Tốp học sinh con em người Tày, Nùng ở thôn 1C Bình Sơn đánh liều đi trên cây cầu tạm bắc qua suối Bình Sơn để đến lớp |
Kết thúc buổi kiểm tra, ông Minh thông tin: “Những nội dung mà báo Tuổi Trẻ phản ánh là đúng. Chỗ này trước đây có cầu kiên cố nhưng bị lũ cuốn. Huyện đã báo cáo lên tỉnh, trình ra trung ương và được bố trí dự án nhưng đến nay vẫn khúc mắc chưa được giải quyết”.
Cũng theo ông Minh, sau khi nhận được thông tin phản ánh, Văn phòng Chính phủ đã có công văn yêu cầu UBND huyện kiểm tra thực tế, đề xuất tháo gỡ.
Liên quan đến việc nhiều học sinh phải chấp nhận nguy hiểm qua lại hàng ngày để đến trường, một số bạn đọc đã liên hệ với Tuổi Trẻ để tìm hiểu thông tin, hỗ trợ người dân sửa chữa hoặc làm mới cây cầu.
Trước đó, trong những ngày mưa lũ vừa qua, tại một xã vùng xa của huyện Ea H’Leo (tỉnh Đắk Lắk), thầy cô và học trò ở các ngôi trường cấp I, cấp II phải liều mình vượt sông đến trường trong cuồn cuộn dòng nước lũ.
Có những thời điểm các cây cầu được dựng tạm bằng những ván gỗ trở nên mong manh trong dòng nước xiết.
Từ tối 13-9, một bức hình ghi lại cảnh nhóm học sinh được một phụ nữ dìu vượt qua cầu treo trong tình cảnh... thót tim đã khiến xôn xao cộng đồng mạng.
Mùa mưa lũ ở Tây nguyên khủng khiếp, tại nhiều ngôi làng chuyện học sinh phải nghỉ học vì cầu bị cuốn trôi, chia cắt đã trở thành điều bình thường.
Chứng kiến hình ảnh năm học sinh được dìu đi mong manh trên chiếc cầu xiêu vẹo giữa dòng nước cuồn cuộn, nhiều người đã phải rơi nước mắt.
Ngày 14-9, PV Tuổi Trẻ đã về thôn 1C Bình Sơn, xã Ea Wy, huyện Ea H’Leo - cách TP Buôn Ma Thuột hơn 100km, nơi ghi lại bức ảnh xúc động về nhóm học sinh vượt lũ đến trường.
Các thầy cô giáo tại Trường tiểu học Võ Thị Sáu nói trong xót xa: “Đó là học sinh của trường chúng tôi. Bức ảnh do một người dân chụp cách đây hai ngày, trong lúc mưa gió dồn dập.
Cả mấy năm nay, học sinh, người dân tại thôn 1C Bình Sơn phải chấp nhận đánh đổi tính mạng để qua lại trên chiếc cầu gỗ được dân đóng ván thưng tạm qua suối”.
Học sinh Trường Võ Thị Sáu tới trường phải đi qua cây cầu tạm, nhiều tấm ván đã bị long đinh |
Thầy giáo Nguyễn Xuân Đương - hiệu trưởng Trường Võ Thị Sáu - nói: “Trường có gần 300 học sinh, gần 50 em trong số này là con em đồng bào Tày, Nùng ở các ngôi làng nằm bên kia sông suối. Cứ mỗi ngày mưa gió là các em phải nghỉ học vì làng bị chia cắt.
Trong đó thôn 1C Bình Sơn có hàng chục em học sinh cấp I và cấp II bị chia cắt nặng nhất vì cầu gỗ bắc qua suối Bình Sơn bị chìm. Nhiều lúc thấy học sinh không tới lớp, giáo viên chúng tôi rất lo lắng”.
Thầy Đương nói lo lắng nhất là những lúc mưa ngập sát mặt cầu, những tấm ván gỗ thưng mỏng manh nổi lên giữa dòng nước chảy xiết, học sinh được phụ huynh bồng bế liều mình vượt cầu qua suối trong tâm trạng âu lo. “Những lúc như thế chúng tôi rất lo cho tính mạng các em, nhiều lần người dân kiến nghị làm cầu nhưng chưa được giải quyết”.
Đến cỡ này thì học sinh cũng phải thoái lui, bởi ngay một thanh niên còn phải chấp chới khi đi qua cây cầu tạm bị nước lũ nhấn gần chìm Ảnh: KIM ANH |
Cây cầu tạm bắc qua suối xiêu vẹo, oằn mình như chiếc võng đung đưa trên dòng nước chỉ được nối tạm bợ bằng những sợi thép nhỏ |
Các em vượt đường đất tới trường trên những đôi chân trần và quần ướt sũng |
Một học sinh đạp xe bì bõm giữa tuyến đường ngập ngụa bùn đục dẫn qua trung tâm xã Ea Wy để tới trường |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận