12/12/2016 15:04 GMT+7

Liên kết làm gạo sạch

VÂN TRƯỜNG
VÂN TRƯỜNG

TTO - Nhiều doanh nghiệp đã ký hợp đồng với nông dân sản xuất lúa gạo và thưởng thêm nếu gạo khi kiểm tra không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Nông dân xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) thảo luận với cán bộ kỹ thuật để sản xuất lúa
gạo an toàn - Ảnh: V.TR.
Nông dân xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) thảo luận với cán bộ kỹ thuật để sản xuất lúa gạo an toàn - Ảnh: V.TR.

Mô hình giúp cả người dân, doanh nghiệp (DN) và người tiêu dùng đều được lợi này đang được nhân rộng ở nhiều nơi.

“Đã qua rồi thời ăn no và ăn ngon. Bây giờ tiêu chí chọn thực phẩm hàng đầu của người tiêu dùng là phải có nguồn gốc và an toàn. Khi nào tất cả nông dân đều sản xuất lúa gạo an toàn thì vị thế của gạo Việt trên thế giới sẽ được nâng cao

GS.TS Võ Tòng Xuân

Tăng lợi ích cho nông dân

Vào những ngày giữa tháng 12-2016, trà lúa vụ đông xuân ở các xã Mỹ Thành Nam và Mỹ Thành Bắc (Cai Lậy, Tiền Giang) đã được gần một tháng tuổi.

Sau khi đi thăm đồng, cán bộ kỹ thuật Công ty Lương thực Tiền Giang và Công ty CP Khử trùng VN cùng hơn 20 nông dân đã tập trung tại nhà ông Nguyễn Văn Hướng ở ấp 8, xã Mỹ Thành Nam để thảo luận.

Là tổ trưởng phụ trách cánh đồng lớn hơn 100ha của 147 hộ, ông Hướng nêu khi Công ty Lương thực Tiền Giang đề nghị ký hợp đồng sản xuất lúa an toàn, có kiểm định chất lượng thì người dân ai cũng đồng tình.

Theo ông Hướng, nhiều người đã sợ cảnh lội ruộng xịt thuốc triền miên, vừa tốn tiền vừa có hại cho sức khỏe...

Ông Nguyễn Văn Việt ở ấp 4, xã Mỹ Thành Bắc công nhận trước đây nông dân có thói quen ra đồng thấy sâu rầy là mua thuốc xịt, thậm chí xịt phòng ngừa nhưng bây giờ làm theo quy trình an toàn nên phải tuân thủ quy trình của cán bộ kỹ thuật, chỉ xịt tối đa 2-3 lần/vụ, chi phí giảm được khoảng 1 triệu đồng/ha.

Lúa không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật còn được thưởng thêm 150 đồng/kg. Tính ra khi tham gia cánh đồng lớn sản xuất lúa an toàn thì nông dân có thêm 2,2 triệu đồng/ha mà khỏe hơn những hộ khác.

Cùng thời điểm này, cánh đồng lớn 136ha của Hợp tác xã (HTX) số 2 Thường Lạc, xã Thường Thới Tiền (Hồng Ngự, Đồng Tháp) đã gieo sạ được hai tuần.

Ông Dương Hồng Dân - giám đốc HTX - cho biết 120 hộ xã viên đã sản xuất theo hợp đồng với DN tư nhân Công Bình ở tỉnh Long An. Công ty đưa giống đặc sản RVT để gieo sạ và bao tiêu với giá sàn 5.200 đồng/kg lúa tươi. Nếu thời điểm thu hoạch giá thị trường cao hơn thì công ty mua theo giá thị trường.

“DN đưa điều kiện rất đơn giản là khi nào cần xịt thuốc thì cán bộ kỹ thuật của DN quyết định. Mục tiêu là lúa gạo sản xuất ra không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật” - ông Dân kể và nêu mô hình này dân đang rất ủng hộ.

Đưa gạo an toàn lên ngôi

Ông Lê Thanh Khiêm - phó giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang - cho biết kể từ vụ đông xuân 2016-2017, công ty đã chuyển hẳn sang kinh doanh gạo an toàn có thể kiểm nghiệm chất lượng, gạo hữu cơ và đã ký hợp đồng với nông dân sản xuất ở 3.000ha.

Riêng lúa gạo sản xuất tại huyện Thạnh Phú (Bến Tre) hoàn toàn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chỉ sản xuất 1 vụ/năm theo mô hình “trên lúa, dưới tôm”, cho phát triển tự nhiên. Năng suất chỉ đạt 3-4 tấn/ha.

Gạo này được mang thương hiệu riêng để phục vụ một phân khúc khách hàng có nhu cầu.

Theo ông Khiêm, khi DN chuyển hẳn sang kinh doanh gạo an toàn, đã phải ký hợp đồng với nông dân. Công ty sẽ thưởng thêm 150 đồng/kg lúa nếu kết quả kiểm nghiệm lúa gạo không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Công ty cử cán bộ kỹ thuật xuống “cắm chốt” ở địa bàn để giám sát. Bao bì gạo an toàn của công ty đều có mã code để người tiêu dùng nhận diện và truy xuất nguồn gốc bằng điện thoại thông minh nhằm tránh mua nhầm hàng giả.

Ngày 7-12 vừa qua, IFC (thành viên của Ngân hàng Thế giới) cũng vừa ký dự án hỗ trợ một DN sản xuất gạo an toàn ở ĐBSCL để sản xuất theo các tiêu chuẩn của Tổ chức Lúa gạo bền vững (SRP).

Khoảng 4.000 nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long sẽ được tập huấn kỹ thuật sản xuất lúa gạo đạt chất lượng cao, an toàn và bền vững. Theo các chuyên gia, nếu theo tiêu chuẩn SRP, gạo VN sẽ được cả thế giới thừa nhận về chất lượng, an toàn.

Trước mắt, để đảm bảo gạo an toàn, theo GS.TS Võ Tòng Xuân, DN cần in mã vạch, mã code trên bao bì để người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc nơi sản xuất, kết quả kiểm nghiệm... Nếu bao bì không có thông tin truy xuất thì người tiêu dùng có quyền không tin và từ chối mua sản phẩm đó.

* Ông Trần Xuân Định (phó cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT):

Doanh nghiệp cần công khai

Nhiều DN đang tổ chức sản xuất lúa gạo theo tiêu chuẩn Mỹ, được xem là khắt khe nhất thế giới. Tuy nhiên, để gạo thực sự sạch, DN cần minh bạch thông tin về quy trình sản xuất, kết quả kiểm nghiệm gạo... để khách hàng và người tiêu dùng giám sát.

Cơ quan chức năng ở các địa phương cũng cần thường xuyên lấy mẫu kiểm nghiệm các sản phẩm gạo trên thị trường, công bố rộng rãi cho mọi người biết DN nào sản xuất gạo an toàn thật, DN nào lừa người tiêu dùng.

VÂN TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên