Trung úy Vùi Văn Thuận đến thăm một gia đình người dân bản Hùng Pèng - nơi tổ công tác biên phòng đang cắm bản - Ảnh: MY LĂNG
Họ không ở đơn vị mà xuống tận bản làng ở cùng bà con, vừa làm nhiệm vụ chuyên môn vừa giúp đỡ bà con phát triển kinh tế.
Mình thích cảm giác được bà con coi như một người con trong bản như thế.
Trung úy BÀN VŨ HẬU
Người con của bản
5 năm trước, thiếu úy Vùi Văn Thuận, người dân tộc Giáy, được điều động về đồn biên phòng này nhận nhiệm vụ. Chàng trinh sát trẻ không ở cùng đồng đội trong đơn vị mà xuống tổ công tác đang cắm bản Hùng Pèng.
Với bà con nơi đây - 100% là người dân tộc Dao, Thuận đã như một người con của bản.
Thuận cho hay: "Mình "chia lịch", ở nhà này vài tháng lại chuyển sang nhà khác. Mình coi bà con như bố mẹ mình. Sáng ngủ dậy đồ đạc gấp gọn gàng. Mình về sớm thì nấu cơm. Bà con ăn gì mình ăn nấy".
Ngoài công việc chuyên môn của một người là nắm tình hình địa bàn, Thuận còn làm cả công việc làng bản: mùa trồng trọt thì lên nương cùng bà con trồng bắp, hướng dẫn cách phòng trừ sâu bệnh, mùa thu hoạch thì cùng dân bản đi gặt lúa, đập lúa.
Nương xa, đi 2-3 tiếng đồng hồ mới đến. Trưa có người mang cơm, mang nước lên lán ăn. Dân bản cũng coi anh bộ đội như con cháu nên rất tự nhiên, thật tình, thiếu người là gọi Thuận đến giúp một tay.
Thuận cười bảo: "Ở với bà con, bà con có việc gì thì cùng làm việc đó. Có như vậy bà con mới thương mình. Các cháu ở đây biết mình hết vì mình hay qua trường chỉ các cháu học. Cháu nào bỏ học thì mình đến tận nhà thuyết phục".
Nói thì thấy dễ nhưng những năm tháng đầu không phải dễ dàng với người lính biên phòng trẻ. Nhất là sự khác biệt về ngôn ngữ. Thuận kể: "Lúc đầu có những cái bà con nói mình không hiểu. Mình nói bà con cũng không hiểu. Rồi cứ học dần dần. Học từ bữa cơm, từ trong sinh hoạt hằng ngày. Mình ăn cơm, hỏi ăn cơm là gì, bà con dạy. Tiếng Dao, tiếng Giáy khác nhau nhưng đến đâu học dần đến đó. Mình còn nhờ các cụ dạy tiếng Trung nữa".
Thuận cho biết: "Hàng năm, bà con có ngày 'cấm bản', từ 3-2 đến 5-2 âm lịch. Cả bản cùng nghỉ. Trong mấy ngày đó, người trong bản không được đi ra ngoài, người bên ngoài không được vào bản. Mình ở đây cũng phải theo bà con.
Ở đây gần 5 năm, điều mình vui nhất là bà con nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ đường biên cột mốc. Bản đã có tổ bảo vệ đường biên mốc giới và bà con tham gia rất nhiệt tình, thường cùng bộ đội biên phòng đi tuần tra, kiểm soát".
Nem bộ đội
Ra trường mới gần 2 năm nhưng trung úy Bàn Vũ Hậu (24 tuổi, người Dao) đã được đi thực tế ở nhiều bản trong xã Huổi Luông (Phong Thổ, ). Theo anh Hậu, cán bộ cắm bản không có nghĩa là chỉ ở một bản mà phải đi nhiều bản.
Xã có 23 bản, đa số là người Mông, Dao, Hà Nhì, chỉ một số ít là người Kinh. Lực lượng biên phòng thực hiện "3 bám": bám địa bàn, bám chủ trương chính sách, bám đơn vị, và "4 cùng": cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng dân tộc.
"Bản toàn người Mông. Lúc mới về bản Ngài Chồ, vào trong bản không biết tiếng Mông, mình lại là người mới nên bà con lạ, ngại giao tiếp vì chưa rõ mình là người như thế nào. Trong đội mình có một anh người Mông biết tiếng Dao, dạy mình nói tiếng Mông" - Hậu kể.
Tổ công tác của biên phòng ở bản Ngài Chồ chỉ có một trinh sát và một cán bộ vận động quần chúng. Một tháng, hai sĩ quan biên phòng bám bản 20 ngày, 10 ngày về đồn huấn luyện, tăng gia, tham gia những phong trào hoạt động của đồn.
Căn nhà mà tổ công tác ở được bà con và bộ đội biên phòng cùng dựng lên. Tổ công tác tự trồng rau, làm cả chuồng gà. Hậu kể: "Dân bản quý bộ đội lắm. Thấy bộ đội có chuồng mà chưa có gà, bà con người này cho một con, người kia cho một con gà con để mình gây giống".
Trung úy Bàn Vũ Hậu cười khi nhớ lại chuyện đám cưới trong bản cách đây mấy ngày. Hôm đó, anh chàng cũng dậy sớm đến giúp bà con. "Cùng làm vui lắm. Trong khi anh Duy (trung úy Nguyễn Bình Duy, 33 tuổi, nhân viên đội trinh sát - PV) quay thịt lợn thì mình làm nem. Bà con trên này trước đây không ăn nem.
Mình cùng mấy cô mấy chị rán nem bày ra đĩa. Trẻ con rất thích, cứ đợi món nem. Khi mình bưng ra, các cháu háo hức lắm, cứ quây quanh mình Chú ơi cho cháu với. Giờ bà con thích món này lắm, cứ gọi là nem bộ đội. Dân bản Ngài Chồ bây giờ đã có thêm món mới trong đám cưới" - Hậu cười.
Trung úy Bàn Vũ Hậu bảo: "Mình mới đến nên bà con nhiều người chưa nhớ tên. Mình thèm được như anh Duy. Bà con người Mông không gọi tên Duy được mà cứ gọi thành Di. Bà con nói cán bộ Duy giờ thành người Mông rồi.
Tết năm 2018 anh Duy ở lại trực. Vợ và con gái lên bản ăn tết cùng luôn. Dân bản quý lắm, mang bánh giầy và thịt đến cho. Bà con đưa quần áo dân tộc cho vợ anh Duy mặc.
Bà con nói nếu năm sau mình ăn tết ở đây cũng được bà con cho quần áo dân tộc mặc đón tết cùng, coi như một người con của bản".
Đại úy Nguyễn Văn Linh, phó đồn trưởng nghiệp vụ đồn biên phòng Huổi Luông, cho hay cán bộ đi bám bản rất vất vả vì đó là những địa bàn xa xôi, khó khăn, phức tạp về an ninh.
Bà con chủ yếu làm nương làm rẫy, thu nhập chính từ cây ngô cây sắn, cuộc sống nghèo khó. Đường sá đi lại rất vất vả, nhất là mùa mưa, phải đi bộ hơn chục kilômet từ đồn vào bản, không đi được đường lớn mà phải đi đường núi.
"Việc cho anh em xuống ở dưới bản để cùng giúp các bản đó phát triển kinh tế trong chăn nuôi trồng trọt, phát triển kinh tế hộ gia đình, vệ sinh an toàn thực phẩm, quần chúng nhân dân chấp hành pháp luật... Sau một thời gian, hiệu quả rất tốt, ý thức người dân nâng lên nhiều" - đại úy Linh nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận