Ai đã xem thì không thể rời mắt và khó lòng quên.
Phóng to |
“Biên giới dài theo bước chân chúng tôi...”
Ký sự biên phòng được khởi quay từ tháng 7-2008, và tháng 8-2008 bắt đầu phát tập đầu tiên. Phim vẫn phát trong khi những người làm phim đang tiếp tục hoàn thiện những thước phim cuối cùng. Khán giả có thể xem lại trên VTV4 và hệ thống cáp của VCTV. |
Phim không có nhạc, nhưng một giai điệu réo rắt cứ trở đi trở lại cứa vào lòng người xem: bản Chiều biên giới của nhạc sĩ Trần Chung. Đạo diễn kiêm biên kịch Trần Tuấn Hiệp nói: “Thiên nhiên, cảnh sắc, con người của tất cả các vùng biên ải của đất nước vốn đã quá đẹp nên thật sự trong quá trình làm phim, chúng tôi không cần phải dụng công lắm về hình ảnh. Và tôi cũng không cần nhạc, những giai điệu dân ca các vùng mà các nhân vật hát trong phim vốn đã quá hay.
Nhưng không thể không nhắc đến bài ca Chiều biên giới, lính biên phòng đồn nào cũng hát, ai đến với lính biên phòng cũng hát, nên trong suốt 20 tập phim tôi đã nhờ nghệ sĩ violon Khắc Huề chơi bản nhạc này. Chiều biên giới là âm hưởng đẹp và buồn vương mãi trong phim. Tôi còn thấy lính biên phòng thích hát một bài hát khác, cũng của nhạc sĩ Trần Chung: Chiều dài biên giới - dài theo bước chân chúng tôi - những đỉnh núi mờ sương - sóng vỗ trùng dương - gian khó đau thương - bước cùng bước chân chúng tôi.
Theo bước chân ấy của người lính, Ký sự biên phòng đã đi suốt từ điểm cực bắc của Tổ quốc là đồn Lũng Cú (tập 1-4), đến điểm cực nam - xóm Mũi Cà Mau (tập 5-6), sang cực đông - mũi Sa Vĩ, Móng Cái (tập 7-9), về thành phố - ít ai ngờ TP.HCM cũng có đồn biên phòng (tập 10), lên Tây nguyên - cửa khẩu Bờ Y (tập 11-13), sang cửa khẩu Lao Bảo theo những chiến dịch truy bắt các đường dây buôn ma túy... (tập 14…)
Có lẽ cũng ít quốc gia nào diện tích nhỏ hẹp nhưng đường biên giới lại dằng dặc và gập ghềnh như chúng ta: 331.690km2 đất liền mà có tới 43 tỉnh thành có đường biên giới. Suốt trên dải đường biên chập chùng ấy, Tổ quốc được hiện diện và bảo vệ bởi màu xanh của lính biên phòng. Lính biên phòng có thể là chàng trai Vàng Mý Vư - người Mông - sinh năm 1987 trên đồng Lũng Cú, mơ ước hết nghĩa vụ sẽ về lấy vợ, giúp mẹ việc nhà; là Giàng Mí Gấu mơ giải ngũ sẽ về học trung cấp y chữa bệnh cho bà con dân bản trên cao nguyên đá Đồng Văn; là Tăng Minh Châu, người Khơme, lính biên phòng Đất Mũi yêu văn chương, ôm mộng trở thành sinh viên khoa văn nên vào lính mà vẫn mang theo hàng ôm thơ tình, nhất là thơ Nguyễn Bính.
Lính biên phòng không chỉ tuần tra biên giới mà còn giúp dân làm nương, khám chữa bệnh cho dân, hướng dẫn đủ thứ từ kỹ thuật nuôi trâu bò đến việc đặt vòng ở trạm y tế xã... Lính biên phòng cũng không chỉ biết cầm súng, tập luyện, trồng rau, đánh bóng chuyền, làm báo tường... như hình ảnh thường thấy trên các chương trình truyền hình quân đội. Lính biên phòng cửa khẩu ở Hội An còn “sành điệu” nói tiếng Anh như gió và làm hướng dẫn viên du lịch khiến khách Tây mê tít. Thời bình, đất nước mở cửa, đời lính biên phòng tất nhiên vẫn là hi sinh, gian khổ, nhưng tư thế và tâm thế họ cũng đã khoáng đạt, mềm mại và đời thường hơn rất nhiều.
Tổ quốc bắt đầu từ nơi đây
Rất nhiều người đã mơ ước một lần trong đời được đặt chân đến mảnh đất địa đầu đất nước, đứng dưới chân cột cờ Tổ quốc, ngẩng mặt lên bầu trời lồng lộng và đưa tay chào lá cờ thiêng liêng có kích thước 6m x 9m = 54m2 đại diện cho 54 dân tộc anh em sinh sống trên mảnh đất VN này. Ký sự biên phòng đã để cho hình ảnh lá cờ Tổ quốc ở Lũng Cú hiện lên như trong mơ ước của mỗi người dân bình thường yêu nước - giản dị, thành kính, thiêng liêng.
Xúc động hơn nữa khi mạch phim chủ động đặc tả hình ảnh những người lính chào cột mốc biên giới. Những bước chân tuần tra đã thuần thục, thuộc từng viên đá, ngọn cỏ đường biên, vẫn đứng lặng trước cột mốc 419, thành kính đưa tay chào. Tổ quốc bắt đầu từ đây, dân tộc sinh tồn khởi phát từ nơi này, quốc thể chỉ được giữ gìn khi cột mốc còn nguyên vẹn. Chào cột mốc không phải là nghi thức bắt buộc với lính tuần tra biên giới, và không phải ngày nào họ cũng chào. Nhưng lính biên phòng rất thường xuyên làm như vậy, nhất là sau những biến cố lớn nhỏ xảy ra liên tục hằng ngày nơi biên cương, trong những ngày lễ của dân tộc, những dịp tưởng nhớ đồng đội đã ngã xuống để bảo vệ chính cột mốc này.
Đạo diễn Trần Tuấn Hiệp vẫn còn xúc động khi nói về thời điểm quay những thước phim ấn tượng này: “Thật sự là không phải chúng tôi tình cờ ghi được, chúng tôi trò chuyện rất lâu với những người lính và biết được họ vẫn hay làm như vậy, ban đầu là tự phát - sau thành một cái gì đó như nghi lễ, tôi chỉ yêu cầu được đi theo và ghi lại hình ảnh đó mà thôi”. Chỉ chứng kiến một lần, nhưng những hình ảnh lưu giữ được và truyền đi sẽ làm tất cả những người được nhìn thấy phải xúc động, và sâu hơn, lay động cả tâm can.
Những người làm phim còn bày tỏ nhiều điều không dễ nói trong 20 tập phim: những nghịch cảnh mà những người lính quân hàm xanh đang phải chịu đựng từng ngày từng giờ: những cửa khẩu nhộn nhịp bán mua chỉ cách đồn biên phòng vài trăm mét, đủ thứ tệ nạn nhức nhối mà người phải giải quyết không ai khác là lính biên phòng; những cảnh đời vò võ vợ trông chồng, con ngóng cha dù đất nước hòa bình đã 34 năm...
Và nhiều lắm những điều không dễ nói nhưng vẫn khắc ghi trong tâm khảm người lính biên phòng: những đồn biên phòng tối om trong đêm mưa gió mất điện; những bước chân bấm chặt vào lòng đất mẹ, cắt máu ngón tay rỏ xuống đường biên, nghiến chặt răng mà cất lên lời thề câm nín trong lòng: “Tổ quốc bắt đầu từ nơi đây”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận