Bốn trong số các "ứng cử viên" châu Á (từ trái sang): The Lowlife, We the Dead, The Home và The Looming Storm - Ảnh: TIFF
Diễn ra từ ngày 25-10 đến 3-11, Liên hoan phim quốc tế Tokyo lần thứ 30 có hơn 200 bộ phim được trình chiếu, 15 phim tranh giải Tokyo Grand Prix (Giải thưởng lớn).
Ông Yoshi Yatabe, người tuyển chọn phim tranh giải Liên hoan phim quốc tế Tokyo, cho biết:
"Phim tranh giải Liên hoan phim quốc tế Tokyo phải gây cảm giác tò mò nơi người xem, giới thiệu được thông điệp mới, thể hiện góc nhìn chuyên nghiệp và cá tính của đạo diễn.
Mục tiêu của tôi là chọn ra ngày càng nhiều phim châu Á từ các đạo diễn trẻ cho "danh sách đặc biệt" (tranh giải). Và tôi luôn nóng lòng chờ một cái tên từ Việt Nam!".
Tommy Lee Jones - trưởng ban giám khảo chấm giải Liên hoan phim quốc tế Tokyo (TIFF) 2017 - ví rằng thị trường điện ảnh châu Á đôi khi chỉ được cho là ở "ngoài rìa Thái Bình Dương".
Tuy nhiên ông thấy "vinh dự và tự hào được làm thành viên giám khảo để hòa mình vào cảm xúc và thấu hiểu trí tuệ của mọi người tại tâm điểm - chứ không phải ở ngoài rìa - của việc làm phim".
Các suất chiếu thường đầy khán giả
Điều Tommy Lee Jones nói không theo kiểu ngoại giao "lấy lòng", mà là thực tế đang diễn ra tại Tokyo.
Ban giám khảo có 3/5 là người châu Á: đạo diễn Iran Reza Mirkarimi, đạo diễn - diễn viên Triệu Vy và nam diễn viên nước chủ nhà Nhật Bản Masatoshi Nagase.
Trong 15 phim được chọn tranh giải có phim của Nhật, Iran, Trung Quốc và Malaysia (We the Dead kể về một phụ nữ vì mưu sinh đã tham gia đường dây buôn người).
Thời tiết Tokyo mưa nhiều từ ngày khai mạc Liên hoan phim quốc tế Tokyo 2017, nhưng không khí các rạp chiếu bóng luôn nhộn nhịp. Các suất chiếu thường đầy ắp khán giả.
Gặp chúng tôi ở cụm rạp chiếu phim tại Roppongi Hills, Esin Kucuktepepinar - nữ cố vấn cấp cao của Quỹ Istanbul cho nghệ thuật và tương lai - bình phẩm:
"Sau nhiều năm tham dự Liên hoan phim quốc tế Tokyo, gần đây tôi thấy các phim châu Á có sự cải thiện rõ rệt. Nhiều phim châu Á, nhất là Đông Nam Á, tạo ấn tượng lớn nơi tôi".
Sự chú trọng đến nền điện ảnh các nước Đông Nam Á với mục tiêu góp phần giúp phim ảnh khu vực này phát triển được thể hiện rõ ở Liên hoan phim quốc tế Tokyo 2017, với hạng mục các phim trình chiếu trong chương trình Crosscut Asia (Lát cắt điện ảnh châu Á) vốn được The Japan Foundation Asia Center (Trung tâm châu Á thuộc Quỹ Nhật Bản) tài trợ.
Bộ phim Cha và con và... của đạo diễn Phan Đăng Di có hai suất chiếu tại liên hoan phim rất thành công khi bán hết vé từ sớm và được khán giả Nhật đón nhận nhiệt tình.
Phan Đăng Di và nam diễn viên chính Lê Công Hoàng có cơ hội trò chuyện với khán giả và nói lên tâm huyết, suy nghĩ khi làm ra bộ phim nghệ thuật này.
Trong cuộc trao đổi với chúng tôi, ông Kenji Ishizaka - giám đốc chương trình Tương lai châu Á thuộc Quỹ Nhật Bản (Japan Foundation) - đánh giá:
"Phan Đăng Di là một đạo diễn trẻ vô cùng tài năng và biết cách tạo sự khác biệt. Chúng tôi rất vui khi giới thiệu phim của Phan Đăng Di, bản thân tôi chờ đợi anh ấy có thêm nhiều phim xuất sắc".
Những lời chia sẻ "ruột gan"
Ngày càng nhiều đoàn làm phim, chuyên gia, công ty truyền thông từ các nước Đông Nam Á đến Liên hoan phim quốc tế Tokyo giao lưu về nghề.
Như Kirsten Tan (36 tuổi) - nữ đạo diễn duy nhất xuất hiện trong Crosscut Asia lần này với bộ phim Pop Aye (được Singapore cử đi dự tranh Oscar 2018) - kể chuyện vạn sự khởi đầu nan khi làm việc với những "diễn viên" không chuyên như... voi.
"Thật khó để "yêu cầu" nó phải diễn thế nào. Đôi lúc tôi cho máy quay chạy liên tục để chọn ra những khoảnh khắc xuất thần của "diễn viên" đặc biệt này. Cuối cùng, không ngờ chú voi lại là diễn viên diễn tốt nhất trong phim!".
Thế là mọi người trong khán phòng ở Tokyo cười ồ, tâm đắc với Kirsten Tan.
Đạo diễn lừng danh người Philippines Brillante Ma Mendoza khi đến Liên hoan phim quốc tế Tokyo 2017 chia sẻ thẳng thắn chuyện các đạo diễn trẻ "hay gặp sai lầm là ôm đồm tất cả nhét vào phim" và mách nước rằng: "Hãy làm bộ phim đơn giản thôi để tập trung nêu rõ ràng thông điệp".
Những lời chia sẻ "ruột gan" của các nhân vật lớn ở liên hoan phim cũng được nhiều nhà làm phim trẻ lắng nghe.
Như đạo diễn người Pháp Martin Provost (từng làm phim Seraphine, Violette) bày tỏ trong buổi họp báo ban giám khảo rằng: "Tôi mong xem những bộ phim cho chúng ta thấy điều gì đang xảy ra và đưa khán giả đến các vùng đất khác nhau".
Một gương mặt quen thuộc với khán giả Việt, đạo diễn - diễn viên Triệu Vy lại bày tỏ: "Tôi sẽ xem câu chuyện, hình ảnh thể hiện được làm ra sao và bộ phim dẫn dắt người xem đi đến đâu".
Ngôi sao kỳ cựu Tommy Lee Jones thì bình luận: "Những gì tạo ra một bộ phim gắn kết là những gì chúng ta trải nghiệm cùng với yếu tố con người. Tôi nghĩ ai cũng có sự quan tâm sâu sắc, chân thành về những gì phổ quát trong đời sống tình cảm và trí tuệ của con người".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận