Núi Cấm có hàng trăm hộ dân sinh sống bằng nghề trồng măng Mạnh Tông bán - Ảnh: BỬU ĐẤU
Ngày 3-9, ông Nguyễn Văn Đen - chủ vựa thu mua trái cây, nông sản Núi Cấm, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, An Giang - cho biết hiện đang là mùa thu hoạch rộ măng Mạnh Tông Núi Cấm. Mỗi ngày gia đình ông thu mua khoảng 15 tấn với giá dao động 2.500-6.000 đồng/kg.
So cùng kỳ thì sản lượng thu mua măng tăng 5 tấn/ngày nhưng giá cả thì giảm 2.000-3.000 đồng/kg.
"Bây giờ bà con thấy dịch tả heo châu Phi bùng phát nên ai cũng ngán ngại không ăn thịt heo. Heo mà hầm với măng Mạnh Tông là ngon nhất nhưng họ không ăn thịt heo nữa làm sao chúng tôi tiêu thụ măng đây. Giá măng giảm thê thảm, không bằng một ly cà phê", ông Đen nói.
Các công nhân dùng dao bào, gọt mỏng thịt măng Mạnh Tông để làm măng chua - Ảnh: BỬU ĐẤU
Cũng theo ông Đen, hiện ông chỉ bán ra thị trường chưa được 1/3 sản lượng thu mua 15 tấn mỗi ngày. Để đối phó với tình trạng "khủng hoảng" này, gia đình ông thuê nhiều công nhân lột vỏ măng để bào mỏng làm măng chua, cung cấp cho các chợ đầu mối lớn ở TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương...
"Bây giờ bán không được nên phải làm măng chua để chuyển đi nơi khác bán. Tuy nhiên, việc xử lý vỏ măng đang gặp khó khăn vì Xí nghiệp môi trường đô thị huyện Tịnh Biên thu gom rác nhưng đòi giá quá cao so với bình thường", ông Đen nói.
Cận cảnh các thùng chứa măng Mạnh Tông sau khi bào, gọt sạch để làm măng chua chuẩn bị đưa lên TP.HCM - Ảnh: BỬU ĐẤU
Nói về việc này, một lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh An Giang thừa nhận việc măng đặc sản không tiêu thụ được có liên quan đến dịch tả heo châu Phi.
"Dịch tả heo châu Phi đâu lây người. Do một số người dân không hiểu nên có tâm lý không ăn thịt heo nên không mua măng thôi. Tôi thấy ở TP Long Xuyên nhiều người vẫn ăn thịt heo bình thường", vị này nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận