09/05/2016 09:02 GMT+7

Liệu có thể cai nghiện thân thiện được không?

VŨ THỦY (vuthuy@tuoitre.com.vn)
VŨ THỦY ([email protected])

TTO - Với việc thay đổi quan niệm nghiện ma túy là một căn bệnh và người nghiện cần được điều trị, TP.HCM đang hướng tới xây dựng một hệ thống cai nghiện thân thiện để người nghiện có thể dễ dàng tiếp cận các dịch vụ cai nghiện và được hỗ trợ, tư vấn tâm lý.

Anh Lê Văn Hồ (trái) - cán bộ cai nghiện P.8, Q.4 - đón người nghiện cai tự nguyện tại cơ sở xã hội về địa phương - Ảnh: Vũ Thủy
Anh Lê Văn Hồ (trái) - cán bộ cai nghiện P.8, Q.4 - đón người nghiện cai tự nguyện tại cơ sở xã hội về địa phương - Ảnh: Vũ Thủy

Và đây là một câu chuyện điển hình từ Q.4.

Chữa bệnh

8g sáng, anh Lê Văn Hồ - cán bộ cai nghiện P.8, Q.4 - đưa chiếc xe bốn chỗ đến nhà đón Phạm Đức Minh (23 tuổi) đi cai nghiện tại Trung tâm Giáo dục lao động xã hội Phước Bình (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai). Ngồi trên xe, Minh có chút bồn chồn nhưng thoải mái trò chuyện.

Tuổi đôi mươi, khuôn mặt của Minh còn rất non nớt nhưng cuộc sống đã sớm lận đận: “Lấy vợ từ sớm, con gái đang học chữ bập bẹ. Ba mới mất hồi tháng 7, mẹ cũng lớn tuổi rồi”. Minh kể bắt đầu theo bạn bè đua đòi hút chích từ cuối năm 2013, đã nhiều lần muốn cai nhưng cai ở nhà thì chắc chắn không được, vào trung tâm tư nhân thì gần cả chục triệu đồng không lo nổi.

Ấn tượng “đi cai” mà bạn bè Minh rỉ tai nhau bao lâu nay là “bị bắt cùm, cực lắm. Công an chụp được thì phải nằm ở phường bèo lắm là 24 tiếng rồi đưa đi cắt cơn ba ngày, sau đó lên xe đến các trung tâm”. Điều mà cán bộ cai nghiện như anh Lê Văn Hồ đang cố gắng làm tại P.8, Q.4 là thay đổi ấn tượng đó.

Anh Lê Văn Hồ kể công việc hằng ngày của anh là gặp gỡ, trò chuyện để người nghiện hiểu và sẵn sàng hợp tác.

“Xã hội đã thay đổi quan niệm về nghiện ma túy, coi đây là căn bệnh mãn tính và người nghiện là những người bệnh cần được điều trị. Cách làm của mình cũng thay đổi theo để thuyết phục được họ, làm cho họ tin” - anh chia sẻ.

Những chuyến xe không còn là ép buộc người nghiện lên xe mà là thuyết phục để họ tin tưởng và tự nguyện đi cai.

Thấy tốt tìm đến

Điểm tư vấn do anh phụ trách nằm giữa những ngóc ngách của các con hẻm nhỏ giờ đã trở thành nơi được nhiều người nghiện tin tưởng tìm đến. Căn phòng chưa đầy 15m2 với một kệ sách nhỏ, chiếc bàn để tư vấn.

Thỉnh thoảng có người lại ghé vào “em gửi giấy tờ, anh giúp em làm hồ sơ uống methadone” hay chỉ để tâm sự “em đi cai 15 ngày về giờ vẫn không ngủ được”.

"Ban đầu khó khăn lắm vì người nghiện rất ngại tiếp xúc. Đến nhà thì họ tránh né không gặp. Nhưng đến một lần không gặp thì đến hai lần, ba lần. Cố gắng nói chuyện rồi dần dà họ hiểu mình. Mình giúp họ đi cai, vào chương trình cai nghiện thay thế bằng methadone. Họ thấy mình làm tốt thì nói cho những người khác đến. Điểm tư vấn này hồi xưa là chốt dân phòng cũ bỏ không, không sạch đẹp thế này đâu. Mấy anh em trong chương trình quản lý sau cai thấy cũ kỹ rủ nhau đến sơn tường, sửa sang lại” - anh Hồ kể.

Thay đổi quan niệm nghiện là bệnh mãn tính, là căn bệnh về não bộ và người nghiện có thể dễ dàng tái nghiện, anh Lê Văn Hồ cũng bắt đầu làm quen với chuyện “có đứa đưa đi đón về mấy lần, đưa về mấy bữa là tái nghiện”.

Sáu tháng cai nghiện tại cộng đồng, công an để cho cán bộ cai nghiện quản lý hoàn toàn, họ chỉ theo dõi chứ không can thiệp. Ban đầu cũng nản lắm, có lúc muốn bỏ rồi. Mình dành tâm trí lo cho họ, họ về rồi tái nghiện. Nhưng tận dụng sáu tháng ấy, mình tạo mọi điều kiện cho họ. Nếu hết thời gian mà họ không vượt qua được, không từ bỏ được thì lúc đó phải chấp nhận giao cho tòa án xem xét đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thôi” - anh chia sẻ.

Anh Lê Văn Hồ kể đến nay, số người được đưa đi cai nghiện rồi đưa về mà bỏ hẳn được ít lắm, nhưng không phải là không có. Có người cai 5-7 lượt mới dứt hoàn toàn. Nhờ những người từng thành công như vậy nên anh có hi vọng để tiếp tục làm. Mọi thứ cũng đang dần hoàn thiện hơn sau mỗi câu chuyện thực tế với người nghiện.

“Nhiều người nghiện cho biết thời gian cai 15 ngày theo chương trình hỗ trợ chi phí cắt cơn cho người cai nghiện tự nguyện là không đủ, họ vẫn không ngủ được nên dễ tái nghiện. Hiện nay Q.4 đang cố gắng vận động gia đình người nghiện đóng thêm kinh phí để kéo dài thời gian điều trị tại cơ sở xã hội từ một tháng trở lên để đạt hiệu quả tốt hơn” - anh Hồ cho biết.

Tạo mọi điều kiện cho người nghiện

Ông Trần Ngọc Du - chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP.HCM - cho biết mô hình Q.4 đang thực hiện là một bước thay đổi để thực hiện cai nghiện tại cộng đồng theo quan điểm người nghiện là người bệnh và tạo mọi điều kiện để người nghiện tiếp cận các chương trình cai nghiện.

Hiện nay người nghiện ma túy có rất nhiều kênh để tiếp cận cai nghiện tại gia đình và cộng đồng với các dịch vụ điều trị nghiện ma túy được mở rộng mang lại cho người nghiện nhiều chọn lựa. Họ có thể cai nghiện tại gia đình và cộng đồng, cai nghiện dịch vụ tại các trung tâm điều trị tư nhân.

Hiện nay, TP.HCM đã có chính sách hỗ trợ 1.260.000 đồng/người cho 15 ngày cắt cơn tại cơ sở xã hội cho người cai nghiện tự nguyện để tháo gỡ khó khăn kinh phí cho người nghiện. Đồng thời, hình thành các điểm tư vấn tới tận xã, phường để định hướng, tạo môi trường sinh hoạt, trao đổi cho người nghiện.

Bên cạnh đó, nếu người nghiện cảm thấy khó bỏ, bị bạn bè rủ rê không thể tách ra được thì có thể dùng đến biện pháp cuối cùng là cai nghiện thay thế bằng methadone.

Theo ông Du, chính sách cai nghiện tại gia đình và cộng đồng giúp người nghiện tự nhận thức được tác hại của ma túy và tìm ra được cách thức phù hợp với bản thân họ. “Đến nay, quan điểm về nghiện ma túy đã thay đổi, được nhìn nhận như một căn bệnh, do đó trước hết là tạo mọi điều kiện cho họ chữa trị.

Nếu sau khi đã được tạo mọi điều kiện mà người nghiện không từ bỏ được thì lúc đó sẽ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc từ 6-24 tháng để bảo đảm an ninh trật tự cho xã hội” - ông nêu.

Vướng mắc gỡ mãi chưa xong

Tại buổi làm việc với UBND TP.HCM tuần qua, các cơ quan, đơn vị liên quan đến công tác cai nghiện ma túy tiếp tục phản ảnh nhiều quy định luật về cai nghiện còn vướng mắc khiến công tác cai nghiện tại TP.HCM bị ách tắc kéo dài nhiều năm nhưng vẫn chưa được giải quyết.

Ông Trần Ngọc Du - chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP - cho biết từ khi Luật xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực từ tháng 1-2014 đến nay, vẫn chưa có quy định để đưa người nghiện vị thành niên (từ 12 đến dưới 18 tuổi) đã cai nghiện tại gia đình và cộng đồng nhưng còn nghiện vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc, trong khi “người nghiện đang ngày càng trẻ hóa và xu hướng sử dụng ma túy tổng hợp (ma túy đá) đang gia tăng rất nhanh”.

Đồng thời, hiện nay tình trạng người nghiện có nơi cư trú ổn định có quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc của tòa án trốn thi hành rất phổ biến.

“Theo quy định, sau khi tòa án ra quyết định thì người nghiện có ba ngày để kháng nghị, trong thời gian đó người nghiện đã bỏ đi nơi khác khiến các địa phương gặp nhiều khó khăn” - ông Du nêu.

Bà Nguyễn Thị Thu - phó chủ tịch UBND TP.HCM - cho rằng TP.HCM phải tiếp tục kiên trì kiến nghị lên các bộ, ngành trung ương để tháo gỡ.

Để hạn chế tình trạng người nghiện có nơi cư trú ổn định có quyết định cai nghiện bắt buộc của tòa án bỏ đi, bà đưa giải pháp đề nghị các gia đình làm đơn để đưa con em họ vào Cơ sở xã hội Bình Triệu cắt cơn trước khi vận chuyển đến các cơ sở cai nghiện bắt buộc.

3.700 người

Theo báo cáo của Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM, đến nay đã có gần 1.200 người tham gia cai nghiện tại gia đình và cộng đồng. Tổng số đang điều trị methadone đến nay gần 3.700 người.

“Sắp tới với việc methadone được mở rộng trên toàn quốc có thể hướng đến việc kết nối các cơ sở điều trị, cấp thẻ để người uống có thể di chuyển nhiều tỉnh, thành mà vẫn có thể uống hằng ngày. Từ trước đến nay, do methadone cũng là một loại ma túy cần kiểm soát chặt chẽ nên người nghiện bắt buộc phải tới điểm uống, số lượng điểm uống có hạn nên cũng gây bất tiện cho người uống” - ông Trần Ngọc Du cho biết.

VŨ THỦY ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên