Tin nhắn của một người quen ấy kéo chúng tôi đi theo. Sau nhiều lần hẹn, chúng tôi mới tìm được Châu Ngọc Linh tại một tiệm bán đồ thể thao. Đã hai tuần trôi qua từ ngày ôm đồ ra Đà Nẵng bắt đầu hành trình tự lập, Linh mặc đúng hai bộ đồ bạc màu.
Vào đại học với đôi bàn tay trắng
"Đồ của chị sinh viên Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng cho em ở cùng phòng mượn mặc tạm, chờ có tiền công rồi sắm đồ mới", Linh hồn nhiên kể.
Tin nhắn của cô bé mồ côi
Tiệm đồ thể thao là nơi cô bé bắt đầu hành trình tự lập trong cảnh bơ vơ côi cút của đời mình. Linh không có ý niệm gì về người thân.
Người ruột thịt mà cô bé nhớ là người mẹ mỗi năm thoắt ẩn thoắt hiện về thăm rồi vội vã ra đi cùng người chị gái tàn tật nằm một chỗ đang ở tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Nam.
Cô bé lủi thủi làm việc. Nữ chủ tiệm còn khá trẻ kể nhận vào làm, lúc rảnh rỗi có hỏi thăm Linh về gia đình. Nhưng mỗi khi ấy, Linh đều biểu lộ sự hoảng loạn. Chị bảo lúc mới vào, thấy cô bé xanh xao, khắc khổ, dần hỏi chuyện mới rõ hoàn cảnh, càng nhận ra sự khó nhọc của một cô bé giữa TP với đôi bàn tay trắng, không ai thân thích.
Anh Phan Xuân Phúc - người biết thông tin về Linh và kết nối với chúng tôi - nói một người bạn ở Quảng Nam nhắn có cô bé mồ côi cha, mẹ không đủ sức nuôi, đậu đại học năm nay nên anh xin số để đón Linh khi ra Đà Nẵng nhập học. Cuộc gọi đầu tiên anh thông báo sẽ đón và giúp Linh ổn định thời gian đầu ở Đà Nẵng, cô bé chỉ nói vài câu rồi cúp máy.
Nhưng sau đó anh Phúc nhận một loạt tin nhắn của Linh. Nhận tin nhắn "Sao mãi bây giờ anh mới gọi cho em? Em đã đợi một cuộc gọi, một bàn tay như thế từ lâu lắm rồi" làm anh cũng hoảng như có điều gì trách móc.
"Nhưng tôi hiểu đó là tâm trạng dồn nén, bất lực của một người đang chơi vơi chưa biết nương tựa vào đâu gặp được bàn tay chìa ra với mình", anh Phúc nói.
Cứ đi rồi sẽ thành đường
Gian trọ chừng 10m2 Linh ở nằm trong hẻm sâu đường Đồng Kè, bên hông Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng. Chỉ một chiếc giường, hai cái nồi méo mó, một bếp gas, ít cái bát cùng bàn học nằm bên ô cửa nhìn ra ngoài.
Vài bộ đồ sờn cũ treo ngay ngắn trên móc mà Linh nói mình chỉ có một bộ, còn lại của chị sinh viên ở cùng. Mà người chị này cũng mồ côi, từng "tốt nghiệp" Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Nam rồi ra TP học đại học, tự lập với đôi bàn tay trắng y hệt câu chuyện của Linh hiện giờ.
Châu Ngọc Linh kể đứt đoạn, như cố kìm nén cảm xúc nghẹn đau của mình khi nhắc về gia đình.
Ký ức của Linh chỉ nhớ rằng mồ côi cha, từng có mẹ. Mấy mẹ con sống ở Khâm Đức (huyện Phước Sơn, Quảng Nam), nhưng khi Linh lên 5 tuổi, mẹ đưa hai chị em xuống Quế Sơn rồi đặt bên vệ đường, bỏ đi mất. Một người đàn ông gần đó mà Linh gọi là bác thấy xót xa quá nên đưa về nuôi chừng nửa năm trước khi gửi hai chị em vào trung tâm bảo trợ xã hội của tỉnh.
Linh nói được nuôi, được ăn uống nhưng tình thương gia đình vẫn là khoảng trống không thể lấp đầy. Linh nhắc tên một vài người bên Sở Giáo dục và Đào tạo, cô kế toán của trung tâm biết các bạn không cha mẹ nên hay trò chuyện, cho quà.
Ngày nhận thông tin đậu đại học cũng là lúc phải rời khỏi trung tâm, Linh đứng trước cổng, chỉ biết khóc, không ai để bấu víu vào. "Cô kế toán chạy ra ôm mình, cô cũng khóc, rồi dúi vào túi mình mấy trăm ngàn bảo cho con làm lộ phí. Sau đó, mình được người bạn từng sống trong trung tâm này tới đón, đưa ra Đà Nẵng, tới phòng trọ này", Linh chia sẻ.
Sau 13 năm ở trung tâm bảo trợ xã hội, những ngày đầu tiên vào đời của Linh bắt đầu với "4 không": không tiền bạc, không giấy tờ, không cha mẹ, không quần áo. Chỉ có vài người bạn cùng cảnh mồ côi là nơi Linh có thể bấu víu lúc này.
Trước lúc ra Đà Nẵng, cô bé viết dòng chữ lên sổ tay: "Trên mặt đất làm gì có đường, người đi rồi tự nhiên mà thành". Con đường đơn độc của Linh đang bắt đầu bằng lối đi chưa từng có sẵn, nhưng bạn tự nhủ: "Cứ bước rồi sẽ thành đường".
Người mẹ "bí ẩn"
Gợi mở để Linh kể nhưng mỗi lần nhắc đến mẹ, cô bé tỏ vẻ âu lo, bất an. Lúc mẹ bỏ, người bác nhận về nuôi vì thấy cùng họ Châu. Khoảng năm lớp 8, lúc đang ở trung tâm, Linh có thấy mẹ về một lần rồi vụt đi.
Mới đây, khi phải rời khỏi trung tâm theo quy định chung, mẹ có về ký giấy tờ để Linh ra ngoài rồi lại vội vã rời đi. "Mẹ khóc, kể đang làm trong rừng sâu ở bãi vàng Phước Sơn, cũng đau bệnh và cuộc sống quá khổ nên không thể lo được cho hai con", Linh kể.
Chỉ nhờ được hỗ trợ ban đầu
Linh nói không có con đường nào khác ngoài buộc mình phải học. Với điểm số đạt được kỳ thi vừa qua, Linh đăng ký vào ngành sư phạm lịch sử - địa lý Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng.
Khi được thông tin dành cho Linh suất học bổng, cô bé lắc đầu và nói: "Mình chỉ xin khoản hỗ trợ giúp vài tháng đầu để bắt đầu cuộc sống ở TP, lâu dài sẽ tự đi làm kiếm tiền, tự lo ăn học".
Bạn đọc ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ: 113000006100 Ngân hàng Công thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.
Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể Tỉnh/Thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ: Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM; Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM với Swift code BFTVVNVX007.
Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể Tỉnh/Thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm... cho tân sinh viên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận