08/12/2016 12:17 GMT+7

Lính biên phòng nuôi trẻ mồ côi

ĐỨC BÌNH - LÊ ĐỨC DỤC
ĐỨC BÌNH - LÊ ĐỨC DỤC

TTO - Vài năm nay, nhiều đồn biên phòng xuất hiện những đứa trẻ được bộ đội biên phòng đưa về nuôi trong đồn. Người lính quân hàm xanh quanh năm vắng bóng vợ con, giờ thành những “bố nuôi”, dồn hết tình yêu thương con trẻ vào những đứa bé mồ côi.

“Bố nuôi” - đại úy Vàng Khai Phòng, đội vận động quần chúng đồn biên phòng Phó Bảng (Hà Giang), uốn nắn tư thế ngồi cho các con nuôi của đồn - Ảnh: Đ.BÌNH
“Bố nuôi” - đại úy Vàng Khai Phòng, đội vận động quần chúng đồn biên phòng Phó Bảng (Hà Giang), uốn nắn tư thế ngồi cho các con nuôi của đồn - Ảnh: Đ.BÌNH

Hơn nửa năm qua, kể từ ngày đến ở đồn biên phòng Phó Bảng (Hà Giang), Vàng Thị Chá (12 tuổi) cùng hai đứa em gái ruột của mình (Vàng Thị Sáu - 9 tuổi và Vàng Thị Chở - 7 tuổi) như bước sang một cuộc sống mới, khác hẳn với cuộc sống cơ cực, côi cút mà các em đã từng trải ở nhà (xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, Hà Giang).

Chế độ, tiêu chuẩn của cán bộ, chiến sĩ như thế nào thì các con cũng được hưởng tương tự. Chỉ khác là giờ học tập, huấn luyện của cán bộ, chiến sĩ thì các con lại cắp sách đến trường hoặc tự ôn bài. Ở đồn, tất cả mọi người đều dành tình cảm và yêu quý các con như con đẻ của mình

Thượng tá HÀ VĂN NGA (chính trị viên đồn biên phòng Phó Bảng)

Nâng đỡ những ước mơ

Chá bảo cuộc sống mới ở đồn biên phòng “như mơ”. Từ khi về ở hẳn trong đồn, ba chị em không còn cảnh “đứt bữa”, cũng không phải nghỉ học để đi nương nữa, mà giờ chỉ chuyên tâm việc học hành.

Chá kể nhà Chá ở Sà Phìn, gần dinh Vua Mèo nhưng cuộc sống gia đình em cơ cực lắm, cha em Vàng Mí Na chỉ mới 30 tuổi nhưng ốm đau, bệnh tật nên mất cách đây hơn hai năm rồi. Ngay sau khi cha mất, có lẽ vì cuộc sống quá khó khăn nên mẹ em đã bỏ sang Trung Quốc và lấy chồng, sinh em bé ở bên đó.

Cả ba chị em lít nhít nhà Chá phải qua ở tạm cùng với bác ruột Vàng Mí Chờ. Nhưng nhà bác ruột cũng nghèo, có ba đứa con tuổi còn ít hơn chị em Chá. Chá trở thành “chị trưởng” trong nhà cùng hai bác trông nom năm đứa em.

Việc đến trường của Chá và mấy chị em chỉ là để cho có, em không có thời gian cho học hành, mà cứ về nhà ném cái cặp vào xó nhà là lại lao vào phụ bác giặt giũ, cơm nước, kiếm củi, lấy rau nuôi lợn, chăn bò...

Giống như trường hợp ba chị em Chá thì ở đồn biên phòng Lũng Cú (Đồng Văn) cũng có “ba con nuôi biên phòng” là Thò Thị Dính (11 tuổi), Thò Mí Và (9 tuổi) và Thò Thí Súa (7 tuổi) là ba chị em ruột, mồ côi.

Thượng tá Phạm Ngọc Thủy, chính trị viên đồn biên phòng Lũng Cú, cho biết gia đình Dính, Và, Súa ở bản Mã Lủng A, xã Ma Lé. Đầu năm 2015 cha đẻ các em bị bệnh, qua đời. Ngay sau đó mẹ các em bỏ con lại, trốn sang bên kia biên giới lấy chồng người Trung Quốc và ở lại đó không về.

Ba chị em Dính ở với chú ruột được một thời gian ngắn thì đầu năm 2016 người chú cũng bị bệnh qua đời. Qua ở với ông, bà nội đã già yếu, nghèo khó nên cuộc sống chị em Dính càng nheo nhóc, khó khăn hơn.

“Nhiều lúc cháu Dính phải nghỉ học ở nhà để làm lụng phụ giúp ông, bà, thậm chí đi làm thuê lấy tiền nuôi bản thân và hai đứa em. Đồn quyết định nhận xin ba cháu về nuôi, nhưng ban đầu do nhận thức của gia đình sợ cho cháu lên đồn là mất con, mất cháu nên họ không chịu. Phải mất ba lần thuyết phục, có sự giải thích của chính quyền, nhà trường thì gia đình mới đồng ý” - thượng tá Thủy cho biết.

Sau hơn nửa năm lên đồn, từ chỗ chỉ len lén, rụt rè, không biết cười thì nay những đứa trẻ đều hớn hở, toe toét cười khi được người lạ hỏi chuyện. Ngay như Chá từ cô bé nhút nhát, mà giờ khi gặp người lạ em đã tự tin nói chuyện, bày tỏ ước mơ được làm bác sĩ của mình.

Gia đình các em giờ gặp lại con, cháu cũng yên tâm hơn và họ hàm ơn những người lính biên phòng khi thấy con cháu mình ngoan ngoãn, khỏe mạnh, được học hành, chăm sóc y tế tử tế.

Tình yêu của “bố nuôi”

Trời biên cương se se rét, đang say giấc thì tiếng kẻng báo thức dồn dập vang vọng vách núi, cả đơn vị choàng tỉnh. Và trong ánh sáng lờ mờ, ba chị em Chá, Sáu, Chở cũng tốc chăn, mở cửa ra sân đồn cùng xếp hàng tập bài võ thể dục 32 động tác như những người lính.

Sau ít phút, ba chị em quay lại phòng tự làm vệ sinh cá nhân. Trong khi đó đại úy Vàng Khai Phòng vào phòng ba chị em kiểm tra chăn màn “các con” đã gấp cẩn thận chưa.

Phòng hỏi han giấc ngủ của ba đứa, kiểm tra sách bút, trang phục trước lúc đến trường. Khi thấy các con đã tự giác làm hết mọi việc rồi thì chàng lính trẻ dẫn cả ba đứa xuống bếp ăn sáng.

Phòng nói cả đồn rất yêu quý ba chị em Chá. Đội vận động quần chúng được giao nhiệm vụ chính trong chăm sóc, dạy dỗ, bảo ban các con, nhưng cán bộ, chiến sĩ cả đồn không bao giờ phân biệt như vậy.

Khi nào rảnh, thấy mấy đứa trẻ là các anh lại xúm vào hướng dẫn học hành, vui đùa cùng chúng, bảo chúng làm toán, viết văn, dạy cách giặt giũ quần áo... cho đến cách nói chuyện, tiếp xúc với mọi người.

Thượng tá Phạm Ngọc Thủy cho biết từ năm 2015, đồn đã nhận đỡ đầu 12 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của xã Lũng Cú và Ma Lé.

Hỏi về nguồn kinh phí, thượng tá Phạm Ngọc Thủy lẫn thượng tá Hà Văn Nga - chính trị viên đồn biên phòng Phó Bảng - đều cười vui:

“Các cháu có hoàn cảnh khó khăn, anh em biên phòng sẽ cố gắng cưu mang ở mức tốt nhất có thể. Quan trọng là tất cả cán bộ, chiến sĩ đều coi các cháu như con cái ruột thịt của mình nên việc mỗi người đóng góp năm chục, một trăm ngàn đồng mỗi tháng cho các cháu cũng chẳng là gì.

Hơn nữa, chúng tôi cũng có nguồn từ tăng gia hay xã hội hóa nên về kinh phí không đáng ngại. Chúng tôi đều xác định, cam kết sẽ chăm nuôi, đỡ đầu các cháu đến hết 18 tuổi và hi vọng các con sẽ trở thành những người có ích cho đời, cho xã hội”.

Tạo dựng lối sống tự lập cho trẻ

Theo thượng tá Hà Văn Nga, chính trị viên đồn biên phòng Phó Bảng, địa bàn đồn quản lý là năm xã, thị trấn, có quá nhiều hoàn cảnh khó khăn. Kể từ khi bộ đội biên phòng có chương trình “Nâng bước em đến trường”, đồn nhận đỡ đầu 14 em, mỗi tháng tặng mỗi em 500.000 đồng. Trong số này có ba trẻ mồ côi sống cùng gia đình ông Vàng Mí Chờ là đáng thương nhất.

“Chúng tôi cũng có thể chu cấp lương thực, tiền hằng tháng cho gia đình chăm nuôi các cháu, nhưng đơn vị vẫn quyết định đón về đồn biên phòng, vì ngoài việc chăm sóc, quản lý các cháu, chúng tôi còn muốn tạo dựng cho các cháu lối sống tự lập. Điều đó rất cần cho cuộc sống của các cháu sau này” - thượng tá Nga nói.

ĐỨC BÌNH - LÊ ĐỨC DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên