Máy bay Nga ném bom xuống vị trí của IS ở Syria. Giới quan sát nhận định không kích là không đủ để diệt IS - Ảnh: Reuters |
Sau vụ đánh bom máy bay Nga ở Ai Cập và cuộc tắm máu tại Paris, Pháp và Nga đã đồng ý hợp tác để mở chiến dịch tấn công IS tại Syria. Mỹ cũng cam kết hỗ trợ Pháp và cho biết đã tăng cường hợp tác cũng như chia sẻ thông tin tình báo với Pháp về IS.
“Như vậy Matxcơva, Paris và Washington đều có chung một quan điểm. Đó là tiêu diệt IS là ưu tiên hàng đầu. Đây là một sự chuyển đổi lớn” - Wall Street Journal dẫn lời nhà phân tích Vali Nasr, cựu cố vấn Bộ Ngoại giao Mỹ, nhận định.
Vấn đề Assad
Một dấu hiệu của sự hợp tác là Nga thông báo trước cho Mỹ về cuộc không kích của nước này vào Raqa, “thủ đô” của IS ở Syria. Tuần tới Tổng thống Pháp Francois Hollande sẽ hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin để lập liên minh toàn cầu chống IS.
Tuy nhiên, cản trở lớn nhất của liên minh này vẫn còn đang tồn tại. Đó là tương lai của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Trước đó phương Tây liên tục chỉ trích Nga không kích Syria chỉ để hỗ trợ ông Assad chứ không phải chống IS.
Hôm 17-11 ông Hollande vẫn tuyên bố ông Assad không thể là giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria. Chuyên gia Bruno Tertrais, cựu cố vấn Bộ Quốc phòng Pháp, nhận định dù Pháp ưu tiên diệt IS nhưng vẫn muốn lật đổ ông Assad.
“Chúng tôi chỉ có thể đưa ra những nhượng bộ nhỏ mang tính chiến thuật trước Nga chứ không thể đưa ra những nhượng bộ chiến lược lớn. Pháp sẽ không chấp nhận một cuộc bầu cử tổng thống ở Syria có sự tham gia của Assad” - ông Tertrais nhấn mạnh.
Các quan chức Mỹ cũng tuyên bố rất khó để thực sự hợp tác quân sự với Nga nếu Matxcơva vẫn ủng hộ ông Assad.
Một khó khăn nữa là các nước phương Tây không có kế hoạch triển khai bộ binh tại Syria để tiêu diệt IS và chỉ hạn chế ở các cuộc không kích. Tổng thống Mỹ Obama vẫn lo ngại nguy cơ sa lầy ở Syria.
Như vậy, liên minh toàn cầu thiếu vắng một thế lực trên bộ đủ mạnh, được sự ủng hộ của cả Nga và phương Tây, để chống IS.
Thiếu lực lượng trên bộ
Theo CNN, một số chuyên gia nhận định ở Syria hiện IS và quân đội Syria có ít đối thủ quân sự. Hiện hàng chục nhóm quân đang chiến đấu ở Syria.
Lực lượng Ả Rập Sunni lớn nhất chống IS và chính quyền Syria là Jaish al-Fateh, một liên minh giữa các nhóm ôn hòa nhưng đang ngày càng cực đoan (ví dụ như nhóm Ahrar al Sham bị Bộ Ngoại giao Mỹ đánh giá là cực đoan nhưng lên án vụ khủng bố Paris) và Mặt trận Al-Nusra, chi nhánh của Al-Qaeda ở Syria.
Liên minh này đã từng giành nhiều chiến thắng trước quân đội Syria và thời gian qua không quân Nga chủ yếu không kích nhóm này để ngăn chặn bước tiến của họ.
Trong khi đó, các nhóm được phương Tây ủng hộ và được đánh giá là “ôn hòa” thì nhỏ bé, thiếu tiền, bị gạt ra bên lề. Ví dụ lực lượng Syria mới do Bộ Quốc phòng Mỹ đào tạo chỉ tạo ra được 54 chiến binh.
Một nhóm ôn hòa khác là Mặt trận Dân chủ Syria cũng rất nhỏ và thiếu trang bị. Như vậy ở Syria có quá ít nhóm thân phương Tây để trở thành lực lượng quân sự trên bộ chống IS. Al-Qaeda mới thực sự là thế lực quân sự mạnh mẽ nhất đối trọng với chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad và IS.
Trong khi đó, lực lượng người Kurd có bất đồng sắc tộc và tôn giáo sâu sắc với người Ả Rập Sunni ở Syria. Người Kurd cũng không đủ sức mạnh để quản lý các thành phố lớn nếu giành được từ tay IS. Nghị sĩ Libăng Basem Shabb cho rằng các nước Ả Rập cần đưa quân vào Syria để chống IS.
Nhưng các nước như Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ hay Saudi Arabi từng tỏ ý rằng sẽ không muốn dính líu sâu đến mặt trận Syria nếu không có sự đảm bảo rằng ông Assad phải ra đi.
Máy bay ném bom Nga trên bầu trời Syria - Ảnh: Reuters |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận