Các chiến đấu viên đội 12 thực hiện kỹ thuật đổ treo tụt dây tiếp cận mục tiêu trên tòa nhà bốn tầng cao 15m - Ảnh: M.LĂNG |
“Đây là đơn vị đặc biệt nên anh em có cường độ huấn luyện rất cao, kể cả trong lúc thời tiết khắc nghiệt nhất. Anh em huấn luyện đến lúc không còn khả năng chịu đựng mới dừng |
Đại tá DƯƠNG TRỌNG TÂM (chính ủy Lữ đoàn đặc công 113) |
“Bộ đội đặc công đã đặc biệt, nhưng đội 12 thì anh em chúng tôi vẫn gọi vui là “đặc biệt trong đặc biệt” - thiếu tá Trần Đức Hòa (đội trưởng đội 12 - đội chống khủng bố của Lữ đoàn đặc công 113) dí dỏm nói.
Trong đội 12, trẻ nhất là ba chiến đấu viên sinh năm 1990. Còn lại đa số đều thế hệ 8X. “Già” nhất là đội trưởng Trần Đức Hòa, sinh năm 1979.
“Để được vào đội 12, mỗi người phải qua ba lần tuyển chọn với các cuộc thi sát hạch, kiểm tra trình độ kỹ chiến thuật, trình độ bắn súng và thể lực rất gắt gao. Cho nên khi đã được đứng trong hàng ngũ của đội chống khủng bố, thật sự chúng tôi rất tự hào” - trung úy Trần Văn Tùng tâm sự.
Học chiến thắng bản thân
“Phần luyện tập thử thách nhất là tụt dây chiến thuật và nhảy dù đổ bộ đường không” - thiếu tá Trần Đức Hòa cho biết.
“Tụt dây chiến thuật đòi hỏi ý chí, tinh thần rất cao. Bước đầu tập luyện, cơ bản ai cũng sợ độ cao nhưng phải tự khắc phục. Giờ chúng tôi đã tập được ở các vị trí khác nhau: trên mặt tường đá, tường xây, tường kính. Có lúc anh em tập ở tòa nhà cao 35m” - thiếu tá Hòa nói thêm.
Phần huấn luyện không kém nguy hiểm nữa là nhảy dù đổ bộ đường không.
“Phần này rất nguy hiểm vì đòi hỏi độ chính xác và tính tỉ mỉ rất cao nên phần huấn luyện này thực hiện theo kế hoạch của Bộ tổng tham mưu” - đội trưởng đội 12 cho biết.
Cứ mỗi bài tập, các anh được giáo viên của Quân chủng phòng không không quân huấn luyện dưới mặt đất 10 ngày rồi đưa lên thực hành trên trực thăng. Cả đội phải nhảy dù ở độ cao 1.000 - 1.200m.
“Khi nhảy tập ở bục dưới mặt đất chỉ 2,8 - 3m đã có lúc bị trẹo cổ chân, chùn khớp gối hoặc khớp lưng.
Khoảng cách vài ba mét khác một trời một vực với hàng ngàn mét! Bước chân ra cửa, gió thổi phần phật bên tai, hẫng hụt một cái là rơi. Khó nhất là phải điều khiển dù, lái dù làm sao để dù về được tâm trong khi tốc độ gió lớn như vậy. Nếu không bình tĩnh sẽ kéo nhầm dây rất nguy hiểm”.
Các chiến đấu viên trong đội 12 còn được huấn luyện đổ bộ đường không từ trực thăng, tụt dây xuống tiếp cận vị trí chỉ trong 5 - 7 giây.
Trung úy Nguyễn Biên Cương, chính trị viên đội 12, cho hay: “Trong khi cánh quạt trực thăng sức gió rất lớn cộng thêm gió trời, dây cứ lắc lư liên tục. Mới tập thì nói thật anh em ai cũng bị tâm lý.
Vượt qua chính mình, làm được lần một, lần hai là tự tin hẳn. Những bài tập này đòi hỏi phải có thể lực, sức khỏe tốt mới làm chủ được đôi tay, sao cho lúc nào mình dừng là dừng giống như thắng xe”.
Luyện tập đêm ngày
Để khắc phục điểm yếu của đôi tay, hằng ngày các chiến sĩ đội 12 phải thực hiện bài tập huấn luyện bổ sung cơ tay. Mỗi người cầm viên gạch giữ yên trong 2-3 phút không được rung tay rồi thả xuống.
Cứ lặp đi lặp lại như thế trong hàng tiếng. Rồi đến bài tập leo sợi dây bằng hai tay từ mặt đất lên độ cao 10m và leo ngược xuống.
“Bài tập này để rèn luyện cho đôi tay thật khỏe, có thể nâng được cả trọng lượng cơ thể. Giờ anh em không chỉ thuần thục mà điêu luyện như cầm đũa ăn cơm” - chính trị viên Biên Cương cho hay.
Với lực lượng đặc công chống khủng bố, mỗi cán bộ chiến sĩ được trang bị hai súng. Khi đi làm nhiệm vụ, mỗi người được trang bị nhiều loại súng.
100% chiến đấu viên phải bắn nhanh, bắn chính xác theo nhiều nội dung bài tập chống khủng bố, bắn chính xác trong mọi điều kiện địa hình, cả ban ngày lẫn ban đêm và các mục tiêu ẩn hiện khác nhau.
“Chúng tôi được xây dựng bài bắn khó hơn so với giáo trình của Bộ tổng tham mưu vì yêu cầu là phải giỏi về bắn súng, bắn phải nhanh, yêu cầu khả năng phán đoán cao hơn.
Hằng năm đội dành đến 6 - 7 tháng liên tục tập bắn súng. Ai cũng phải bắn được cả tay phải và tay trái” - thiếu tá Trần Đức Hòa cho hay.
Anh tự hào khi kể trong đội nhiều người bắn rất giỏi, khai thác hết mức độ bắn chính xác tối đa do nhà sản xuất thiết kế cho các loại súng. Chẳng hạn trung úy chuyên nghiệp Phạm Văn Thành, 33 tuổi, là một trong những xạ thủ số 1 của đội 12 mà anh em trong đội gọi là Thành “đen”, Thành “xạ thủ”.
Anh sử dụng thuần thục các loại súng, đặc biệt là kỹ năng bắn nhanh, bắn chính xác. Đội trưởng Trần Đức Hòa cho biết tất cả nội dung bài bắn trung úy Thành luôn đạt điểm xuất sắc.
“Có bài quy định tiêu diệt mục tiêu chỉ bằng một viên đạn nhưng có bài cho phép trong hai viên, vậy mà Thành hạ mục tiêu rất nhanh so với thời gian quy định với số đạn ít hơn cho phép” - thiếu tá Trần Đức Hòa nhận xét.
Trong đội 12 còn nhiều xạ thủ khác như trung úy Trần Văn Tùng và Đỗ Tiến Tùng.
Một ngày đội huấn luyện bảy tiếng, trong đó hai tiếng bắn súng, ba tiếng dành cho tụt dây... Ngoài ra, mỗi chiến đấu viên trong đội 12 còn phải tập trung học võ chiến đấu đặc công, những võ mới trong toàn quân và các môn võ của các phái; chạy 3.000m chỉ trong 11 phút 30 giây; bơi vũ trang, bơi bí mật, bơi vượt sông - vừa bơi vừa đeo súng qua sông trong thời gian ngắn... Có lúc anh em còn được đưa vào rừng huấn luyện kỹ năng sinh tồn khi tác chiến nhỏ lẻ. Mỗi người được cấp một la bàn, một bình toong 2 lít nước chỉ đủ dùng cho ngày đầu tiên và lương khô chỉ đủ cho 5 - 7 ngày. Những ngày sau đó phải tự đi tìm nguồn nước, thức ăn, chống chọi với cái lạnh, với thiếu thốn và nguy hiểm giữa rừng sâu. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận