Tiết học tiếng Anh tại một trường tiểu học ở Nhật - Ảnh: THE JAPAN TIMES
Theo báo The Japan Times, mối quan ngại của các nhà giáo dục Nhật Bản về thực trạng rất ít học sinh nước này có khả năng sử dụng tiếng Anh trôi chảy dù đã được học nhiều năm luôn là trọng tâm của các cuộc thảo luận cải cách phương pháp giảng dạy.
Những năm gần đây, các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản luôn tích cực cải tiến chất lượng đề thi do Trung tâm khảo thí tuyển sinh đại học quốc gia tổ chức nhằm đáp ứng nhu cầu thời đại và hội nhập quốc tế.
Bắt đầu từ năm 1989, môn học mới “Giao tiếp tiếng Anh" đã chính thức được đưa vào chương trình phổ thông nhằm tăng cường các tiết học trò chuyện, sử dụng tiếng Anh giao tiếp cho học sinh.
Ngoài ra, đến năm 2002, Bộ Giáo dục Nhật đã thông qua kế hoạch tăng cường số lượng lớn giáo viên bản xứ cho các tiết học tiếng Anh ở bậc giáo dục phổ thông. Năm 2009, tất cả giáo viên tiếng Anh, hầu hết là giáo viên bản xứ, ở các trường học Nhật Bản được yêu cầu phải giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh trong suốt buổi học.
Dù đã liên tục cải cách phương pháp dạy học, đến năm 2019, Bộ Giáo dục nước này công bố dữ liệu cho biết học sinh Nhật vẫn bị xếp hạng kém trong các kỳ thi tiếng Anh quốc tế. Đơn cử như tại kỳ thi TOEFL trên Internet, điểm trung bình của những người dự thi ở Nhật Bản là 72, thấp nhất trong số 37 quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD).
Báo The Japan Times cho biết phương pháp giảng dạy tiếng Anh phổ thông ở Nhật Bản từ lâu vẫn bị chỉ trích là có xu hướng tập trung nhiều vào ngữ pháp và giảng dạy các cấu trúc câu quá phức tạp, khiến rất ít học sinh tốt nghiệp có thể sử dụng thành thạo ngôn ngữ này.
Với hy vọng giúp thế hệ sau giao tiếp tiếng Anh chủ động hơn trong thời đại toàn cầu hóa, năm 2014, hội đồng tư vấn của Bộ Giáo dục đã kêu gọi kỳ thi tuyển sinh đại học đánh giá cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.
Tuy nhiên, cho đến đợt cải cách năm ngoái, kỳ thi tuyển sinh đại học ở quốc gia này chỉ thay đổi từ hình thức thi tự luận sang thi trắc nghiệm, giảm tải những câu hỏi truyền thống nặng về ngữ pháp và tăng cường các câu hỏi đánh giá khả năng sử dụng tiếng Anh của học sinh trong giao tiếp hằng ngày.
Mặc dù đề thi có nhiều thay đổi nhấn mạnh vào sự hiểu biết thực tế về tiếng Anh, bài thi này vẫn chỉ đánh giá 2 kỹ năng nghe và đọc của học sinh như những năm trước.
Báo The Japan Times nhận định việc bỏ qua kế hoạch đánh giá đồng thời 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết trong kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia là một đòn giáng mạnh vào những nhà giáo dục ủng hộ một chương trình giảng dạy tiếng Anh thực tế hơn.
“Tôi thấy rất thất vọng về tiêu chí đánh giá của bài thi tuyển sinh đại học quốc gia sau 12 năm đèn sách của học sinh. Về cơ bản, sự thay đổi này vẫn là rào cản cho quá trình đào tạo học sinh Nhật Bản sử dụng thành thạo 4 kỹ năng tiếng Anh cơ bản để trở thành công dân toàn cầu”, ông Takamichi Nakamura, trưởng khoa tiếng Anh tại Trường trung học Tokyo Metropolitan Hibiya, một trong những trường trung học hàng đầu Nhật Bản, nhận định.
Tuy vậy, hiện nay nhiều trường đại học tư thục Nhật Bản đã yêu cầu học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông hoàn thành các kỳ thi tiếng Anh quốc tế như TOEFL iBT, IELTS… trước khi nộp hồ sơ xét tuyển.
Yêu cầu này không chỉ giúp các nhà lãnh đạo trường học tuyển sinh sinh viên thông thạo bốn kỹ năng nền tảng theo mục tiêu “bồi dưỡng nhà lãnh đạo toàn cầu”, mà còn thúc đẩy chương trình giáo dục tiếng Anh ở bậc phổ thông nhanh chóng cải tiến để phù hợp với thời đại, báo The Japan Times nhận xét.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận