22/12/2018 09:21 GMT+7

Liên thông dữ liệu nhà đất: Người dân làm thủ tục 'phi địa giới'

ÁI NHÂN - MAI HƯƠNG
ÁI NHÂN - MAI HƯƠNG

TTO - Từ gần một năm nay, người dân ở Đồng Nai đến bất kỳ bộ phận dịch vụ hành chính công nào cũng được phục vụ như nhau cho một số yêu cầu liên quan đến mua bán đất đai, không còn phụ thuộc vào địa giới hành chính.

Liên thông dữ liệu nhà đất: Người dân làm thủ tục phi địa giới - Ảnh 1.

Người dân đến Trung tâm hành chính công tỉnh Đồng Nai làm thủ tục hành chính - Ảnh: HOÀNG ĐÔNG

Ông Tạ Quang Trường - phó giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đồng Nai - cho biết tỉnh đã thực hiện dịch vụ hành chính công "phi địa giới" trong lĩnh vực đất đai ở 4 hoạt động sau: xem thông tin quy hoạch; đo vẽ hiện trạng; đăng ký thế chấp (đăng ký giao dịch bảo đảm) và chuyển nhượng quyền sử dụng đất. 

Trong số 11 bộ phận một cửa tại tất cả các huyện, TP Biên Hòa và trung tâm hành chính công tỉnh, người dân có thể chọn nơi nào gần nhất, thuận tiện nhất, thân thiện, phục vụ tốt nhất để thực hiện một số thủ tục liên quan đất đai.

Đồng Nai hiện có khoảng 1.700 thủ tục hành chính của tất cả các cấp. Tuy nhiên, chỉ có gần 20% là thủ tục hành chính thường xuyên, có tần suất giao dịch hành chính lớn, nhiều nhất là lĩnh vực đất đai, nên tỉnh ưu tiên lựa chọn và xây dựng cơ sở dữ liệu để giải quyết.

Ông TẠ QUANG TRƯỜNG

Liên thông dữ liệu nhà đất: Người dân làm thủ tục phi địa giới - Ảnh 3.

Chị Nguyễn Thị Nhâm - nhân viên bưu điện - cũng được sắp xếp ngồi ngay trong Trung tâm hành chính công tỉnh Đồng Nai để hỗ trợ người dân khi có nhu cầu chuyển phát hồ sơ về tận nhà - Ảnh: HOÀNG ĐÔNG

"Phi địa giới"

Sáng 17-12, tại Trung tâm hành chính công tỉnh Đồng Nai (tầng 6, tòa nhà Sonadezi, Khu công nghiệp Biên Hòa), anh Lê Quốc Triệu, nhân viên Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (Q.5, TP.HCM) được viên chức ngồi tại quầy có bảng điện tử của Sở Tài nguyên - môi trường hướng dẫn và thực hiện thủ tục đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất (đăng ký giao dịch bảo đảm).

Ngân hàng của anh Triệu cho khách hàng vay tiền, khách hàng thế chấp mảnh đất tại huyện Định Quán. Theo quy định, thủ tục đăng ký thế chấp do văn phòng đăng ký đất đai của huyện Định Quán thực hiện. Người đi đăng ký phải chuẩn bị đầy đủ hồ sơ để văn phòng đăng ký đất đai nơi có đất thực hiện các bước thủ tục liên quan.

Tuy nhiên, với việc liên thông trong thủ tục đất đai, yêu cầu của anh Triệu được chuyên viên giải quyết nhanh chóng. "Nếu như trước đây tôi phải chạy đi gần 100km thực hiện thủ tục tại huyện Định Quán là nơi có đất thế chấp thì nay tôi có thể làm ở Biên Hòa. Thực sự rất thuận tiện. Tôi rất hài lòng", anh Triệu nói.

Đối với thủ tục chuyển nhượng, đăng ký thế chấp, người dân có thể lựa chọn nộp hồ sơ tại bất kỳ bộ phận một cửa nào của tỉnh hoặc Trung tâm hành chính công tỉnh. Thông tin chuyển cơ quan thuế địa phương cũng được luân chuyển và xác nhận trên môi trường điện tử.

Từ đó, Đồng Nai có thể điều phối lưu lượng hồ sơ thực hiện thủ tục tại các bộ phận một cửa, giảm chi phí, thời gian chờ đợi, di chuyển cho người dân.

Liên thông dữ liệu nhà đất: Người dân làm thủ tục phi địa giới - Ảnh 4.

Đất ở huyện Định Quán nhưng có thể làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng ở bộ phận một cửa huyện Long Thành - Tư liệu: ÁI NHÂN - Đồ họa: V.CƯỜNG

Dữ liệu số về 1,6 triệu thửa đất

Nhận thấy nhu cầu cũng như có tần suất giao dịch hành chính liên quan đến lĩnh vực đất đai lớn (khoảng 80%) nên Đồng Nai đã ưu tiên tập trung cải cách thủ tục hành chính lĩnh vực này. Từ năm 2006, tỉnh đã xây dựng cơ sở dữ liệu số đối với 1,6 triệu thửa đất trong toàn tỉnh, bao gồm thông số kỹ thuật, hồ sơ địa chính thửa đất, lịch sử giao dịch và tính pháp lý của thửa đất. 

Tất cả đều được ghi nhận và cập nhật theo thời gian thực của từng biến động (chuyển nhượng, thế chấp, chặn giao dịch do thi hành án…). Dữ liệu số hóa này được phân quyền truy cập và khai thác giải quyết thủ tục hành chính một cách chặt chẽ, đặt nền tảng cho việc triển khai mô hình "phi địa giới hành chính".

Ông Bùi Xuân Hải (Q.4, TP.HCM) cho hay vừa qua ông được giới thiệu mua đất ở huyện Long Thành, ông đã sử dụng ứng dụng DNAI.LIS cài trong điện thoại để xem bản đồ, thông tin quy hoạch, thông tin pháp lý của thửa đất…

"Chỉ cần nhập vị trí, số thửa trên ứng dụng thì có thể xem đầy đủ thông tin quy hoạch, pháp lý thửa đất. Không cần phải đến hay liên hệ cơ quan chức năng ở Đồng Nai để xem. Ứng dụng rất tiện lợi", ông Hải nói.

Ngoài ra, Đồng Nai đã thực hiện liên thông một cửa 26 loại thủ tục liên quan lĩnh vực đất đai đến tận cấp xã. Người dân chỉ cần đến xã để nộp hồ sơ; xã nhận, kiểm tra thành phần hồ sơ, giải quyết một số khâu theo thẩm quyền, chuyển cho các bộ phận một cửa giải quyết và trả cho người dân kết quả tại xã hoặc nhận qua bưu điện.

Một số công cụ "một cửa" ở Đồng Nai

* DNAI.LIS: Ưu điểm của ứng dụng này là bất kỳ người nào cũng có thể dễ dàng cài đặt trên điện thoại, giúp mọi người đều có thể xem thông tin quy hoạch, pháp lý của 1,6 triệu thửa đất của tỉnh Đồng Nai.

* Tổng đài dịch vụ công 1022: Từ tháng 7-2017, Đồng Nai thống nhất các đầu số đường dây nóng về duy nhất đầu số (0251)1022. Người dân và doanh nghiệp thay vì phải liên hệ tại bộ phận một cửa ở UBND các cấp hoặc trực tiếp đến Trung tâm hành chính công tỉnh Đồng Nai như trước đây, nay ngồi ở nhà có thể gọi điện đến tổng đài dịch vụ công 1022 sẽ có người đến tiếp nhận và trả hồ sơ tại nhà theo yêu cầu.

* Trang thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai: Trang thông tin hiện có 45.000 lượt theo dõi. Mỗi thông tin tuyên truyền, thông báo chính sách, thông báo giải quyết thủ tục, khảo sát ý kiến… của tỉnh ngay lập tức được đưa lên để người dân tiện theo dõi.

Trang thông tin cũng kết nối mạng xã hội Zalo, giúp người dân nhắn tin, livechat hoặc gửi yêu cầu về thủ tục hành chính trên trang thông tin điện tử của tỉnh (caicachhanhchinh.dongnai.gov.vn) để được giải quyết.

taquangtruong-15454422548701915033492

Ông Tạ Quang Trường - phó giám đốc Sở Nội vụ Đồng Nai - Ảnh: HOÀNG ĐÔNG

Còn một vướng mắc

Đối với thủ tục chuyển nhượng, đăng ký thế chấp, người dân có thể lựa chọn nộp hồ sơ tại bất kỳ bộ phận một cửa của tỉnh hoặc Trung tâm hành chính công tỉnh.

Thông tin chuyển cơ quan thuế địa phương cũng được luân chuyển và xác nhận trên môi trường điện tử.

Tuy nhiên hiện nay, còn một vướng mắc là Kho bạc Nhà nước tỉnh chưa đồng ý tiếp nhận, xử lý thu đối với các thông báo thuế, nghĩa vụ tài chính điện tử trên phần mềm; hỗ trợ tích hợp, chuyển thông báo nghĩa vụ tài chính điện tử trên hệ thống phần mềm liên thông sang kho bạc các cấp.

Kho bạc địa phương nơi có đất chỉ chấp nhận thông báo thuế bằng văn bản giấy nên hiện chưa liên thông hoàn toàn.

"Chúng tôi đã gửi kiến nghị lên cơ quan trung ương để thống nhất hướng dẫn Kho bạc Nhà nước tỉnh tháo gỡ vướng mắc này. Khi ấy thủ tục chuyển nhượng đất đai sẽ hoàn toàn phi địa giới", ông Tạ Quang Trường nói.

Hà Nội: sẽ kết nối dữ liệu đất đai

Theo kế hoạch xây dựng tổng thể hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai giai đoạn 2015 - 2018, đến nay Hà Nội đã hoàn thành xong bước đo đạc và đang trong quá trình hoàn thiện cơ sở dữ liệu.

Ông Lê Thành Nam - phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Hà Nội - cho biết sở đang phấn đấu hoàn thành lập cơ sở dữ liệu đất đai theo đúng tiến độ. Hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý đất đai hoàn thiện, Hà Nội sẽ kết nối dữ liệu này từ cấp xã lên cấp huyện và thành phố.

Đây là 1 trong 4 cơ sở dữ liệu cốt lõi để Hà Nội làm nền tảng xây dựng chính phủ điện tử. Ba cơ sở dữ liệu khác là cơ sở dữ liệu doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể, cơ sở dữ liệu cán bộ công chức và cơ sở dữ liệu tư pháp - hộ tịch.

cchc

Người dân làm thủ tục xin phép xây dựng tại UBND Q.3, TP.HCM theo mô hình cải cách hành chính một dấu một cửa - Ảnh: TỰ TRUNG

TP.HCM: công khai thông tin quy hoạch

Tại TP.HCM, Sở Quy hoạch - kiến trúc đã đưa vào hoạt động ứng dụng thông tin quy hoạch TP.HCM. Người sử dụng có thể truy cập trực tiếp vào trang web http://thongtinquyhoach.hochiminhcity.gov.vn/ để xem thông tin về chức năng quy hoạch, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, tầng cao xây dựng cho phép của khu đất mà người dân quan tâm.

Riêng thông tin tình trạng pháp lý về chuyển nhượng, thế chấp, tranh chấp của khu đất, người dân phải tham khảo tại các văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh quận, huyện; các phòng công chứng.

Đà Nẵng: cơ sở dữ liệu chưa đủ để thực hiện

Ông Nguyễn Thành Quốc - giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai quận Cẩm Lệ (Đà Nẵng) - cho biết hiện nay các giao dịch về đất đai như cấp mới, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, đăng ký thế chấp… người dân phải đến thực hiện tại văn phòng đăng ký đất đai ở các quận huyện mà thửa đất đó được xác lập theo địa giới hành chính, gây khó khăn, mất thời gian của người dân.

Theo ông Quốc, chính quyền Đà Nẵng cũng đang muốn tiến tới giải quyết liên thông các thủ tục đất cho người dân trên toàn TP. Tuy nhiên, qua bàn thảo nhiều lần, do đô thị Đà Nẵng vẫn đang trong quá trình đô thị hóa, cơ sở dữ liệu địa chính chưa ổn định nên chưa thể giải quyết hồ sơ đất đai liên thông được.

VŨ TUẤN - HỮU KHÁ - TIẾN LONG

TP.HCM 2019: Năm đột phá cải cách hành chính và thực hiện Nghị quyết 54 của QH

TTO - Đó là chủ đề năm 2019 mà Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM thống nhất tại Hội nghị lần thứ 22 Ban chấp hành Đảng bộ thành phố khóa X. Hội nghị cũng thảo luận, góp ý thông qua 9 nội dung.

ÁI NHÂN - MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên