Issac (phim Tấm Cám) chụp hình chung với Oh Yeon Joo - vai nữ chính phim Two Words tại LHP Busan - Ảnh FBNV |
Tấm chân tình đối với điện ảnh Việt
Sự quan tâm đến điện ảnh châu lục của Liên hoan phim (LHP) Busan là một sự quan tâm có chiều sâu, thể hiện một cách nhìn vừa cập thời, khách quan với những gì đang diễn ra trong khu vực.
Chính Busan đã bền bỉ giới thiệu đến khán giả bộ sưu tập đầy đủ nhất các phim độc lập nghệ thuật của Việt Nam thời gian gần đây như: Đó hay đây (Siu Phạm), Nước 2030 (Nguyễn Võ Nghiêm Minh), Dịu dàng (Lê Văn Kiệt), Cha và con và... (Phan Đăng Di)...
Riêng năm nay, hai bộ phim Việt được Busan chọn dường như cũng nằm ở hai thái cực. Thành phố những tấm gương - một tiểu sử tự thuật của Trương Minh Quý, với ngân sách vẻn vẹn 13.000 USD - một điển hình của phim độc lập Việt Nam kinh phí cực thấp được đặt cạnh phim bom tấn triệu đô Tấm Cám - chuyện chưa kể của Ngô Thanh Vân trong hạng mục “Cửa sổ điện ảnh châu Á” đã tả đúng diện mạo đương đại của điện ảnh Việt, khi mọi khát khao đều bắt đầu tìm được chỗ đứng, dù khát khao vươn thành một nền điện ảnh mạnh trong khu vực thì vẫn còn xa.
Chợ dự án phim châu Á (Asian Project Market - APM) là nơi chứng kiến rõ nhất những “toan tính” đầy chất nhân văn của Busan khi tạo không gian cho các đạo diễn dòng phim độc lập, nghệ thuật châu lục tiếp cận các cơ hội đầu tư hợp tác sản xuất phim.
Đây là năm thứ ba liên tiếp Việt Nam có dự án phim được mời, và năm nay Phạm Ngọc Lân, sau khi trở về từ LHP Berlin hồi đầu năm với Thành phố khác (Another city - phim ngắn đầu tiên của Việt Nam được chọn vào hạng mục dự thi chính thức) mang đến Busan dự án phim truyện dài đầu tay Cu li không bao giờ khóc (Cu li never cries).
Nếu Lân, với sự khởi đầu mang dấu ấn Busan này, có thể hoàn thành được phim và mang “con culi” của mình đi xa như Nguyễn Hoàng Điệp và Phan Đăng Di làm được với Đập cánh giữa không trung và Bi, đừng sợ!, sau APM các mùa trước, thì mối duyên giữa Busan và các nhà làm phim Việt sẽ tiếp tục sinh ra trái ngọt.
Cảnh trong phim tài liệu The Truth Shall Not Sink with Sewol - Ảnh: hancinema |
Hiệu ứng từ 1 con phà chìm
LHP Busan năm nay bất ngờ đón một cơn bão mạnh quét qua ngay trước ngày khai mạc, hất tung các căn lều và những địa điểm chiếu phim công cộng được dựng lên dọc bãi biển vốn rất náo nhiệt suốt mỗi kỳ liên hoan.
Cơn bão rớt tình cờ này dường như gợi nhắc một cơn bão khác thổi tơi bời LHP lớn và uy tín bậc nhất châu Á này suốt hai năm qua mà nhiều người tin là nó vẫn chưa thực sự kết thúc.
Xìcăngđan bắt đầu năm 2014 sau thảm họa chìm phà Sewol rúng động cả Hàn Quốc. LHP Busan lúc đó, dưới sự dẫn dắt của ông giám đốc Lee Yong Kwan quyết định công chiếu bộ phim tài liệu The truth shall not sink with the Sewol (Sự thật sẽ không chìm cùng phà Sewol) phơi bày hiện tình đau xót xung quanh vụ chìm phà làm chết 304 người, cũng như chỉ trích mạnh mẽ sự yếu kém của chính phủ trong việc ứng phó với thảm họa.
Chính quyền thành phố Busan, nằm dưới quyền của bà tổng thống Park Geun Hye, yêu cầu ông Lee rút phim này ra khỏi chương trình, nhưng chỉ nhận được một lời từ chối thẳng thừng.
Nếu LHP Busan quyết liệt giữ vị thế độc lập trong việc chọn phim, thì ông thị trưởng thành phố Busan Suh Byung Soo - người đồng thời nắm vị trí chủ tịch LHP - cũng quyết liệt không kém khi dùng quyền của người đứng đầu thành phố cắt giảm ngân sách dành cho liên hoan.
Căng thẳng giữa hai bên bị đẩy đến cực điểm khi thành phố đưa ra cáo buộc “làm thất thoát công quỹ” với ông Lee, sau thất bại trong nỗ lực buộc ông từ nhiệm.
Trước đó, hành động cứng rắn thái quá này của chính quyền Busan gặp phải một làn sóng chỉ trích toàn cầu. Giám đốc của bốn LHP lớn nhất thế giới là Cannes, Berlin, Venice và Toronto gửi thư ngỏ công khai phản đối sự can thiệp của chính quyền Busan tới LHP, đồng thời tuyên bố sát cánh cùng ông Lee và ban tổ chức LHP do ông điều hành.
Nhiều nghệ sĩ quốc tế theo lời kêu gọi của ban tổ chức tự quay clip, chụp hình với thông điệp phản đối gửi đến Chính phủ Hàn Quốc và chính quyền Busan, gây ra một hiệu ứng truyền thông quốc tế chưa từng thấy.
Mỹ nhân có nụ cười đẹp nhất Han Hyo Joo trên thảm đỏ LHP Busan 2016 - Ảnh: Mydaily |
“Cứu hộ” LHP trước khi quá muộn
Ở thời điểm hiện tại, dưới sức ép của dư luận và cũng xuất phát từ một nguy cơ hiện hữu là LHP có thể sẽ bị nhấn chìm vào một cuộc khủng hoảng không hồi kết ảnh hưởng xấu tới danh tiếng không chỉ của Busan mà cả Hàn Quốc nếu cuộc chiến LHP - chính quyền thành phố cứ tiếp tục, một giải pháp tình thế được đưa ra.
Ông Suh Byung Soo - thị trưởng Busan - rời vị trí chủ tịch LHP, đổi lại, ông Lee Yong Kwan cũng sẽ thôi giữ vai trò giám đốc LHP và phải ra tòa trong cáo buộc “thất thoát công quỹ” ngay trong tháng này.
Chính quyền thành phố Busan, khi bắt đầu chiến dịch phản công LHP do họ góp phần lập nên có lẽ đã không cân nhắc đầy đủ một thực tế là “đứa con” 21 tuổi của họ nay trở thành một LHP hàng đầu châu Á và có tầm ảnh hưởng toàn cầu.
Một thiết chế văn hóa như vậy lớn mạnh được như ngày hôm nay là nhờ tinh thần tôn trọng tự do sáng tạo, tự do biểu đạt, tôn trọng quyền giao lưu rộng mở giữa các nghệ sĩ, các nền văn hóa qua điện ảnh...
Và may mắn là người Hàn, rút kinh nghiệm từ sự chậm trễ, quan liêu vốn làm trầm trọng thêm rất nhiều thảm họa phà Sewol, đã tìm được cách ngăn không để một LHP danh tiếng như Busan chìm vào thảm họa tương tự.
Bắt đầu từ năm nay, ông Kim Dong Ho, người 21 năm trước khai sinh và lèo lái LHP Busan đến vị trí dẫn đầu châu Á, đã trở lại.
Vai trò hòa giải và thiết lập lại danh tiếng của Busan một lần nữa lại được đặt lên vai người đàn ông đáng kính xin về hưu từ năm năm trước này.
Busan, chắc sẽ cần một thời gian nữa để lấy lại không khí huy hoàng đã mất, nhưng hình ảnh vị tân chủ tịch ngoài 80, vừa quay lại đã xuất hiện trước truyền thông cầu xin giới điện ảnh ngừng tẩy chay liên hoan, rồi kể từ hôm khai mạc từ sáng tới tối dự đủ các hoạt động ra mắt phim, hội nghị, chiêu đãi, tiếp tân chỉ để kéo mọi người sát lại gần nhau sau cơn khủng hoảng...
Tất cả cho thấy dù thế nào nền điện ảnh Hàn sẽ vẫn lớn mạnh nếu còn những con người mạnh mẽ và nhẫn nại như thế.
Có 165.149 khán giả đến xem phim tại LHP năm nay (giảm 27,4% so với năm ngoái, chủ yếu do tình hình thời tiết ảnh hưởng bão). Chợ phim châu Á nằm trong khuôn khổ LHP có 1.381 người tham dự thuộc 742 công ty đến từ 47 quốc gia. Giải thưởng quan trọng nhất của LHP (New Currents Award) được trao cho hai bộ phim đều của Trung Quốc là The Knife in the clear water (đạo diễn Vương Học Bác) và The Donor (Trương Khải Vũ). Giải nam và nữ diễn viên xuất sắc đều thuộc về nước chủ nhà Hàn Quốc: Gu Gyo Hwan và Lee Min ji (phim Jane). Giải Nhà làm phim châu Á năm nay thuộc về đạo diễn Abbas Kiarostami (Iran). (TR.N - theo 21st BIFF Final Report) |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận