24/09/2022 08:46 GMT+7

Linh côi cút sắp vào giảng đường

T.B.DŨNG
T.B.DŨNG

TTO - Cô gái mồ côi cả cha lẫn mẹ từ nhỏ, lớn lên bằng tình yêu thương của ông bà ngoại già yếu tại thị trấn Khâm Đức, huyện Phước Sơn (Quảng Nam) vừa mừng tủi báo tin sắp trở thành tân sinh viên Đại học Huế.

Linh côi cút sắp vào giảng đường - Ảnh 1.

Hồ Hoài Linh cùng ông bà ngoại trong căn nhà đơn sơ - Ảnh: Đ.TÂM

Mấy bữa nay, cô gái tranh thủ sắp xếp trong ngoài, phụ thu dọn nhà cửa, chăm đàn gà trong chuồng và sửa soạn đồ đạc chuẩn bị lên đường nhập học. Hồ Hoài Linh sẽ trở thành tân sinh viên ngành giáo dục quốc phòng, an ninh Trường đại học Sư phạm (Đại học Huế).

Mình sẽ đi làm thêm để trang trải chứ ông bà già rồi mà không dám ăn, quần áo cũng không dám mua, cái chi cũng để dành cho cháu.

HỒ HOÀI LINH

Thay con nuôi cháu lớn khôn

Hồ Hoài Linh "già" hơn cái tuổi thật của mình. Bạn khoe khi biết điểm xét tuyển, biết mình vào đại học, tự dưng bật khóc vì nhớ đến ba mẹ, nghĩ thương ông bà ngoại. 

Cô gái kể mình cũng từng có một gia đình đầy đủ như bao đứa trẻ khác. Nhưng số phận đã không cho cả nhà được sống trọn vẹn cùng nhau.

"Em không biết về ba, chỉ nghe kể lại rằng ba mất khi em mới 8 tháng tuổi. Khi em chuẩn bị lên lớp 2, mẹ đột ngột ra đi. Lúc đó mới 2h sáng, em còn ngủ say có biết gì đâu, chỉ tới lúc thấy dì viết giấy xin phép nghỉ học, em mới nhận ra mình không còn cha, cũng không còn mẹ nữa" - Linh bồi hồi nhớ.

Từ ngày mẹ mất, Linh được gửi về ở cùng ông bà ngoại. Hai điểm tựa chục năm qua của Linh là ông bà ngoại Hồ Văn Đang và Hồ Thị Phương nay đều đã ngoài 80, lưng đã còng, tóc bạc, tai nghe chậm và chân bước đi cũng không còn vững. 

Nhà ngoại Linh nằm sâu trong con đường của thị trấn. Ngôi nhà ủ dột, vách dựng tạm bằng những tấm ván chắp vá. Những ngày mưa gió, cả ngôi nhà hầu như chỉ còn một góc không bị thấm dột để các thành viên ngồi tá túc tránh bị mưa tạt.

Ba mẹ không còn, dù ngoại có yêu thương đến mấy thì Linh vẫn như con chim non rơi khỏi tổ ấm, phải tự mình bơi giữa dòng đời, sống nương nhờ vào tình thương của người thân. 

Các chủ hàng quán quanh đấy hầu như không ai không biết hoàn cảnh của Linh. Họ thương nên nhận Linh vào một chân chạy việc ngay sau ngày thi tốt nghiệp THPT.

Nhưng từ hôm hay tin Linh đậu đại học, họ buộc phải tìm người thay thế vì quán cần người làm lâu dài. 

Mới đi làm chưa được hai tháng, cô gái mồ côi ấy lại phải thất thểu đi tìm quán khác nhưng đâu đâu cũng chỉ nhận lại cái lắc đầu, chỗ nào họ cũng cần phụ quán gắn bó ổn định. Linh đành lận lưng khoản tiền công ít ỏi quay về phụ ông bà chăm đàn gà, trồng ít cây trong vườn trước lúc nhập học.

Sẽ không phụ lòng ông bà

Làm ông bà nhưng chục năm nay ông và bà cũng thay con gái mình làm cha mẹ nuôi lớn đứa cháu tội nghiệp, lo cho nó từng miếng ăn giấc ngủ. Ông bà ngoại Linh đều làm nông. Cả gia đình không có khoản thu nhập nào ngoài khoản tiền lương loanh quanh đâu đó chừng 2 triệu đồng của ông. 

Ông bảo đứa cháu nào ông cũng thương nhưng thương Linh nhất bởi Linh khác chi con chim lạc đàn từ lúc mới ra khỏi trứng, thiệt thòi đủ đường khi bên cạnh không cha không mẹ nên dù có được ai yêu thương chăng nữa cũng khó bù đắp nổi.

"Có miếng gì ngon, vợ chồng tui cũng bọc lại dành phần cho cháu. Nuôi nó cực lắm, nuôi nó từ khi lớp 2 tới ni lớn tần ngần rồi mà cứ mỗi lần nhìn cháu là tự nhiên lại rớt nước mắt vì thương nó. Chỉ mong cho cháu học hành tới nơi tới chốn, sau này có công việc ổn định, không còn ông bà ở bên cũng có thể tự lo cho bản thân là được rồi" - ông Đang nói.

Biết tin cháu đậu đại học, hai ông bà cùng các cô dì chú bác của Linh mừng mừng tủi tủi. Ai cũng khó khăn nhưng tất cả đều thương Linh, dành hết mọi sự chăm chút, yêu thương, "trút ống" cho cháu đi học. 

"Lương tháng của ông bà chưa tới 2 triệu đồng, ăn không dám ăn, quần áo cũng không dám mua bao giờ, lúc nào hỏi cũng bảo ông bà đủ rồi. Ông bà có dành dụm được một khoản để em làm lộ phí vào trường, đóng học phí thời gian đầu, em sẽ gắng đi làm thêm để trang trải" - Linh nói.

Một giáo viên dạy ngữ văn tại Trường THPT Dân tộc nội trú huyện Phước Sơn (Quảng Nam) kể mấy năm dạy ở trường, để ý đều thấy Linh mỗi lần đến lớp hay mệt mỏi, người xanh xao.

Các thầy cô đều biết rõ hoàn cảnh của Linh nên cứ có được học bổng hay khoản hỗ trợ nào, cô học trò người dân tộc Giẻ Triêng ấy luôn nằm trong thứ tự ưu tiên trước hết. Cũng nhờ sự dìu dắt, quan tâm đó mà Linh học tốt ba năm phổ thông, đủ điều kiện để vào ngành học mình yêu thích sắp tới.

Linh côi cút sắp vào giảng đường - Ảnh 4.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Cùng Tuổi Trẻ tiếp sức tân sinh viên vượt khó đến trường

Học bổng Tiếp sức đến trường 2022 chính thức được khởi động từ ngày 8-8, dự kiến trao khoảng 1.000 suất, mỗi suất 15 triệu đồng. Tổng kinh phí hơn 15 tỉ đồng.

Khởi đầu với 27 suất trong mùa đầu tiên, sau mỗi năm số học bổng lại tăng lên nhờ kết nối từ nhiều nguồn, giúp cho nhiều tân sinh viên khó khăn đến với giảng đường cao đẳng, đại học.

Tính đến nay, học bổng Tiếp sức đến trường đã hỗ trợ 22.370 tân sinh viên khó khăn không bỏ lỡ ước mơ đến giảng đường với tổng số tiền hơn 164,5 tỉ đồng.

Mùa học bổng thứ 20 năm nay, báo Tuổi Trẻ phối hợp với 63 tỉnh, thành đoàn trong việc xét trao học bổng cho tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước.

Tuổi Trẻ cũng tiếp tục mở các kênh tiếp nhận đóng góp cho chương trình. Bạn đọc ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ: 113000006100, Ngân hàng Công thương (VietinBank) chi nhánh 3 TP.HCM. Nội dung: "Ủng hộ Tiếp sức đến trường cho tân sinh viên".

Bạn đọc, doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ: tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM; tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM với Swift code BFTVVNVX007.

Báo Tuổi Trẻ sẵn sàng tiếp nhận đóng góp kinh phí, quà tặng, các thiết bị học tập (máy tính, balô, tập sách, gói data, các khóa học ngoại ngữ...), phương tiện đi lại, chỗ trọ miễn phí, việc làm cho tân sinh viên...

Hỗ trợ chương trình trực tiếp tại phòng tiếp bạn đọc báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM - ĐT: 028.39973838) hoặc văn phòng đại diện báo tại các tỉnh thành.

Tân sinh viên cần giúp đỡ, hoặc người giới thiệu vui lòng cung cấp thông tin .

2 năm sau học bổng 2 năm sau học bổng 'Tiếp sức đến trường': Động lực để cố gắng nhiều hơn

TTO - Đó là chia sẻ của Ngô Tường Vy, sinh viên năm 2 ngành sư phạm Anh Trường đại học Sài Gòn (quận 5, TP.HCM) - một trong những gương mặt từng được trao học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ vào năm 2020.

T.B.DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên