13/05/2014 16:47 GMT+7

Liên minh 16 tổ chức phi chính phủ kêu gọi ASEAN và LHQ hành động

HƯƠNG GIANG
HƯƠNG GIANG

TTO - "Trung Quốc đang tỏ ra thiếu nhận thức chung, hi vọng Trung Quốc nhanh chóng ngồi xuống để trao đổi, đàm phán hòa bình".

Đó là suy nghĩ chung của các tổ chức phi chính phủ quốc tế hoạt động tại Việt Nam khi dự buổi chia sẻ thông tin về tình hình biển Đông sáng 13-5 do Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO) tổ chức tại Hà Nội".

zo64TDZW.jpgPhóng to
Đại diện các tổ chức phi chính phủ quốc tế đã có mặt chật hội trường và phải đứng cả ngoài sảnh để nghe thông tin về tình hình biển Đông - Ảnh: Việt Dũng

Ngay tại buổi giới thiệu, liên minh 16 tổ chức phi chính phủ quốc tế đã ra tuyên bố chung, trong đó nêu lên sự quan ngại của các tổ chức phát triển tại VN, đồng thời ra lời kêu gọi các bên liên quan chấm dứt sự thù nghịch ở biển Đông và thống nhất dùng cơ chế giải quyết tranh chấp với sự trung gian của Liên Hiệp Quốc.

16 tổ chức này cũng kêu gọi các bên dùng biện pháp ngoại giao và hòa bình, không sử dụng đối đầu quân sự tại khu vực giàn khoan. Các tổ chức này kêu gọi Ban thư ký ASEAN và Liên Hiệp Quốc ra thông cáo để yêu cầu chấm dứt sự thù nghịch ở biển Đông cũng như cử các đoàn xác minh để thu thập thông tin và gợi ý giải pháp giải quyết xung đột. Họ cũng kêu gọi người dân và các tổ chức xã hội của ASEAN, Trung Quốc và Việt Nam cung cấp thông tin khách quan, huy động người dân bảo vệ quyền sống trong hòa bình của mình.

Tình hình lên đến mức nguy hiểm

“Sự phức tạp sẽ tăng lên nhiều lần nếu liên quan đến nước lớn, vượt trội về tiềm lực. Một nước lớn đang lên như Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai, ôm giấc mộng Đại Trung Hoa, thì phải có hành vi thỏa mãn các yêu cầu hòa bình, ổn định của các nước trong khu vực và trên thế giới. Phải có cách hành xử nước lớn có trách nhiệm. Nhưng các hoạt động này lại cho thấy sự vô trách nhiệm và có dấu hiệu ức hiếp các nước nhỏ hơn” - ông Tùng nói.

TS Nguyễn Vũ Tùng (Viện Nghiên cứu biển Đông)

TS Nguyễn Vũ Tùng (Viện Nghiên cứu biển Đông), một trong các diễn giả được mời đến buổi giới thiệu, cho biết tình hình quanh việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của VN đã “lên đến mức nguy hiểm”. Cách mô tả tình hình từ quan ngại lên nguy hiểm cho thấy biến chuyển căng thẳng, tạo ra tình huống có nguy cơ dẫn đến xung đột. Lực lượng của VN rất kiềm chế, nhưng sự kiềm chế nào cũng có giới hạn.

Ông Tùng đã trình bày sơ lược tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông. Theo đó, có tranh chấp song phương là Việt Nam và Trung Quốc cùng có yêu sách về quần đảo Hoàng Sa sau khi Trung Quốc dùng vũ lực để chiếm quần đảo Hoàng Sa năm 1974. Về vấn đề này, ông Tùng nói “Việt Nam tin tưởng về bằng chứng lịch sử, pháp lý của mình về chủ quyền ở đây".

Theo ông Tùng, sau khi đưa ra tuyên bố đường lưỡi bò năm 2009 mà không cung cấp được bất cứ bằng chứng nào làm cơ sở cho tuyên bố đó, Trung Quốc đã dồn dập thực hiện những động thái đơn phương, thậm chí sử dụng vũ lực, để hiện thực hóa tuyên bố đó như: cắt cáp tàu Bình Minh, chiếm bãi cạn Scarborough của Philippines khiến nước này phải tiếp tế lực lượng hải quân của mình trên đó bằng không vận, kéo giàn khoan HD-981 cách bờ biển VN chỉ 120 hải lý, chính thức đưa đảo Hải Nam thành một đơn vị hành chính mới, giao các chức năng hành chính để quản lý quần đảo Hoàng Sa -Trường Sa, tự ý đơn phương áp lệnh cấm đánh cá trong phạm vi đường lưỡi bò…

h1YxLOn1.jpgPhóng to
TS Nguyễn Vũ Tùng (Viện Nghiên cứu biển Đông) - Ảnh: Việt Dũng

Trung Quốc đe dọa tự do hàng hải của các tàu đi qua biển Đông

TS Nguyễn Thị Lan Anh (Học viện Ngoại giao) đã trình bày một cách rõ ràng, thuyết phục, dễ hiểu cho hàng trăm đại diện các tổ chức phi chính phủ quốc tế về các luận điểm trong luật pháp quốc tế cho thấy sự sai trái của Trung Quốc. Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp Hoàng Sa bằng sử dụng vũ lực - trái với Hiến chương Liên Hiệp Quốc; Trung Quốc đe dọa an ninh, an toàn hàng hải khi ngày 5-5, Cục Hải sự Trung Quốc ra lệnh cấm tàu thuyền qua lại trong phạm vi 3 hải lý tại vị trí giàn khoan “tác nghiệp”.

Theo bà Lan Anh, thông tin từ Cảnh sát biển Việt Nam cho biết khi tàu của Cảnh sát biển VN cách giàn khoan này 7-10 hải lý thì tàu thực thi pháp luật của Trung Quốc đã tiến hành đe dọa và tấn công. “Nếu điều này xảy ra với Cảnh sát biển VN thì có thể xảy ra với bất cứ tàu thuyền nào đi ngang qua. Điều này vi phạm quyền tự do hàng hải đã được Công ước Luật biển 1982 ghi nhận".

TS Lan Anh cũng lưu ý từ khi đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam, Trung Quốc chưa hề nhắc đến đường 9 đoạn. “Có lẽ phải chăng đường 9 đoạn yếu trên cơ sở pháp lý nên Trung Quốc không đưa ra trong lập luận của họ?” - TS Lan Anh nêu vấn đề.

Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an, một diễn giả khác tại buổi giới thiệu, cho biết trong thời gian tính từ 2010 đến nay, VN chưa hề được “sống yên ổn” với Trung Quốc vì năm nào Trung Quốc cũng có hành động gây hấn với VN. Nhưng khác với những lần trước, lần này phản ứng của VN và quốc tế đều nhanh hơn, mạch lạc và kiên quyết hơn.

TH7wrN6e.jpgPhóng to
Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an - Ảnh: Việt Dũng

Ông cũng cho biết một số người nêu lo lắng với ông về tương quan lực lượng. Nhưng ông khẳng định trong bang giao quốc tế và giải quyết tranh chấp quốc tế, nước nào cũng có hai nhân tố tạo nên sức mạnh: nhân tố vật chất không phải khi nào cũng có tính quyết định; còn nhân tố thứ hai là văn hóa - tinh thần - pháp lý: “Người VN có nhân cách hòa hiếu, bao dung; trước kẻ thù xâm lược thì người VN hết sức bất khuất, sáng tạo. Chúng ta lại có thế mạnh về pháp lý. Trung Quốc có sức mạnh vật chất nhưng không có sức mạnh đạo lý, pháp lý".

KWDi4uSm.jpgPhóng to
Một đại diện của 16 tổ chức quốc tế cho biết họ kêu gọi các bên dùng mọi biện pháp ngoại giao và chính trị có thể để giải quyết căng thẳng hiện nay - Ảnh: Việt Dũng
HƯƠNG GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên