Ngày 5-2, các quan chức Bangladesh cho biết có ít nhất 95 lính biên phòng Myanmar, một số đã bị thương, trốn sang Bangladesh trong vài ngày qua khi giao tranh ngày càng ác liệt giữa lực lượng nổi dậy ở Myanmar và chính quyền quân sự.
Theo thống kê cùng ngày, có ít nhất 2 người tại Bangladesh thiệt mạng sau nhiều loạt đạn súng cối từ Myanmar do các cuộc đụng độ sát biên giới.
Tại quận Cox's Bazar thu hút du lịch ở phía đông nam Bangladesh, có thể nghe thấy tiếng súng từ biên giới Myanmar, khu vực này cũng là nơi sinh sống của khoảng 1 triệu người Hồi giáo thiểu số từ Myanmar.
Phát ngôn viên Biên phòng Bangladesh Shariful Islam cho biết các thành viên của Cảnh sát biên phòng Myanmar (BGP) đã vượt biên vào Bangladesh cùng vũ khí, 15 người trong số đó bị thương do đạn bắn.
Người phát ngôn này nói thêm rằng những người bị thương đã được đưa đi chữa trị tại nhiều bệnh viện khác nhau.
Ủy viên cứu trợ người tị nạn và hồi hương của Bangladesh Mohammed Mizanur Rahman tại Cox's Bazar thông tin số binh sĩ BGP này có thể được sắp xếp chỗ ở tại quận Bandarban gần đó, trước khi họ được gửi trở lại Myanmar.
Tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) nói họ đã điều trị cho 17 người bị thương trong các cuộc đụng độ hôm 4-2, liên quan đến "cuộc giao tranh ở biên giới Bangladesh - Myanmar".
Cảnh sát trưởng địa phương Abdul Mannan xác nhận bà Hosne Ara, 48 tuổi, một phụ nữ Bangladesh và một người đàn ông người Rohingya không được cho biết tên, đã thiệt mạng do đạn lạc vào chiều 5-2.
"Họ đang ngồi trong bếp khi một quả đạn cối rơi trúng", Đài CNA dẫn lời con dâu của bà Ara.
"Bà ấy đang chuẩn bị mang bữa trưa cho người đàn ông Rohingya được gia đình thuê làm công việc đồng áng thì cả hai bị trúng đạn", cô này nói thêm.
Kể từ sau cuộc đảo chính năm 2021, chính quyền quân sự Myanmar đang phải đối mặt với thách thức lớn nhất từ các cuộc nổi dậy đẫm máu do liên minh các nhóm vũ trang sắc tộc thực hiện. Các nhóm này đã nắm quyền kiểm soát nhiều đồn quân sự và thị trấn tại Myanmar.
Tình hình an ninh ở Myanmar đang xấu đi, khi xung đột đang diễn ra ở 2/3 đất nước, theo các cơ quan của Liên Hiệp Quốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận