Một tuần sau khi được gia đình cho uống thuốc cam để trị cảm cúm, ho, bé H. xuất hiện nôn nhiều và co giật và được đưa đến viện để cấp cứu.
Bệnh viện Sản Nhi Ninh Bình sau đó chẩn đoán bé H. bị giãn não thất và được chuyển đến Bệnh viện Nhi T. Ư vào ngày 19-6 trong trạng thái co giật, li bì...
Tại Bệnh viện Nhi T. Ư, bé H. được xác định bị nhiễm độc chì nặng, hiện đang được điều trị tích cực bằng thở máy, dùng thuốc thải chì.
Một trường hợp khác là bé L. (4 tháng tuổi, ở Hà Nội) cũng bị ngộ độc chì nặng và đang được điều trị tại khoa Cấp cứu Chống độc.
Bé L. bị ngộ độc chì do gia đình sử dụng thuốc cam để đánh tưa lưỡi cho bé. 4 ngày sau, bé L. xuất hiện các tình trạng đau bụng, nôn, ho nhiều... sau đó được đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Các bác sĩ cho biết, chì có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe như về thần kinh, huyết học, dạ dày... Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị ngộ độc chì như là môi trường ô nhiễm, chơi đồ chơi có chì, sơn pha chì, đạn chì... Trong đó, một số loại thuốc cam không rõ nguồn gốc dùng để bôi, uống được xem là nguyên nhân hàng đầu gây ra các vụ ngộ độc chì ở trẻ nhỏ.
Các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cần phải để trẻ tránh xa những đồ vật nhiễm chì và nếu sử dụng thuốc cam cho trẻ cần phải mua những loại rõ nguồn gốc, rõ ràng địa chỉ, chứng nhận...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận