99 đại biểu từ 11 quốc gia, 7 đại diện Hội Sinh viên Việt Nam tại các nước và 26 đại biểu sinh viên Việt Nam đang học tập tại các tỉnh thành cả nước cùng tham gia các hoạt động của Liên hoan sinh viên thế giới TP.HCM.
Sinh viên đi đầu tình nguyện vì cộng đồng
Chị Trần Thu Hà - phó bí thư Thành Đoàn, chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM - chia sẻ các đại biểu dự liên hoan đã và đang khẳng định vai trò xung kích trong sự phát triển bền vững của xã hội.
Sinh viên đi đầu trong các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng với tư duy sáng tạo, khả năng kết nối rộng, tiếp cận và áp dụng tri thức, công nghệ mới, sự nhiệt huyết và đam mê, không ngại thách thức, có tiếng nói và sức ảnh hưởng.
"Chúng tôi mong trở về sau liên hoan, các bạn sẽ tiếp tục học hỏi, sáng tạo, trau dồi bản thân mỗi ngày.
Hãy luôn giữ cho mình khát vọng cao đẹp, sử dụng kiến thức, kỹ năng và sự sáng tạo để đưa ra những giải pháp thiết thực cho cộng đồng, tích cực tham gia vào các dự án, hoạt động tình nguyện, các chương trình nghiên cứu phục vụ cộng đồng", chị Hà nói.
Trong khi đó, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy nói thanh niên, sinh viên có những sứ mệnh khác nhau, nhưng tựu trung đều mong để lại những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng.
"Ở bất cứ quốc gia, vùng lãnh thổ nào, thanh niên luôn được quan tâm và có vai trò quan trọng. Các bạn đang tiên phong tạo ra những con đường rộng mở, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững", bà Thúy phát biểu.
Cơ hội trải nghiệm, học hỏi
Đại biểu Lý Tuấn Anh (Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM) cho biết liên hoan kết hợp với Diễn đàn khoa học sinh viên quốc tế nên hàm lượng thông tin khoa học cũng nhiều hơn các chương trình bạn từng dự.
Ngoài chuyên môn, Tuấn Anh kỳ vọng học hỏi được từ sinh viên quốc tế những phương thức làm việc mới. Lý giải, bạn nói mỗi đại biểu không chỉ giao lưu mà còn chú trọng kiến thức, kỹ năng học thuật.
Còn đại biểu Đức Huy (Trường đại học Ngoại thương cơ sở II TP.HCM), một bạn trẻ hoạt động về môi trường và tham gia nhiều dự án, cảm thấy những sáng kiến được chia sẻ trong khuôn khổ liên hoan đã truyền năng lượng tích cực, cảm hứng, giúp mình học hỏi các cam kết hành động bảo vệ môi trường.
Lần đầu đến Việt Nam, diễn giả Krystal Inahid (Philippines) thích thú lắng nghe chia sẻ các sáng kiến về mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc.
"Liên hoan cung cấp những kiến thức đáng kể cho sinh viên và tất cả những người được mời tham dự trong sự kiện lần này. Từ đó có thể đổi mới và áp dụng trong cuộc sống hằng ngày, đặc biệt cho sinh viên như chúng tôi.
Những sáng kiến cũng giúp các quốc gia như Việt Nam và trong khu vực ASEAN có thể phát triển các giải pháp, biện pháp ứng phó các vấn đề liên quan đến khí hậu", Krystal nói.
Nhiều hiến kế từ người trẻ
Mang đến diễn đàn khoa học bài báo nghiên cứu về sự tích cực của du học sinh Việt Nam tham gia các hoạt động tình nguyện ở Liên bang Nga, chị Đặng Hải Loan - trưởng đoàn đại biểu đại diện Câu lạc bộ tình nguyện Vòng tay Việt - Nga (thuộc Hội Sinh viên Việt Nam - Ban cán sự Đoàn tại Liên bang Nga) - cho biết các du học sinh Việt Nam rất khao khát được góp sức để xây dựng cộng đồng, xã hội.
"Tôi mong muốn cho bạn bè quốc tế thấy được hình ảnh con người Việt Nam với sức trẻ và tinh thần sẵn sàng cho các hoạt động tình nguyện dù ở địa phương hay bước ra thế giới", chị Loan chia sẻ.
Thảo luận về chuyển đổi số và thiết lập mạng lưới sinh viên thông qua các nền tảng số, đại biểu nhấn mạnh đây là xu hướng tất yếu. Vì vậy, sinh viên cần tận dụng công nghệ mới để tăng cường kết nối, hợp tác và chia sẻ kiến thức.
Trong khi đó, bàn về nâng cao nhận thức công dân toàn cầu trong cộng đồng thanh niên và sinh viên, một số ý kiến nói có thách thức và hạn chế như sự đa dạng văn hóa, khoảng cách giáo dục giữa nông thôn và thành thị, thiếu cơ hội để thanh niên lên tiếng và tham gia giải quyết các vấn đề của đất nước.
Các bạn cũng cho rằng người trẻ thiếu cơ hội tiếp cận giáo dục bậc cao, nhận thức về các vấn đề toàn cầu còn hạn chế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận