mới...

Lính thời bình - những cống hiến thầm lặng: Chén cơm sẻ chia và ngôi nhà bộ đội - Ảnh 3.

Hạnh phúc sắp có nhà mới sau hoạn nạn của vợ chồng Giàng Seo Tỏa - Ảnh: V.TUẤN

Cách nhà Giàng Seo Tỏa dăm chục bước chân, hai nhà khác cũng đang xây. Bản làng qua cơn hoạn nạn lại được bộ đội làm nhà. Dân bản gọi nhà xây mới là nhà bộ đội. Hai anh em Tỏa bàn nhau sẽ cùng bà con mời bộ đội biên phòng Si Ma Cai về uống rượu lễ cúng cơm trong ngôi nhà mới - nhà bộ đội.

Bộ đội xây hơn 200 ngôi nhà cho bà con Điện Biên

71 hộ dân ở xã Mường Pồn (huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên) không còn nhà ở vì lũ quét, sạt lở đất. Họ được Bộ Quốc phòng hỗ trợ 50 triệu đồng và các đơn vị, chính quyền địa phương hỗ trợ làm nhà mới.

Đặc biệt, bà con vùng lũ Điện Biên được bộ đội trực tiếp thi công, làm nhà cho bà con. Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Điện Biên Lê Văn Sơn cho hay các đơn vị trong toàn quân đã hỗ trợ xây dựng 219 căn nhà cho bà con ở Điện Biên, trong đó có 71 nhà của bà con bị ảnh hưởng vì bão lũ, còn lại là các ngôi nhà "đại đoàn kết", "nhà đồng đội", "nhà tình nghĩa quân dân"... Tổng số tiền hỗ trợ trên 15 tỉ đồng.

Riêng lực lượng bộ đội đã đóng góp thêm 6.500 ngày công lao động giúp bà con làm nhà. Đến thời điểm hiện tại đã có hơn 200 ngôi nhà được hoàn thành, bàn giao cho bà con.

Lính thời bình - những cống hiến thầm lặng: Chén cơm sẻ chia và ngôi nhà bộ đội - Ảnh 4.Lính thời bình có chút... ngôn tình

TTO - Sứ mệnh trái tim ra rạp trong nhiều sự hồ nghi, đặc biệt khi chọn một đề tài rất khó để làm hay: người lính trẻ trong thời bình.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên