Ban nhạc Hạm đội 7 Hải quân Mỹ biểu diễn trong sự hưởng ứng của khán giả - Ảnh: TẤN LỰC
Sáng 7-3, thành viên Hạm đội tàu sân bay USS Carl Vinson thăm Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh TP Đà Nẵng (cơ sở 3), tại xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang.
Ban nhạc Hạm đội 7 mang đến nhiều ca khúc sôi động, nhanh chóng "quyến rũ" các em nhỏ. Họ cùng nhảy, làm hoa giấy, làm nhang và vẽ tranh.
Ông Tim Liston, phó tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.HCM chia sẻ quan hệ Việt Nam - Mỹ đã có những bước phát triển mạnh mẽ trong những năm qua, khởi điểm là từ những hoạt động quan hệ cộng đồng.
"Một lần nữa chúng tôi xin tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với Việt Nam, để hỗ trợ Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai, và tăng cường quan hệ song phương giữa hai nước" - ông Liston nói.
Ông Tô Năm, chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP Đà Nẵng, cho biết hiện Đà Nẵng có hơn 5.000 nạn nhân chất độc da cam, trong đó có hơn 1.400 trẻ em. Nhiều gia đình có 2-3 thành viên, hoàn cảnh hết sức khó khăn, luôn mong chờ và sự quan tâm giúp đỡ của cộng đồng xã hội.
"Hôm nay trung tâm và các cháu rất vui mừng được đón tiếp các bạn. Đây thực sự là niềm động viên, khích lệ tinh thần lớn lao dành cho đội ngũ cán bộ tại đây và đặc biệt là những nạn nhân da cam đang từng ngày đối mặt với nỗi đau, khắc phục hoàn cảnh vươn lên trong cuộc sống" - ông Tô Năm chia sẻ.
Ông Tim Liston, phó tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM, chào hỏi trẻ em tại trung tâm - Ảnh: TẤN LỰC
Trẻ em khuyết tật hát cùng ban nhạc Hạm đội 7. Ban nhạc sẽ có buổi biểu diễn miễn phí tại công viên Biển Đông (Đà Nẵng) tối 7-3 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Nhảy múa cùng những người bạn mới quen - Ảnh: TẤN LỰC
Anh Nguyễn Ngọc Phương, 38 tuổi, hướng dẫn các thủy thủ của tàu sân bay Mỹ nghề làm nhang - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Một nhóm thủy thủ tàu Carl Vinson chơi bóng rổ cùng với bé Đỗ Quang Thuận. Họ tới Đà Nẵng từ 5-3 đến 9-3 với hơn 5.000 thành viên - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Một em nhỏ chụp ảnh bằng camera của nữ quân nhân Hải quân Mỹ - Ảnh: TẤN LỰC
Không hề e dè người lạ - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Sự chào đón nồng hậu dành cho sĩ quan của tàu sân Mỹ USS Carl Vinson. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một tàu sân bay Mỹ tới Việt Nam kể từ năm 1975 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Sáng 7-3, đoàn gồm 12 thủy thủ trên tàu sân bay Mỹ đã có chuyến thăm các em nhỏ ở Trung tâm Nuôi dưỡng Trẻ mồ côi - Hội chữ thập đỏ Đà Nẵng tại quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng.
Trung sĩ Derrick Moore đút cháo cho một em nhỏ bị dị tật ở Trung tâm Nuôi dưỡng Trẻ mồ côi - Hội chữ thập đỏ Đà Nẵng - Video: ĐOÀN NHẠN
Trung sĩ Derrick Moore đút từng thìa cháo cho một em nhỏ bị dị tật ở đây. Theo các bảo mẫu, các em nhỏ, đặc biệt là những em bị bệnh, rất khó khăn trong ăn uống. Nhưng thật bất ngờ khi em hào hứng ăn hết tô cháo trên tay người thủy thủ vừa gặp lần đầu tiên.
Vốn công việc phụ trách nhiên liệu máy bay chiến đấu suốt hơn 20 năm, Derrick Moore chu đáo trong từng cử chỉ đút cháo cho em bé. "Tôi có hai con nhỏ, vì vậy tôi học được một ít cách chăm sóc trẻ nhỏ qua việc chăm sóc các con của mình. Tôi làm cho em bé vui vẻ, giao lưu và liên tục khuyến khích khen ngợi bằng hành động đập tay để em nhỏ hứng thú Đây quả thực là trải nghiệm rất thú vị đối với tôi", Derrick Moore nói.
Trong buổi gặp, các thủy thủ Mỹ đã cùng chơi, cùng bế ẵm các em nhỏ, tặng quà, chụp hình lưu niệm.
Nhiều người đến tận nơi các em bệnh nặng nằm. Họ xúc động nhìn các em quằn quại trong cơn đau, rồi nhìn nhau trầm ngâm.
Bà Trần Thị Nhì, giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng Trẻ mồ côi - Hội chữ thập đỏ Đà Nẵng, cho biết: "Trung tâm hiện đang nuôi dưỡng 23 em nhỏ bị bỏ rơi, có 8 em bị mắc các bệnh về não, bị liệt, nhiều em bị câm điếc, dị tật… Rất khó để chăm sóc các em, nhưng những lính Mỹ này lại làm được, thật ấm áp quá".
Một em nhỏ dị tật ở Trung tâm Nuôi dưỡng Trẻ mồ côi – Hội chữ thập đỏ Đà Nẵng hào hứng ăn hết tô cháo do người lính Mỹ bón. Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Trung sĩ Derrick Moore đập tay khen ngợi em nhỏ sau mỗi thìa cháo - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Các thủy thủ Mỹ làm trò, chơi cùng các em nhỏ - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Không khí ở trung tâm trở nên vui nhộn khi các thủy thủ Mỹ xuất hiện - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Một thủy thủ trầm ngâm đứng rất lâu bên em Trần Văn Hùng khi nghe câu chuyện của em. Đã 20 tuổi, nhưng Hùng vẫn trong hình hài đứa trẻ, đau đớn từng ngày trong căn bệnh ung thư não - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Một nữ thủy thủ tươi cười với em nhỏ - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Một em nhỏ ngủ ngon lành trên tay khách lạ - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận