Vì sao số ca mắc COVID-19 giảm?
Theo thống kê của Bộ Y tế, tại Việt Nam trong và sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, số ca mắc COVID-19 giảm mạnh. Trung bình ghi nhận dưới 60 ca mắc/ngày.
Trong đó có những ngày chỉ ghi nhận 3 ca mắc COVID-19. Hơn 1 tháng qua, không ghi nhận ca tử vong do COVID-19.
Báo cáo của Sở Y tế TP.HCM cũng cho hay sau 10 ngày nghỉ Tết (từ 20 đến 29-1), tình hình dịch bệnh COVID-19 tại thành phố ổn định, lần đầu tiên sau 2 năm có 2 ngày không có ca mắc COVID-19 mới.
Đánh giá về vấn đề này, một chuyên gia lĩnh vực y tế dự phòng cho rằng có nhiều yếu tố dẫn đến số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam giảm trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua.
"Về khách quan, tỉ lệ tiêm chủng vắc xin COVID-19 tại Việt Nam rất cao so với nhiều nước trên thế giới. Trong khi đó, một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản hay Trung Quốc tiêm chủng vắc xin từ khá sớm.
Từ năm 2021 đã bắt đầu tiêm chủng và tỉ lệ tiêm mũi bổ sung (mũi 3, mũi 4) thấp hơn. Vì vậy, trong thời gian này có thể hiệu quả vắc xin đã giảm khiến tỉ lệ mắc ở các nước này gia tăng.
Bên cạnh đó, đầu năm 2022 tại Việt Nam tỉ lệ mắc COVID-19 rất cao, tính đến nay đã có hơn 11.500.000 ca mắc (bình quân cứ 1 triệu người có 116.484 ca nhiễm). Những người đã mắc có được miễn dịch tự nhiên khiến ca mắc gần đây giảm sâu.
Ngoài ra, hiệu quả phòng dịch tốt nhất là ở nhóm "miễn dịch lai", tức vừa đã tiêm vắc xin và đã từng mắc COVID-19. Số người đã tiêm đủ mũi rất cao cộng với người từng mắc COVID-19 cũng khá cao khiến nhóm người được coi có "miễn dịch tốt" lên tới cả chục triệu.
Và cũng do COVID-19 gần đây không gây bệnh cảnh nặng, nhiều người mắc (tình trạng bệnh nhẹ) thường không xét nghiệm COVID-19 hoặc xét nghiệm dương tính không thông báo nên sẽ không ghi nhận được. Điều này cũng khiến số ca mắc được công bố hằng ngày giảm đi", chuyên gia này nhận định.
Việt Nam đã đạt miễn dịch cộng đồng?
PGS Đỗ Văn Dũng - trưởng khoa y tế công cộng, Trường đại học Y dược TP.HCM - cho biết đến thời điểm hiện tại khó nói Việt Nam đã đạt được miễn dịch cộng đồng hay chưa. Nguyên nhân là về cơ bản vi rút gây dịch COVID-19 có nhiều biến chủng.
Do vậy, sẽ chưa có miễn dịch để mọi người không mắc bệnh mà chỉ có miễn dịch sẽ không bị nặng và tử vong.
PGS Dũng dẫn chứng, nếu biến chủng XBB xuất hiện, những người nhiễm các biến chủng trước đó vẫn có khả năng mắc lại.
Do vậy, phải theo dõi sát tỉ lệ nhiễm bệnh và tỉ lệ nhiễm bệnh nặng. Nếu chủng vi rút mới vào đã nhiễm bệnh và tiêm nhắc đủ mũi vắc xin rồi người bệnh sẽ không bị nặng. Nhờ lần nhiễm mới sẽ tạo cho cơ thể miễn dịch mới với chủng vi rút đó.
Đánh giá về nguy cơ dịch COVID-19 có thể bùng dịch trong thời gian tới khi người dân đi lại, PGS Dũng cho hay chắc chắn sẽ có nguy cơ lây lan dịch cao.
"Tuy nhiên, chúng ta nên xem COVID-19 như các dịch bệnh khác, vẫn thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như bình thường. Đối với những người có nguy cơ lớn tuổi, mắc bệnh nền nên tránh những nơi tụ tập không cần thiết, đeo khẩu trang nơi đông người nhằm giảm nguy cơ lây lan.
Những người cao tuổi nên tiêm vắc xin mũi nhắc lại. Đối với các khu vực lễ hội tụ tập đông người, biện pháp đeo khẩu trang vẫn là tốt nhất, trừ những người đeo khẩu trang cảm thấy khó thở", PGS Dũng nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Vũ Thượng - phó viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM - cho hay sau dịp Tết Nguyên đán số ca mắc COVID-19 và số ca tử vong đã giảm nhưng không có nghĩa chúng ta lơ là, chủ quan. Sau Tết, người dân quay trở lại làm việc, giao lưu nên chắc chắn sẽ có biến thể xâm nhập.
Để chủ động ứng phó với tình hình dịch bệnh, ông Thượng cho hay ngành y tế cần khuyến cáo mạnh mẽ đối với người dân khi đến các khu vui chơi, du lịch, lễ hội, chẳng hạn đặt bảng lưu ý người dân thận trọng, thực hiện tốt quy định 2K. Điều này nhằm giảm tốc độ lây lan cũng như làm chủ tình hình nếu xuất hiện biến thể mới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận