Liên kết "đầu ra" với "đầu vào"

VÂN TRƯỜNG THỰC HIỆN 19/10/2008 20:10 GMT+7

TTCT - Lúa gạo đang tồn đọng trong thời gian dài và chưa biết khi nào giải phóng hết đang làm hàng triệu nông dân ĐBSCL điêu đứng. TS LÊ VĂN BẢNH - viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL - cho rằng trong chuyện này ngoài “lỗi” của giống lúa IR 50404 còn có trách nhiệm của DN xuất khẩu lúa gạo, của Nhà nước và cả người nông dân trồng lúa.

Phóng to
TS Lê Văn Bảnh
TTCT - Lúa gạo đang tồn đọng trong thời gian dài và chưa biết khi nào giải phóng hết đang làm hàng triệu nông dân ĐBSCL điêu đứng. TS LÊ VĂN BẢNH - viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL - cho rằng trong chuyện này ngoài “lỗi” của giống lúa IR 50404 còn có trách nhiệm của DN xuất khẩu lúa gạo, của Nhà nước và cả người nông dân trồng lúa.

* Trong năm 2007 DN mua sạch lúa IR 50404 với giá cao thì bây giờ cũng chính họ quay lại chê giống này vì cho rằng chất lượng gạo kém. Theo ông, vì sao nông dân không chủ động trồng lúa chất lượng cao để dễ bán, bán có giá (lúa thơm chẳng hạn) mà cứ đổ xô đi trồng lúa kém chất lượng như IR 50404 để bây giờ ngồi khóc ròng như vậy?

- Câu hỏi tại sao nông dân không trồng cây này lại trồng cây khác, không trồng lúa chất lượng cao thay vì đổ xô trồng lúa IR 50404.... rất khó trả lời. Việc này ở nước ta gần như là căn bệnh trầm kha rồi. Vấn đề nằm ở chỗ: thứ nhất, thông tin dự báo thị trường còn kém; thứ hai, khâu lưu thông phân phối còn bỏ ngỏ; thứ ba, không có quy hoạch trong sản xuất (cung - cầu); thứ tư là mối liên kết bốn “nhà”, đặc biệt là doanh nghiệp và nhà nông, còn quá lỏng lẻo. Hai “nhà” này là “đối tác” của nhau nhưng sẵn sàng quay sang làm “đối thủ”.

Hậu quả cuối cùng lại do nông dân chịu vì khi có rủi ro thì DN đều đổ dồn hết cho nông dân. Bằng chứng rõ nhất là năm rồi lúa gạo hút hàng thì DN mua tất, còn bây giờ quay lại chê nông dân trồng lúa kém chất lượng. Mà DN không mua lúa thì nông dân lãnh đủ!

Hiện nay các giống lúa tốt, lúa thơm có rất nhiều. Tuy nhiên thông thường giống lúa chất lượng cao, lúa thơm thì năng suất vừa phải (thấp hơn IR 50404), trồng và chăm sóc kỹ hơn, thời gian sinh trưởng dài hơn. Vả lại do trong thời điểm sốt lúa gạo vừa qua thì giá của các giống chất lượng cao và IR 50404 chênh lệch không nhiều.

Mặt khác có thể các DN xuất khẩu cũng yêu cầu gạo chất lượng cao, nhưng thực tế các thương lái vào mua trực tiếp lúa của nông dân lại không thể hiện yêu cầu này. Nhiều nông dân lo lắng nếu sản xuất lúa gạo chất lượng cao thì cũng không ai ký hợp đồng bao tiêu. Đó là nguyên nhân những vụ vừa qua nông dân trồng nhiều giống IR 50404 chứ không phải là nông dân không biết.

Phóng to
Lúa chất đầy nhà bà Nâu. Đã thu hoạch hai vụ lúa nhưng bà Nâu cũng chưa bán được vì thương lái “chê” lúa IR 50404
* Dường như vai trò của ngành nông nghiệp các ông trong chuyện định hướng, quy hoạch sản xuất lúa khá mờ nhạt, có vẻ như bỏ mặc cho người nông dân chạy theo “ông” DN?

- Từ trước tới nay, khi chỉ đạo sản xuất lúa, riêng về giống, ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương, các nhà khoa học chỉ khuyến cáo bà con nông dân nên trồng giống lúa chất lượng cao, chống chịu được sâu bệnh..., còn việc trồng giống gì do nông dân tự quyết định, do đó nơi tạo ra và nhân giống (viện, trường, trung tâm giống, trung tâm khuyến nông) thường làm các điểm trình diễn, đánh giá các giống lúa tốt để nông dân đến xem, đánh giá và tự chọn.

Các đơn vị này muốn nhân nhiều giống lúa tốt, chất lượng cao không khó nhưng người nông dân có chịu sử dụng các giống này hay không lại là chuyện khác. Ngành nông nghiệp địa phương cũng khuyến cáo nhưng nông dân ít khi nghe theo. Do không có chế tài nên không thể bắt buộc dân làm giống gì được.

Thực tế cho thấy nông dân quan tâm nhiều về đầu ra. Khi thấy loại nào hút hàng, có giá thì đổ xô làm theo. Cũng chính vì DN mua lúa giá cao hồi cuối năm 2007 nên nông dân “chạy” theo IR 50404. Khi biết DN chê thì chắc chắn trong vụ tới ít có nông dân nào dám mạo hiểm với giống IR 50404.

* Theo ông, làm sao thay đổi được lối làm ăn chạy theo phong trào của nông dân và làm thế nào nâng cao được chất lượng, giá trị hạt gạo VN?

- Như tôi đã nói, bà con nông dân trồng lúa vì nồi cơm của mình, nên họ tính toán rất kỹ. Nếu giá các cấp loại lúa không chênh lệch nhiều, loại phẩm cấp thấp nhưng năng suất cao, đầu tư ít, dễ trồng và loại chất lượng cao, đầu tư nhiều, năng suất không cao... thì họ có ngay lời giải hiệu quả kinh tế.

Nếu chúng ta có dự báo thị trường tốt (cung - cầu, thời điểm), cải thiện khâu lưu thông phân phối, có quy hoạch vùng chuyên canh, thành lập nhiều hợp tác xã, tích tụ đất với trang trại lớn, từ đó có hợp đồng bao tiêu chặt chẽ giữa DN và nông dân... thì khi đó chẳng ai sản xuất lúa chất lượng thấp làm gì. Chẳng ai liều mạng sản xuất cái mà không ai mua cả. Tuy nhiên, với kiểu liên kết “bốn nhà” lỏng lẻo như thời gian qua, việc tăng diện tích trồng lúa chất lượng cao không dễ chút nào!

Nên trồng gì?

- Bà con nông dân nên chọn một số giống lúa chất lượng cao và có khả năng chống chịu với rầy nâu, có đặc tính thời gian sinh trưởng, năng suất gần giống với IR 50404 và OM 576 như OM 4088, OM 4101, OM 6561, OM 5464 và OM 4218.

Giống lúa OM 4088 có thời gian sinh trưởng 85-90 ngày, chiều cao 98-100cm, thân rạ cứng. Năng suất đạt 5-7 tấn/ha. Dạng hình cây lúa thấp cây, chín sớm, gạo thơm nhẹ, ngon cơm. Còn giống OM 4101 có thời gian sinh trưởng 85-90 ngày, chiều cao 98-103cm, thân rạ cứng. Năng suất đạt 5-7 tấn/ha. Dạng hình cây lúa thấp cây, chín sớm, gạo thơm nhẹ, ngon cơm. Giống OM 6561 có thời gian sinh trưởng 85-90 ngày, chiều cao 100-105cm, thân rạ cứng. Năng suất đạt 5-7 tấn/ha. Dạng hình cây lúa đẹp, chín sớm, gạo mềm, ngon cơm.

Giống OM 4218 có thời gian sinh trưởng 85-93 ngày, chiều cao 100-106cm, thân rạ cứng. Năng suất đạt 5-8 tấn/ha. Dạng hình cây lúa đẹp, chín sớm, gạo mềm, ngon cơm. Giống OM 5464 có thời gian sinh trưởng 85-93 ngày, chiều cao 100-104cm, thân rạ cứng. Năng suất đạt 5-8 tấn/ha. Dạng hình cây lúa đẹp, chín sớm, gạo mềm, ngon cơm. Tất cả năm loại giống này đều có khả năng chống chịu với bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận