02/01/2021 10:55 GMT+7

'Lính mới' tung hoành sàn chứng khoán

BÔNG MAI
BÔNG MAI

TTO - Đầu năm 2020 dịch COVID-19 bùng phát, giữa năm nhiều nhà đầu tư mới dò dẫm học cách mua bán cổ phiếu, nhưng tính đến tháng 11-2020 đã có thêm hơn 330.000 tài khoản lần đầu tiên tham gia sàn chứng khoán.

Lính mới tung hoành sàn chứng khoán - Ảnh 1.

Tính đến 11 năm 2020 có khoảng 330.000 tài khoản chứng khoán được mở, góp phần đẩy giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tăng mạnh - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nhờ đó, dù nước ngoài bán bớt chứng khoán để rút vốn nhưng thị trường không suy yếu. Chính "lính mới" đã giúp thị trường chứng khoán liên tục tăng điểm, vượt 1.100 điểm.

Ai cũng có thể là nhà đầu tư

Khi dịch COVID-19 ập đến, kênh đầu tư bất động sản đóng băng, lãi suất tiền gửi "có cũng như không", rất nhiều người đã tìm đến chứng khoán, sung sức gia nhập "đội quân lính mới" - những người lần đầu mở tài khoản chứng khoán, nâng đỡ thị trường, tạo nên nhiều kỷ lục.

Vốn là thợ chụp ảnh cưới, nhưng khi dịch COVID-19 bùng phát, thực thi lệnh giãn cách xã hội, hàng loạt đám cưới bị ngưng, bỗng chốc anh Nguyễn Tiến Nam (28 tuổi) rơi vào cảnh thất nghiệp. 

"Vợ tôi vừa sinh đứa thứ hai, nghe con khóc đứt ruột, cứ tiêu xài mà không làm ra tiền thì cả nhà đói mất", anh Nam nhớ lại những ngày khó khăn bất ngờ ập đến. Sẵn có một khoản tiền trong tay, "lên Facebook thấy nhiều người bàn chơi chứng khoán lời đậm thấy ham", nên anh Nam nhờ bạn kết nối với môi giới, quyết định dồn tiền vào đầu tư.

"Nhìn vào máy tính thấy bảng giao dịch xanh đỏ, lúc đầu tôi còn tưởng màu đỏ là may mắn nữa (cười), ai ngờ là cổ phiếu bị rớt giá; giờ tôi chuyển qua thích màu xanh lá, yêu màu tím - giá cổ phiếu tăng hết biên độ", anh Nam cười lớn kể về hành trình thành nhà đầu tư của mình. 

Sau những loay hoay học tập, bỡ ngỡ, hồi hộp với thị trường, trong vòng 5 tháng anh Nam đã lãi bình quân hơn 20% trên tổng vốn 60 triệu đồng. "Có thêm tiền mua sữa, mua đồ tết cho con", anh Nam vui vẻ.

Lính mới tung hoành sàn chứng khoán - Ảnh 2.

Nguồn: Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) đến tháng 11-2020 (tháng 12 chưa có thống kê) - Đồ họa: TẤN ĐẠT

COVID-19 khiến không ít cá nhân phải chuyển hướng đầu tư, từ ngó lơ chuyển sang sốt sắng quan tâm đến chứng khoán. Ông Nguyễn Thế Minh (giám đốc phân tích Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam) chia sẻ có một làn sóng lớn chuyển dịch từ đầu tư bất động sản sang chứng khoán. 

Theo ông Minh, thời điểm năm 2019 bất động sản, mua bán đất nền ở Đà Nẵng, Nha Trang, Bà Rịa - Vũng Tàu... không còn sốt như trước nữa. Đầu năm 2020, nhiều người buôn đất đã tìm đến môi giới chứng khoán để hỏi thăm. "Họ quan tâm, hỏi thăm, có ý định bỏ tiền vào, nhưng nhờ COVID-19 đã đẩy quá trình gia nhập thị trường của họ nhanh hơn", ông Minh nói.

Nhiều cá nhân tại các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội từng đầu tư và có lời từ chứng khoán vào giai đoạn năm 2007, đến năm 2008 nhắm thị trường không ăn, họ rút khỏi chứng khoán, gom tiền đầu tư vô bất động sản và kinh doanh riêng. 

"Biệt tăm hơn 12 năm trời, mấy tháng gần đây họ thấy thuận lợi nên mới quay lại mua bán cổ phiếu" - ông Minh kể thêm.

Trong khi đó, bị thua lỗ nặng khi chơi chứng khoán phái sinh quốc tế (Forex), chị H. (xin giấu tên, 36 tuổi), hiện đang làm bác sĩ tại một bệnh viện lớn ở TP.HCM, ngậm đắng nuốt cay rút khỏi thị trường này. Tuy nhiên, sau khi nhận thấy thị trường chứng khoán của Việt Nam tăng trưởng mạnh, ai cũng kể kiếm được lời nhiều, chị H. quyết định nhảy vào đầu tư.

Vì đang làm bác sĩ, không có thời gian trực bảng giá, quan sát thị trường liên tục nên chị H. không đánh lướt sóng mà đầu tư dài hạn. Vào cuối tuần, nữ bác sĩ này sẽ dành thời gian để chọn cổ phiếu, sau đó đặt lệnh trước và trong vòng 4 tháng nay, tỉ suất sinh lời dao động 20 - 30% trên tổng vốn.

Lính mới tung hoành sàn chứng khoán - Ảnh 3.

Giao dịch tại Công ty TNHH chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam), quận 1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Môi giới, đào tạo rầm rộ chuyển mình

Để hỗ trợ những người bận rộn như chị H., hằng ngày nhân viên môi giới sẽ gửi kết quả giao dịch tổng quan qua tin nhắn vào buổi trưa và chiều để tiện theo dõi và nghề này cũng đã trở nên "hot" hơn.

Anh Phạm Quốc Đạt, nhân viên môi giới tại một công ty chứng khoán ngoại có vốn điều lệ lớn hàng đầu thị trường, vui vẻ khoe: "Mấy tháng gần đây nhiều khách hàng tặng quà, mời tôi đi ăn liên tục, họ lời nhiều nên xởi lởi lắm". Đạt cho biết trước kia tìm khách hàng đầu tư chứng khoán không dễ, người môi giới phải tự xây dựng kịch bản quảng cáo, tự kết nối khách qua telesale (bán hàng qua điện thoại), email, Facebook... 

"Lúc đó thị trường không thuận lợi, khách hàng có nhiều lựa chọn ngoài chứng khoán, thuyết phục khó. Nhưng giờ ai bỏ vốn vào chơi chứng khoán cũng lãi lớn, nhiều khách hàng chủ động tìm đến", Đạt hào hứng nói.

Bản thân Đạt trước khi dịch xuất hiện luôn có một hộp tiết kiệm riêng nhưng giờ cũng đã dồn hết khoản tiền làm thêm công việc gia sư, trợ giảng, hướng dẫn viên, nhân viên marketing từ thời sinh viên và lương nhân viên môi giới hiện tại để đổ vào chứng khoán. 

"Bình thường tôi chỉ đầu tư 20 triệu thôi, nhưng thị trường thuận lợi nên tăng gấp 10 lần lên 200 triệu, tỉ suất sinh lời khoảng 30%", Đạt cho hay.

"Cơn sốt" chứng khoán tăng nóng, ngay cả các lớp học chứng khoán cũng trở nên sôi động. Chị Nguyễn Thanh Phương, phụ trách tuyển sinh khóa học "Phân tích và đầu tư chứng khoán" do Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cấp chứng chỉ, cho biết thị trường tăng điểm, nhiều người đồn nhau, giới thiệu bạn bè đi học. 

Khóa học khuyến khích học tại trường để các giảng viên bám sát từng học viên, nên "mỗi lần dịch bùng lên là lớp nghỉ 7 - 10 ngày rồi học tiếp", chị Phương nói về việc duy trì các lớp học.

Lính mới tung hoành sàn chứng khoán - Ảnh 4.

"Lính mới" cân cả thị trường

Tính từ đáy 659 điểm vào hồi cuối tháng 3-2020, khi dịch COVID-19 làm chao đảo thị trường chứng khoán, đến nay chỉ số VN-Index đã lội ngược dòng, hồi phục ngoạn mục, vượt mốc 1.100 điểm (tăng 67%) trước sự ngỡ ngàng và kèm cả tiếc nuối khi bị vụt mất cơ hội "vàng" đầu tư của nhiều người.

"Khi dịch vừa đến, hơn 60% cổ phiếu thấp hơn giá sổ sách, trong đó có các cổ phiếu của những doanh nghiệp có nền tảng vững chắc. "Lính mới" nhảy vào hốt cổ phiếu giá rẻ, liên tục mua bán kiếm lời. Cho đến khi VN-Index tăng lên 1.000 điểm, nhiều nhà đầu tư lâu năm, dày dặn kinh nghiệm vẫn do dự, nghi ngờ, đứng ngoài cuộc, giờ lại tiếc nuối và bắt đầu mon men nhảy vào", ông Nguyễn Thế Minh cho biết.

Trong khi đó, khối phân tích của Công ty chứng khoán SSI nhận định: Nhà đầu tư cá nhân tiếp tục là động lực chính cho thị trường chứng khoán. Điều này thể hiện qua việc khối ngoại rút ròng hơn 16.400 tỉ đồng trên thị trường cổ phiếu Việt Nam lũy kế 11 tháng của năm 2020, cao nhất từ giai đoạn 2008 đến nay. 

Những năm trước đây, nhà đầu tư nước ngoài từng chiếm 15 - 18% tổng giá trị giao dịch. Tuy nhiên, gộp 11 tháng đầu năm 2020, tỉ trọng nhà đầu tư ngoại giảm còn 12% và chỉ còn khoảng 7,7% trong các tuần gần đây.

Doanh nghiệp "no" vốn

Không chỉ "lính mới" kiếm được tiền, giá cổ phiếu tăng cũng giúp doanh nghiệp thuận lợi trong huy động vốn. Đến nay cổ phiếu của hàng chục doanh nghiệp lớn đã hồi phục mạnh mẽ, không chỉ cao hơn so với mức đáy từ vài lần mà còn cao hơn cả giá khởi điểm hồi đầu năm.

Điển hình như giá cổ phiếu Thế giới di động (MWG) tăng hơn 100% so với đáy tháng 3 và tăng vượt giá khởi điểm của ngày đầu năm 2020. Cổ phiếu Tập đoàn Hòa Phát (HPG) tăng hơn 200% so với giá đáy tháng 3, tăng hơn 115% so với đầu năm 2020.

Riêng cổ phiếu của Thế giới số (DGW) từ khoảng 17.000 đồng vào 31-3-2020, đến cuối năm lên gần 86.000 đồng/cổ phiếu (+400%), tăng 200% so với giá đầu năm. Sau một năm, cổ phiếu của các doanh nghiệp có vốn hóa lớn trên thị trường như Vietcombank (VCB), Vinhomes (VHM), Vinamilk (VNM), BIDV (BID)... đều tăng giá.

"Tân binh" ngành ngân hàng lên sàn

Chớp thời cơ thị trường sung sức, năm 2020 có hàng chục "tân binh" ngành ngân hàng lên sàn, chuyển sàn như Ngân hàng Á Châu (ACB), Ngân hàng Bản Việt (BVB), Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank, LPB), Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB)...

Tiền nhiều lại bị nghẽn mạch

tệp_002(1a) 1(read-only)

Nhà đầu tư mới trở thành "đầu kéo" đưa giá cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp hồi phục và tăng ngoạn mục Ảnh: B.M.

"Tiền tươi" ào ạt đổ vào chứng khoán, nhiều phiên giao dịch cuối năm 2020 thanh khoản toàn thị trường dâng lên gần 18.000 tỉ đồng, riêng Sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) liên tục đạt 14.000 tỉ đồng, gấp 3,6 lần so với giá trị giao dịch bình quân của sàn này hồi đầu năm.

Dòng tiền đổ vào mạnh, nhà đầu tư phản ánh bị gặp khó khăn khi đặt lệnh, có lúc lệnh mua - bán bị "treo", không được xác nhận, thực hiện nhỏ giọt, đặc biệt khi thanh khoản sàn HOSE lên 12.000 - 14.000 tỉ đồng.

Mua không được, bán không xong, không ít nhà đầu tư đổ bức xúc lên nhân viên môi giới của các công ty chứng khoán, đặc biệt trong trường hợp họ không thể bán cổ phiếu, nhiều nhà đầu tư lo sợ khi ôm hàng.

Trong lúc nhà đầu tư cần lời giải thích hợp lý, đại diện HOSE trả lời với báo giới rằng đường truyền và hệ thống vẫn hoạt động ổn định nhưng do khối lượng giao dịch tăng đột biến - số lượng lệnh giao dịch từ 20 công ty chứng khoán hàng đầu thị trường tăng 3 - 12 lần, một số công ty còn sử dụng thuật toán và robot để giao dịch - khiến lệnh tăng như sóng thần nên HOSE "không thể kiểm soát", khó tránh tình trạng tắc nghẽn.

"Không lẽ số lượng giao dịch lớn, tiền nhiều lại là lỗi. Chính sự yếu kém của hệ thống giao dịch đã làm vuột mất cơ hội của nhiều nhà đầu tư", lãnh đạo một công ty chứng khoán bày tỏ.

Giữa lúc dòng tiền sung mãn nhưng lệnh giao dịch lại bị hạn chế, nhiều nhà đầu tư đồn đoán rằng giới hạn thanh khoản của sàn HOSE nằm khoảng 14.000 tỉ đồng. "Kháng cự lớn nhất để VN-Index tăng thêm không khéo lại chính là HOSE", anh H.B. (nhà đầu tư) nói.

Thực tế, ngay từ 2015 giới đầu tư đã đặt vấn đề về việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi. Điều này đồng nghĩa với việc hệ thống giao dịch phải đáp ứng nhu cầu, ổn định, thông suốt khi thanh khoản, vốn hóa thị trường tăng tương xứng.

Tuy nhiên, 5 năm qua, không ít lần hệ thống HOSE bị gặp sự cố, như năm 2018 sàn này phải tạm ngừng giao dịch 2 ngày. Năm 2019, 2020 cũng xuất hiện nhiều phiên bị nhà đầu tư phản ánh về sự cố đặt lệnh.

Chứng khoán là bệ đỡ cho doanh nghiệp

ng xuân phuc aaa 2(read-only)

Vào tháng 7-2020, khi dự lễ kỷ niệm 20 năm hoạt động thị trường chứng khoán Việt Nam và Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết trong 10 năm gần đây, tổng số vốn huy động qua thị trường chứng khoán đạt trên 2,4 triệu tỉ đồng, tương đương 14% tổng mức đầu tư xã hội, đóng góp quan trọng vào việc chia sẻ nhiệm vụ huy động vốn cùng hệ thống tín dụng ngân hàng, giúp nền kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng với tổng mức vốn đầu tư và tăng trưởng kinh tế.

Đây cũng là bệ phóng cho nhiều doanh nghiệp trong huy động nguồn lực để phát triển vượt bậc cả về quy mô và chất lượng, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế và từng bước nâng tầm vóc khu vực, quốc tế.

Tại thời điểm tháng 7, khi Việt Nam đã bước đầu "chặn" được dịch COVID-19, Thủ tướng cho rằng cần tận dụng hiệu quả cơ hội có thể nói là có một không hai này để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là thu hút mạnh mẽ các nguồn lực trong nước và các luân chuyển vốn trong khu vực, toàn cầu để đáp ứng nhu cầu tài chính rất lớn cho đầu tư phát triển cả trước mắt và lâu dài.

Trong bối cảnh đó, yêu cầu đặt ra đối với thị trường chứng khoán sau 20 năm hoạt động là cần có sự phát triển đột phá cả về quy mô và chất lượng, đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, chia sẻ nhiệm vụ huy động vốn với hệ thống tín dụng ngân hàng, góp phần phát triển hệ thống doanh nghiệp hiệu quả hơn nữa, bền vững hơn nữa.

3% dân số là nhà đầu tư chứng khoán

Đề án "Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025" do Thủ tướng ký duyệt đặt mục tiêu đạt số lượng nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán ở mức 3% dân số vào năm 2020 và 5% dân số vào năm 2025.

Đảm bảo cơ cấu hợp lý giữa nhà đầu tư cá nhân và nhà đầu tư có tổ chức, giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của các nhà đầu tư chuyên nghiệp trên thị trường chứng khoán.

Bên cạnh đó, quy mô thị trường cổ phiếu đạt mức 100% GDP vào năm 2020 và 120% GDP vào năm 2025, quy mô thị trường trái phiếu đạt mức 47% GDP vào năm 2020 và 55% GDP vào năm 2025.

* Ông Huỳnh Minh Tuấn (giám đốc môi giới hội sở, Công ty chứng khoán Mirae Asset): Còn nhiều dư địa để phát triển

212021ongtuan 1(read-only)

Trong bối cảnh vĩ mô thuận lợi, thị trường chứng khoán có "siêu sóng" mạnh nhất trong vòng 20 năm, mạnh hơn cả đợt 2007, nên nhà đầu tư đạt trạng thái mua là thắng. Tuy nhiên cần lưu ý trong xu hướng của thị trường, "nước lên thì thuyền lên".

Trong đó có những con thuyền mục sẵn rồi nhưng nhân cơ hội này trám sơ lại, đẩy thuyền lên. Khi sóng xuống, những vết trám bục ra rất nhanh.

Vì thế nhà đầu tư phải lưu ý không phải thuyền nào cũng tốt và chất lượng, để phân biệt cần có trình độ chuyên môn. "Lính mới" đang trong tình trạng "say đòn", do đó cần phải cẩn trọng, không nên ngủ quên trong chiến thắng.

Hiện nay Việt Nam có hơn 2,7 triệu tài khoản chứng khoán, tuy nhiên số lượng tài khoản đang hoạt động vẫn rất thấp. Tỉ lệ người Việt có tài khoản chứng khoán so với tổng dân số gần 100 triệu dân vẫn tương đối nhỏ, thấp hơn tỉ lệ của các thị trường lân cận như Thái Lan, Singapore, Philippines, Indonesia, Đài Loan...

Khoảng 40% dân số nước ta đã có tài khoản ngân hàng, trong khi chứng khoán chưa tới 3%. Vì thế cần có cơ chế khuyến khích nhà đầu tư tham gia chứng khoán.

Thêm nữa, hiện vốn hóa 3 sàn HOSE, UPCoM, HNX đạt gần 5,4 triệu tỉ đồng, khoảng 90% GDP năm 2020, còn tổng dư nợ cho vay của hệ thống ngân hàng khoảng 11 triệu tỉ đồng, 200% GDP. Điều này cho thấy kênh chứng khoán vẫn còn nhiều dư địa phát triển.

Ngoài ra, để nhà đầu tư mới tự tin, yên tâm hơn, cơ quan quản lý cần có cơ chế thích hợp. Hiện tại nhà đầu tư đang bị thuế chồng thuế, doanh nghiệp có lời đã đóng thuế, nhưng sau khi chia cổ tức/thưởng cổ phiếu cho nhà đầu tư, người nhận vẫn phải chịu thuế, đó là điểm yếu.

Tiếp đến là mức độ minh bạch thông tin của thị trường và các chuẩn mực kế toán còn thấp, cần cải thiện. Khi thị trường ngày một lớn mạnh, thanh khoản tăng cũng đòi hỏi hệ thống giao dịch cần nâng cấp, ổn định hơn, đồng thời thị trường cần có nhiều sản phẩm, hàng hóa giao dịch hơn.

* Ông Phan Dũng Khánh (giám đốc tư vấn đầu tư, Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng): "Lính mới" cần trang bị ngay kiến thức

212021ongkhanh 1(read-only)

Thị trường chứng khoán không phải là nơi ai đầu tư cũng thắng, buộc phải tự học, tự đào tạo và trải nghiệm.

Những nhà đầu tư mới cần phải cẩn trọng, có kinh nghiệm phân biệt, lựa chọn hàng tốt để mua, vì một số doanh nghiệp nhân cơ hội thị trường đi lên đã "tân trang", nâng giá cổ phiếu lên gấp hàng chục lần so với giá trị thực.

Trường hợp này chỉ nên đầu tư ngắn hạn, vì hàng "tân trang" rồi sẽ bị phát hiện.

Thị trường chứng khoán được xem là phong vũ biểu của nền kinh tế. Tuy nhiên, đang xuất hiện sự chênh lệch lớn, năm qua chứng khoán tăng dữ dội, VN-Index tăng gần 70%, HNX-Index tăng 120%, trong khi GDP tăng 2,91%. Điều này cho thấy những cổ phiếu trên sàn đã được định giá ở mức rất cao, nên những nhà đầu tư thiếu kiến thức sẽ có khả năng gặp rất nhiều rủi ro.

Đặc biệt khi các nhà đầu tư lớn trong nước mua bán không nhiều, khối ngoại bán ròng mạnh hàng đầu trong lịch sử, trong khi nhà đầu tư mới chỉ vào thị trường chứng khoán trong một năm nay nhưng tự vỗ ngực nói tôi hay. Việc "đu dây điện" rất nguy hiểm, ngay lúc này nhà đầu tư mới cần trang bị liền kiến thức cho mình.

B.MAI ghi

Khép năm 2020: Chứng khoán tăng vượt mốc 1.100 điểm, cao nhất trong gần 3 năm Khép năm 2020: Chứng khoán tăng vượt mốc 1.100 điểm, cao nhất trong gần 3 năm

TTO - Khép năm 2020, chỉ số chứng khoán VN-Index chính thức chinh phục thành công ngưỡng kháng cự, vươn lên mốc 1.103,87 điểm, tăng gần 143 điểm so với hồi đầu năm và tăng gần 445 điểm (+67,5%) so với đáy vào cuối tháng 3 khi dịch COVID-19 bùng phát.

BÔNG MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: chứng khoán