Các sĩ quan, chiến sĩ trạm rađa trong giờ trực ban - Ảnh: M.Lăng |
Ở đây, tất cả cửa trong các dãy nhà đều có thêm một lớp kính bên trong ngăn gió lạnh và sương giá lùa qua các kẽ hở. Đại úy Trần Trọng Tuấn (trạm trưởng trạm 35) bảo: “Những tháng có sương mù rất vất vả. Ẩm ướt từ nền nhà đến vật dụng, nhưng khổ nhất là chăn màn, gối nệm cũng ẩm ướt. Quần áo phơi không bao giờ khô, cứ âm ẩm suốt mùa sương giá”.
Quá lạnh và quá nóng
Thời tiết lạnh giá kéo dài từ cuối tháng 12 năm nay đến tháng 2 năm sau. Tối ngủ đắp ba cái chăn bông, bôi cao nóng nhưng vẫn rét. Vậy mà vào mùa hè gió Lào tràn về, sự khắc nghiệt của thời tiết mới thật sự bắt đầu.
Khăn mặt rửa xong phơi chưa khỏi tay đã khô! Rau vừa tưới nước xong, đất đã khô như rang. Buổi trưa bộ đội không ngủ được. Nhiều chiến sĩ chưa kịp thích nghi khi nhiệt độ thay đổi đột ngột, đêm ngủ sáng dậy hắt hơi thấy có máu!
Mùa gió Lào, nhiệt độ ở trạm lên đến 40-450C. Các vị trí trực của bộ đội toàn ngoài trời. Vọng gác quan sát trên đồi không cây che, rất nóng. Anh em nhiều khi bị cảm nắng, say nắng, chảy máu cam. Trạm phải giảm thời gian canh trực mỗi ca chỉ còn 1-2 tiếng thay vì 2-3 tiếng.
Khí hậu khắc nghiệt là vậy, nhưng điều mà các chỉ huy của trạm lo lắng nhất lại là việc huấn luyện và đảm bảo an toàn cho hệ thống khí tài. Đại úy Trịnh Hữu Hùng cho hay: “Thời tiết ảnh hưởng rất nhiều đến các tham số chiến đấu của khí tài. Lạnh thì lo độ ẩm sẽ ảnh hưởng đến tuổi thọ của máy.
Nắng nóng quá cũng ảnh hưởng đến khí tài. Khí tài mới, hiện đại nhưng rất nhạy cảm, có thời gian hỏng liên tục vì thời tiết. Đơn vị nghĩ ra nhiều cách làm giảm nhiệt độ ở khu vực đặt khí tài, từ đó tình trạng hỏng hóc giảm hẳn”.
Ở nơi không có ngày và đêm
Trạm rađa 35 được thành lập từ tháng 4-1966 và đã... năm lần thay đổi vị trí đóng quân. Từ Pù Tỉn (Thanh Hóa) là nơi trạm “sinh ra” đến Sìn Hồ (Lai Châu), rồi Tuần Giáo (Điện Biên) đến Pa Háng (Mộc Châu, Sơn La) rồi về đây: Nông trường Mộc Châu. Tiếng là trạm rađa thuộc Sư đoàn phòng không Hà Nội nhưng đơn vị lại đóng quân tận... Sơn La.
Không chỉ xa trụ sở chỉ huy cấp trên, 95% anh em đều xa nhà, xa gia đình. Theo tiêu chuẩn quy định trong quân đội, một năm quân nhân được 20 ngày phép (tính cả thứ bảy, chủ nhật). Nhưng do tính chất công việc, ít bao giờ lính rađa được nghỉ hết phép.
“Ở đây không có khái niệm ngày và đêm. Lính rađa canh trực sẵn sàng chiến đấu 24/24 giờ. Một ngày có ba phiên trực, sẵn sàng mở rađa tăng cường bất cứ lúc nào khi có lệnh. Lúc nào cũng phải có người nhìn lên trời quan sát bằng mắt thường ngoài hệ thống khí tài” - trạm trưởng Trần Trọng Tuấn cho hay.
Anh dí dỏm bảo: “Pháo không cơ động được thì bệ phải cơ động. Nhiều người bế con lên trạm thăm chồng là chuyện thường”.
Bản thân câu chuyện của trạm trưởng trẻ nhất này cũng là một minh chứng. Chúng tôi đến đúng lúc cô kỹ sư Võ Thị Tần - người yêu của Tuấn - chia tay về Tây Ban Nha. Tần đang làm việc cho một công ty thép ở Tây Ban Nha. Yêu nhau 10 năm, lại yêu bộ đội nên mỗi năm Tần chỉ gặp Tuấn được một lần, mà toàn là nàng đáp máy bay về Việt Nam thăm chàng.
Đợt này lại đúng lúc đơn vị đang trực tăng cường cao điểm, mấy ngày gặp nhau chàng không đưa nàng đi đâu được, 24/24 giờ trực ở đơn vị. “Tất cả phải vì nhiệm vụ và nhiệm vụ là hàng đầu. Chúng tôi đóng ở Sơn La nhưng lại bảo vệ thủ đô. Hiểu được nhiệm vụ của mình nên anh em có ý thức trách nhiệm rất cao” - đại úy Tuấn nói.
Mỗi lần được điều lên cao điểm rađa này, các anh bộ đội trẻ gọi là “đi gác miếu” hay “gác bàn thờ”. Tại sao gọi vậy? “Bởi vì trong một gia đình bàn thờ là nơi tôn nghiêm, trang trọng và thiêng liêng nhất. Miếu cũng vậy, ai đến cũng phải tôn trọng, không được xâm hại đến sự tôn nghiêm và linh thiêng.
Anh em xem việc trực chiến tại đài rađa không chỉ là nhiệm vụ của người lính mà còn là trách nhiệm của một công dân với Tổ quốc” - chính trị viên Trịnh Hữu Hùng tâm sự.
Anh cho biết thêm những thời điểm như lúc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 (từ tháng 5 đến tháng 7-2014) không chỉ ngoài Biển Đông mới nóng mà trên bộ, ở biên giới cũng rất căng thẳng. Và những người lính rađa thời điểm đó luôn trong trạng thái căng thẳng không kém. Đôi mắt họ luôn nhìn lên trời xanh cả ngày lẫn đêm, không cho phép mình được một giây lơ là, chủ quan.
Thế nên mới có chuyện không ít người hôm sau cưới, đêm hôm trước mới về nhà vì phải làm nhiệm vụ canh trực trên cao điểm. Mọi việc chuẩn bị ở nhà nội ngoại lo hết. Còn có người gia đình ở xa, xin tổ chức cưới ở đơn vị.
Đám cưới đang tưng bừng thì kẻng báo động, chú rể vội buông tay cô dâu, cầm súng chạy vùn vụt lên vị trí làm nhiệm vụ. Gần đây nhất là đám cưới phó trạm trưởng Lý Ngọc Dũng (tháng 11-2014), đang chuẩn bị cho đám cưới ở sân đơn vị thì nghe kẻng báo động, anh Dũng chạy hộc tốc lên đồi mở máy làm nhiệm vụ.
Chuyện về người già nhất trạm 35 Đó là thiếu tá Nguyễn Ngọc Hiền, người Bắc Giang. Anh về trạm từ năm 1990. “Anh Hiền 49 tuổi nhưng đã ở trạm rađa 26 năm” - chính trị viên Hùng nói. Tuổi đời già nhất trạm, chế độ phép của thiếu tá Hiền cũng chỉ một năm hai lần về thăm nhà. Địa điểm đóng quân cách nhà mấy trăm kilômet, thời chưa có điện thoại, thư thì lâu, liên lạc rất khó khăn. Cuộc đời người lính ấy đã hai lần trải qua nỗi đau chia ly mà không thể nhìn mặt người thân lần cuối. Thiếu tá Hiền kể: “Khi trạm còn đóng quân ở Sìn Hồ, trong lần về phép đến đầu làng, một người hàng xóm hỏi: Ô hay, bố mày chết lâu rồi mà bây giờ mày mới về à? Tôi bàng hoàng, cứng cả miệng không hỏi thêm được câu gì, chạy thật nhanh về nhà mới biết đã qua 49 ngày của bố”. Một lần khác anh về phép đúng dịp tết, vừa bước vào nhà anh một lần nữa chết đứng khi hay tin con trai 2 tháng tuổi vừa mất năm ngày. Từ lúc con sinh ra đến lúc mất, anh chỉ gặp con được đúng một lần... Người lính rađa thâm niên cứ thế lặng lẽ nuốt ngược nỗi đau vào tim mình. Gần 50 tuổi đời, vậy mà có những điều thật giản dị, bình thường trong cuộc đời nhưng anh chưa thể làm được, đó là đưa con đi học hoặc dự ngày khai giảng của con. “Gắn bó với trạm 26 năm, tôi ở đây thì nhớ nhà, về nhà lại nhớ trạm” - thiếu tá Hiền buông một câu nhẹ nhàng nhưng đầy sức nặng - sức nặng của trách nhiệm người lính đối với giang sơn. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận