Tối 23-9, với chủ đề "Linh phụng", chương trình Lễ hội Áo dài Huế 2024 đã diễn ra tại Nhà hát Sông Hương (TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế).
Chương trình do Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế tổ chức, là một trong những điểm nhấn trong chuỗi các hoạt động Festival mùa Thu Huế 2024.
Chương trình tiếp tục góp phần phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế, tôn vinh, ca ngợi "Tri thức dân gian may, mặc áo dài Huế" vừa được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, hướng tới việc đề nghị UNESCO ghi danh áo dài là Di sản văn hóa phi vật thể của Nhân loại.
Chương trình gồm 3 chương, chủ đề mỗi chương là một câu chuyện kể về huyền thoại chim phượng, một trong tứ linh:
Phụng vũ: Phụng vươn cánh bay trong những áng mây lành, lướt trên sóng nước, về nhảy múa trên cây ngô đồng..thể hiện sự thanh bình của đất nước, hạnh phúc của nhân dân trong cảnh quốc thái, dân an.
Chim phụng báo hiệu những điều tốt lành, hạnh phúc, cảnh thịnh trị đất nước.
Linh phụng: Theo truyền thuyết, phụng hoàng chỉ xuất hiện vào những thời đại thịnh trị. Là biểu tượng của mặt trời, hơi ấm của mùa hạ và sự thu hoạch mùa màng.
Bách phụng cát tường: Trăm con chim phụng cùng bay lên, biểu tượng cát tường, gắn với chữ Thọ, chữ Phúc, chữ Hỷ… được xem là khát vọng của cuộc sống bình yên, của triều đại thái bình...
Các nhà thiết kế đã đem đến cho đêm hội với các bộ sưu tập: Phụng Hàm Thơ của nhà thiết kế Đức Vincie, Phụng Tường Vân của nhà thiết kế Quang Hòa; Thủy phụng tề phi của nhà thiết kế Trần Thiện Khánh; Phụng vũ ngô đồng của nhà thiết kế Viết Bảo; Phụng hoàng minh hỷ của nhà thiết kế Xuân Hảo; Phụng chầu Nhật Nguyệt Châu của nhà thiết kế Quang Hòa.
Trong văn hóa Việt, hình tượng phụng (phượng hoàng) xuất hiện từ rất sớm, một hình ảnh mang tính biểu tượng. Có người cho rằng hình tượng chim lạc trên trống đồng Đông Sơn chính là sự khắc họa có tính điển hình đầu tiên.
Tại kinh đô Huế, toàn bộ phần kiến trúc gỗ bên trên cổng chính Ngọ Môn của Hoàng thành có tên là lầu Ngũ Phụng. Có một hình ảnh rất đẹp thường gặp trong kiểu trang trí này là phụng hoàng đậu trên cây ngô đồng. Phụng hoàng xuất hiện là sự báo điềm lành, là sự khởi đầu của hòa bình, thịnh vượng, quốc thái dân an.
Ông Nguyễn Phước Hải Trung, phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, cho biết lễ hội áo dài Huế "Linh Phụng" là dịp để cộng đồng hòa mình vào những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của xứ Huế thông qua tà áo dài và làm nổi bật các hoa văn họa tiết về cung đình.
Thông qua lễ hội áo dài, ban tổ chức cũng mong muốn truyền tải thông điệp đó là giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc sẽ mãi mãi trường tồn với thời gian.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận