19/10/2016 12:00 GMT+7

Liêu xiêu những mái nhà ở Tràm Mé sau lũ

TẤN VŨ - HỮU KHÁ
TẤN VŨ - HỮU KHÁ

TTO - Ở thượng nguồn sông Son, làng Tràm Mé (xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) cách biệt với bên ngoài. Sau lũ, những ngôi nhà trống hoác, xiêu vẹo. Chủ nhân của nó lại là các bà mẹ đơn thân túng thiếu.

Căn nhà của bà Đặng Thị Linh ở xã Sơn Trạch bị lũ cuốn trôi hết bốn bức vách - Ảnh: Hữu Khá
Căn nhà của bà Đặng Thị Linh ở xã Sơn Trạch bị lũ cuốn trôi hết bốn bức vách - Ảnh: HỮU KHÁ

Nằm quá cách biệt, Tràm Mé là ngôi làng xác xơ sau lũ nhưng chưa có đoàn cứu trợ nào đến giúp.

Thuyền chạy ngược sông, quang cảnh đọng lại sau trận lũ dữ là rác rưởi treo khắp cành cây, làng xóm.

Những đụn cát lớn bồi lấp các mảnh đất khô của người dân. Con đường làng dẫn xuống mé sông cũng ngập ngụa trong cát.

Ông Trần Văn Tự, phó thôn Tràm Mé, đang cùng hàng chục người dân dùng xẻng, cuốc, xúc cát dọn lại con đường ra bến thuyền.

Chị Trần Thị Bích (26 tuổi), gởi hai đứa con cho ngoại rồi cùng hàng xóm dọn đường. Có chồng được hai con, gia đình diện cực nghèo, chị Bích bảo sau lũ chẳng biết làm chi nên cùng bà con ra dọn đường bởi trong nhà chẳng còn gì để dọn.

Bồng đứa con nhỏ sải bước trên triền cát, chị Bích tâm tình: “Nhà em chẳng còn chi để trôi nên cũng chẳng lo lắm. Có nửa sào ruộng, mỗi mùa cho được một bao lúa còn lại ăn bắp. Hoặc đi làm thuê”.

Sau lũ, gia sản còn lại của nhà chị Bích chỉ duy nhất chiếc giường và đống củi mục trước hiên. Mấy tấm ván làm phên cũng bị bục trôi, căn nhà bốn cột gỗ vẹo sang một bên vì nước lũ. Cái nền xi măng bị nước cuốn bung cả gạch lát nền sát mé hiên.

Chị Bích bảo những ngày tới  chưa biết sẽ sống ra sao? Chỉ mong được khỏe mạnh để ai kêu đi làm mướn còn đi được, kiếm tiền mua gạo cho con ăn.

Đại diện Báo Tuổi Trẻ trao phần quà của chị Nguyễn Thanh Phượng (TP HCM) cho gia đình chị Nguyễn Thị Bích ở làng Trằm
Đại diện Báo Tuổi Trẻ trao phần quà của chị Nguyễn Thanh Phượng (TP HCM) cho gia đình chị Nguyễn Thị Bích ở làng Trằm - Ảnh: HỮU KHÁ

Căn nhà của chị Phan Thị Thủy (42 tuổi), nằm chót vót đầu làng phía thượng nguồn của dòng sông, bên cạnh một nghĩa địa.

Chị Thủy than rằng đã mấy ngày nay cầm cự bằng mì gói nên ngán lắm. Dọn đường xong chị chạy về đi mượn gạo nấu cho đứa con trai đi học về có cái ăn.

Tiền tài trợ đủ xây tường và lợp mái tôn nên căn nhà chưa tô vữa nhưng mẹ con chị vẫn trú ngụ gần 5 năm nay. Căn nhà chị Thủy đang ở là căn nhà được tài trợ sau một trận lũ năm 2011, trước đó chị đã hai lần làm nhà nhưng đều bị lũ cuốn.

Vào căn bếp nhà chị Thủy, mở thùng gạo, mở nắp mấy cái chảo, nồi,.. tất cả đều trống trơn cho thấy dấu hiệu của nhiều ngày không nấu nướng.

Anh Nguyễn Văn Minh, con trai bà Linh vớt vác chiếc giường bị lũ cuốn trôi sửa lại để có chỗ ngủ cho mẹ
Anh Nguyễn Văn Minh, con trai bà Linh vớt vác chiếc giường bị lũ cuốn trôi sửa lại để có chỗ ngủ cho mẹ

Ở làng Tràm Mé còn có khá nhiều các bà mẹ đơn thân nuôi con dại và đang gồng mình chống chọi sau lũ. Nhiều nhà nghèo bị lụt, phải xin nhà hàng xóm cho ở trọ để sinh con.

Chị Nguyễn Thị Hoa, (23 tuổi), sinh đứa con thứ 3 được 20 ngày thì lũ đến. Căn nhà xiêu vẹo nơi mé sông không an toàn cho hai mẹ con trong những ngày cữ nên chị phải xin tạm bợ ở nhà hàng xóm chờ ngày nước xuống, sửa nhà rồi về.

Gia cảnh của chị Nguyễn Thị Thơm cũng nằm trong diện khốn khó nhất của làng. Chồng đi tù, để bươn chải nuôi hai con nhỏ, chị phải vào tận TP.HCM làm mướn. Mùa lũ chị chạy về cùng hai con, khi cơn lũ qua thì cơm gạo cũng vừa hụt mất.

Ông Nguyễn Văn Thông, trưởng thôn Tràm Mé, tâm sự rằng ở làng đa số làm nghề nông. Ruộng ít, đất khô cũng không nhiều nên trai tráng bỏ đi làm thuê tứ tán.

Nhiều nhà gắng xây được bức tường gạch rồi thì không còn tiền để tô. Thôn có 260 hộ thì đã có đến 113 hộ nghèo và cận nghèo.

“Sau lũ, nhiều gia đình sẽ rất khốn khó nhưng chúng tôi cũng chưa biết làm sao!” – ông Thông nói trong lo lắng.

TẤN VŨ - HỮU KHÁ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên