Một giá hầu đồng ở huyện Gia Lâm, Hà Nội |
Theo ban tổ chức, sẽ có 16 nhóm thực hành văn hóa thực hiện phần nghi lễ hầu thánh, gồm các giá đồng như: Quan Đệ nhị, Quan Đệ nhất, Quan Đệ Tam, Chầu đôi, Chúa Thác Bờ, Ông Hoàng Bảy, Cô Bơ, Cô Bé, Ông Hoàng Mười, Cô Chín Giếng, Chầu Bát Nàn, Cậu Bé Đồi Ngang, Chầu Lục, Ông Hoàng Bơ, …được trình diễn tại liên hoan.
Trong đó, Hà Nội có 10 thanh đồng của các quận, huyện: Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Quốc Oai, Thanh Trì và 6 thanh đồng của các tỉnh bạn là Hải Phòng, Bắc Ninh, Hưng Yên và Lạng Sơn.
Mười sáu nhóm thực hành văn hóa này đã được ban tổ chức chọn lựa từ hơn 200 nhóm thực hành văn hóa tín ngưỡng thờ mẫu đã tham gia đợt một của liên hoan (cấp quận,huyện, thị xã) từ đầu năm đến nay…
Ngay trước buổi khai mạc, sáng 28-11, Sở VHTT và DL Hà Nội đã tổ chức buổi tọa đàm Bàn về công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động tín ngưỡng thờ mẫu tại các đề, phủ ở Hà Nội. Giáo sư Ngô Đức Thịnh, GS Tô Ngọc Thanh, và các thanh đồng đã đến tham dự. Các thanh đồng đã cùng có ý kiến về việc các cơ quan quản lý cần chấn chỉnh lại hoạt động tín ngưỡng này vì hiện nay hoạt động thực hành hoạt động tín ngưỡng bị biến dạng đi rất nhiều, thậm chí bị lợi dụng, trục lợi.
“Những biến dạng về nơi thờ cúng, nghi lễ, tượng thờ, hát chầu văn của tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam là đang diễn ra rất nguy hiểm. Nhưng, như thế không có nghĩa là chúng ta không thể đưa hoạt động này trở về với quỹ đạo vốn có. Mà nhân tố quan trọng là chính các đồng thầy hãy là những tấm gương về các chuẩn mực để các con nhang theo đó mà học mà làm”- Giáo sư Ngô Đức Thịnh nói.
Liên hoan sẽ diễn ra đến ngày 30-11.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận