Phóng to |
Người dân phản ảnh với cơ quan chức năng của tỉnh về động đất tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2 chiều 6-9 - Ảnh: Tấn Vũ |
Theo nhiều người dân, có ít nhất ba trận động đất xảy ra ngày 6-9. Đợt rung động mạnh nhất xuất hiện khoảng 7g17, dư chấn bắt đầu bằng tiếng nổ lớn, sau đó kéo theo mặt đất rung chuyển khoảng 4 giây khiến người dân hoảng loạn.
Phóng to |
Xem video do Truyền hình Tuổi Trẻ thực hiện |
Rung động ngày càng mạnh
Anh Nguyễn Minh Lý, một hộ dân trú tại thị trấn Trà My, cho biết trận động đất vừa xảy ra sáng qua còn mạnh hơn cả trận động đất tối 3-9. “Mũ bảo hiểm tôi treo trên xe máy rung lắc khủng khiếp” - anh Lý nói. Ông Trần Kim Hùng - phó chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam đang công tác tại huyện Bắc Trà My - nói: “Lâu nay tôi chỉ biết động đất ở vùng Trà My thông qua báo cáo của huyện và báo chí đưa tin. Trực tiếp chứng kiến mới thấy rung chấn rất mạnh”. Ông Hùng đã trực tiếp đi kiểm tra thực tế hiện trường tại khu đập chính, nhà máy phát điện của thủy điện Sông Tranh 2, nắm bắt tình hình, trấn an người dân tại khu vực xã Trà Tân và Trà Đốc.
|
Sau những đợt dư chấn do động đất, dọc tuyến đường DT-616 thuộc khu bờ trái đập chính thủy điện Sông Tranh 2, cả phía thượng lưu lẫn hạ lưu đều xảy ra sụt lún, trượt và sạt lở đất. Có hàng chục điểm trượt đất, sạt lở lớn tạo ra những hố sâu ngay vai trái thân đập chính của thủy điện. Tại đây, đơn vị thi công đang dùng hàng loạt rọ sắt chứa đá xây thành bờ kè dài nhằm ngăn trượt lún đất. Hàng loạt biển báo nguy hiểm cho người qua đường được dựng lên. Nhiều bờ kè bêtông kiên cố cũng được dựng lên chắn đất tràn ra đường.
Chiều 6-9, ngay bên dưới chân đập, bất chấp mưa gió, đơn vị thi công dùng xe ủi, xe múc đổ đất đá, cát sỏi san lấp các điểm sụt lún lớn ở khu vực bên dưới thân đập chính phía hạ lưu. Tối 5-9, mưa lớn vẫn tiếp tục diễn ra tại Trà My, nước quanh thân đập chảy thành dòng, lượng nước về hồ bắt đầu tăng lên.
Sau khi xảy ra các vụ động đất hôm qua, Ban chỉ huy Phòng chống bão lụt tỉnh Quảng Nam đã có mặt tại đập chắn thủy điện kiểm tra tình hình sạt lở. Ông Nguyễn Thanh Quang - giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam - cho biết vừa ký văn bản phổ biến một số kiến thức và biện pháp ứng phó với động đất gửi 18 huyện, thành phố ở Quảng Nam.
Phó chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My Trần Anh Tuấn cho hay chính quyền huyện đang thống kê các thiệt hại của người dân từ động đất. Một số phương án di dời dân, các cao điểm, các ngọn đồi ở trong vùng đều được chính quyền chấm tọa độ, đo độ cao, đề phòng trường hợp xấu nhất sẽ báo động dân chạy tới đó trú ẩn. “Chúng tôi buộc chủ đầu tư thủy điện phải đền bù cho người dân vì thủy điện đã gây ra động đất và tác động đến đời sống người dân. Chúng tôi cũng kiến nghị phải tích nước dần dưới sự giám sát của các nhà khoa học, nếu không an toàn thì không nên tích nước” - ông Tuấn nói.
Dù tuyên bố việc khắc phục sắp hoàn thành, nước thấm giảm 80-90% nhưng chiều qua đơn vị thi công vẫn không cho các phóng viên tiếp cận bên trong đường hầm thủy điện.
Cần xem lại luận điểm trước đây
Phóng to |
Ông Nguyễn Hồng Phương - Ảnh: T.Phùng |
- Trận động đất lớn nhất ở Bắc Trà My được ghi nhận sáng 6-9 là 3,4 độ Richter, xảy ra lúc 7g17 tại tọa độ 15,38 độ vĩ bắc - 108,12 nằm ở phía bắc và song song với trận động đất 4,2 độ Richter xảy ra trên đứt gãy Hương Nhượng - Tà Vi ngày 3-9. Mấy ngày qua, tại khu vực này đã xảy ra nhiều rung động do các trận động đất và dư chấn gây ra. Đây là các trận động đất được xếp vào loại nhỏ.
Qua theo dõi hai năm nay cho thấy động đất ở khu vực Bắc Trà My xảy ra với tần suất tương đối thường xuyên và độ lớn của động đất có xu thế tăng lên. Nếu theo đúng như vậy thì động đất sẽ tăng cả cường độ chứ không chỉ là tần suất. Đây chưa thể là kết luận nếu chúng ta không triển khai mạng lưới các trạm quan trắc để có số liệu. Không có số liệu thì tất cả chỉ là tính toán trên giấy tờ và không có ý nghĩa thực tế.
"Mong muốn của chúng tôi, nói một cách ngắn gọn nhất, là cấp kinh phí cho mạng lưới trạm quan trắc động đất ở thủy điện Sông Tranh. Thứ hai là tiếp tục triển khai các nghiên cứu để xác định nguồn gốc phát sinh những trận động đất nhằm có hướng ứng phó với những hiểm họa trong tương lai"
* Có nhiều giả thiết cho rằng động đất là do hồ thủy điện Sông Tranh 2 tích nước. Nay hồ đã rút nước để chống thấm đập thủy điện nhưng vẫn xảy ra động đất ở hạ lưu đập. Ông có nhận định gì?- Phải xem lại luận điểm này. Nếu hồ chứa là nguồn gốc phát sinh động đất loại vừa, trung bình và nhỏ thì phải có chu kỳ. Những chu kỳ ấy xảy ra thường lặp lại sau khi tích nước hoặc sau mùa mưa và quay lại theo chu kỳ. Kinh nghiệm thế giới cho thấy như vậy. Thực tế ở thủy điện Sông Tranh 2 cho thấy chấn tâm động đất dường như lan dần về phía nam đập. Trận động đất 4,2 độ Richter ngày 3-9 có xu thế xảy ra trên đứt gãy Hương Nhượng - Tà Vi đang hoạt động và từ trước đã được coi là một nguồn có khả năng sinh chấn. Hai trận động đất ngày 3 và 6-9 cũng ở gần đứt gãy Hương Nhượng - Tà Vi. Nhưng động đất kích thích do tích nước thường là chuỗi động đất nhỏ, xảy ra trong phạm vi lòng hồ là chính. Luận điểm về động đất kích thích thường ứng với động đất cường độ trên 3 độ Richter chứ động đất cường độ 4,2 độ Richter thì phải lưu ý tới những vấn đề khác. Cá nhân tôi nghiêng về giả thiết đứt gãy Hương Nhượng - Tà Vi hoạt động mạnh hơn.
* Như vậy các nhận định trước đây là không thuyết phục?
- Giả thiết trước đây không có căn cứ và đến giờ rõ ràng không khớp. Trận động đất 4,2 độ Richter ngày 3-9 xảy ra ở phía nam hồ chứa khá xa và ngay trên đứt gãy Hương Nhượng - Tà Vi. Cho đến lúc này chúng ta phải đặt lại vấn đề liệu những trận động đất xảy ra vừa rồi có phải có nguồn gốc là động đất kích thích hay bởi đứt gãy kiến tạo hoạt động. Tôi cho rằng phải nghiên cứu theo cách tiếp cận đó và có hướng đề phòng cho cả hai khả năng phát sinh động đất. Cả hai hướng này đều dẫn tới một việc cấp thiết là phải có một mạng lưới trạm quan trắc ghi nhận những trận động đất ở khu vực thủy điện Sông Tranh. Chu trì quan trắc càng dài thì tính toán càng chính xác.
* Cần phải làm gì khi động đất liên tục xảy ra ở khu vực thủy điện Sông Tranh?
- Viện đã khảo sát thực địa khu vực Bắc Trà My khi có động đất xảy ra năm 2011 và có những báo cáo kỹ thuật chi tiết, kiến nghị rõ ràng: phải thiết lập mạng lưới trạm quan trắc địa phương đặt tại khu vực lân cận hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2. Muốn làm việc đó phải có máy nhưng đến nay vẫn đang bàn bạc. Ngày 7-9, viện cử một đoàn đến khảo sát thực địa trong vòng 10 ngày. Theo tôi được biết còn có một đoàn gồm các cấp lãnh đạo của Bộ Khoa học - công nghệ, Viện Địa chất vào làm việc, khảo sát thực tế để có câu trả lời cho các cấp của tỉnh Quảng Nam và người dân.
* Đập thủy điện Sông Tranh 2 được thiết kế chịu được động đất 5,5 độ Richter nhưng các trận động đất nhỏ hơn xảy ra liên tiếp có làm ảnh hưởng tới an toàn của đập, thưa ông?
- Không ảnh hưởng, bởi trong xây dựng công trình đã tính động đất cực đại có thể gây ra lực cực đại tác động tới công trình. Người ta thiết kế đập chịu được chấn động cực đại theo giả thiết. Nhưng trong thực tế không ai dừng lại ở mức đó mà sẽ làm ở mức cao hơn và nếu lực tác động cao hơn nữa mới bị phá hủy. Đập được thiết kế để chịu mức độ cao hơn động đất cực đại nên có thể yên tâm.
* Theo ông, có nên cho tích nước hồ thủy điện trở lại sau những trận động đất vừa qua?
- Cái này thuộc lĩnh vực chuyên môn về thủy điện. Nhưng tôi có thể khẳng định trong bối cảnh hiện nay đập an toàn.
EVN: thủy điện Sông Tranh 2 vẫn an toàn Ngày 6-9, trước thông tin về tình hình động đất tiếp tục diễn ra tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) đã ra thông cáo công nhận trong những ngày 3 đến 6-9, tại thị trấn Trà My, huyện Bắc Trà My và các xã lân cận đã xảy ra một số đợt rung chấn do động đất. Theo EVN, các dữ liệu quan trắc do các thiết bị lắp đặt trong thủy điện Sông Tranh 2 đo được thì đợt rung chấn có cường độ lớn nhất chỉ 4,2 độ Richter (ứng với rung động trên cấp 6 theo thang MSK-64). EVN khẳng định các chuyên gia của Viện Vật lý địa cầu đã đánh giá các đợt rung chấn vừa qua là động đất kích thích. Nguyên nhân xảy ra động đất có thể do có những bất ổn tại đứt gãy kiến tạo Trà Bồng, Hương Nhượng - Tà Vi nằm trong phạm vi vùng hồ của thủy điện Sông Tranh 2. Sau khi xảy ra các đợt rung chấn do động đất, EVN khẳng định đã kiểm tra các hạng mục công trình của thủy điện Sông Tranh 2 và nhận định các đợt rung chấn vừa qua không gây ảnh hưởng đến công trình. Đập thủy điện Sông Tranh 2 đã được thiết kế cường độ kháng nén lớn, bảo đảm an toàn khi có động đất tới 5,5 độ Richter.
|
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận