13/06/2024 21:52 GMT+7

Liên minh châu Âu phạt Hungary 216 triệu USD

Tòa án Liên minh châu Âu yêu cầu Hungary nộp phạt 200 triệu euro vì chính sách người xin tị nạn đi ngược lại luật của khối, trục xuất trái luật người di cư.

Người tị nạn vượt hàng rào tại biên giới Hungary - Serbia - Ảnh: REUTERS

Người tị nạn vượt hàng rào tại biên giới Hungary - Serbia - Ảnh: REUTERS

Trong phán quyết ngày 13-6, Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) cho biết Hungary không tuân thủ luật pháp của EU bất chấp phán quyết năm 2020 rằng nước này phải duy trì các thủ tục quốc tế đối với người xin tị nạn.

Theo đó, Budapest đã không thực hiện các biện pháp để tuân thủ phán quyết năm 2020 liên quan đến quyền của người nộp đơn xin bảo vệ quốc tế được ở lại Hungary trong khi chờ quyết định cuối và người cư trú bất hợp pháp.

"Vì việc không thực hiện nghĩa vụ này vi phạm đặc biệt nghiêm trọng và chưa từng có đối với luật pháp EU nên tòa yêu cầu Hungary phải trả một khoản tiền 200 triệu euro (khoảng 216 triệu USD) và khoản phạt 1 triệu euro cho mỗi ngày chậm trễ", Hãng tin AFP dẫn tuyên bố của tòa.

Trước đó, chính quyền Thủ tướng Viktor Orban của Hungary lập luận rằng phán quyết năm 2020 là không cần thiết vì nước này đã đóng cửa "các khu vực quá cảnh", đồng thời thắt chặt các quy định nhằm cấm những người xin tị nạn trong tương lai.

Theo luật pháp hiện hành của Budapest, người xin tị nạn chỉ có thể nộp đơn bên ngoài biên giới Hungary, tại các đại sứ quán của nước này ở nước láng giềng Serbia hoặc Ukraine. Nước này cũng chặn những người tìm cách vượt biên giới.

Ông Orban đã phản ứng mạnh mẽ sau phán quyết. "Quyết định của ECJ phạt Hungary 200 triệu euro cộng với 1 triệu euro mỗi ngày vì tội bảo vệ biên giới của EU là quá đáng và không thể chấp nhận được. 

Có vẻ như những người di cư bất hợp pháp quan trọng đối với các quan chức Brussels hơn là công dân châu Âu của họ", ông viết trên mạng xã hội X.

Chính quyền ông Orban, người thường xuyên xung đột với EU trong nhiều vấn đề từ sự độc lập của cơ quan tư pháp Hungary đến việc gửi vũ khí tới Ukraine, từng tuyên bố vào năm 2021 rằng nước này sẽ duy trì chính sách liên quan đến những người xin tị nạn ngay cả khi tòa án châu Âu buộc Budapest phải điều chỉnh.

Đầu năm 2022, Ủy ban châu Âu đã nộp đơn thứ hai lên ECJ với cáo buộc rằng Hungary đã không thực hiện mọi biện pháp cần thiết để tuân thủ phán quyết năm 2020 của hội đồng xét xử.

Trước cuối năm nay, các nước thành viên EU phải trình bày kế hoạch quốc gia về cách áp dụng các quy định tị nạn mới sẽ có hiệu lực vào năm 2026.

Theo các quy định này, châu Âu sẽ siết chặt biên giới của khối đối với những người di cư bất hợp pháp, đẩy nhanh các thủ tục kiểm tra, đồng thời trục xuất nhanh hơn đối với những người được cho là không đủ điều kiện để xin tị nạn. Các trung tâm biên giới mới sẽ được thành lập để giữ người di cư trong khi chờ xem xét yêu cầu xin tị nạn của họ.

Các quy định mới cũng yêu cầu các nước EU phải chia sẻ bằng việc tiếp nhận hàng nghìn người xin tị nạn từ các quốc gia "tiền tuyến" như Ý và Hy Lạp, hoặc thay vào đó cung cấp tiền và các nguồn lực khác cho các quốc gia đang chịu áp lực.

Nghị viện châu Âu: các nước nên tiếp nhận đồng đều người tị nạn AfghanistanNghị viện châu Âu: các nước nên tiếp nhận đồng đều người tị nạn Afghanistan

TTO - Chủ tịch Nghị viện châu Âu David Sassoli gợi ý chia đều lượng người tị nạn từ Afghanistan cho các nước châu Âu, nói rằng EU có trách nhiệm tiếp nhận người tị nạn để tránh nguy cơ họ bị Taliban trả thù.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên