Công nhân khai thác cát ở Ấn Độ - Ảnh: GETTY IMAGES
Theo báo cáo mới nhất tổ chức này, hiện tại xét trên đơn vị thể tích, cát là nguồn tài nguyên con người sử dụng nhiều thứ hai trên thế giới, chỉ sau nước.
"Cát là nguyên liệu cơ bản xuất hiện trong mọi mặt đời sống chúng ta, đặc biệt trong xây dựng, nó là thành phần chính trong xi măng, nhựa đường, thủy tinh…" - báo cáo viết.
Tuy nhiên, nguồn cung cấp cát hiện tại không đáp ứng được nhu cầu. Liên hiệp quốc gọi đây là "một trong những thách thức lớn nhất với sự ổn định trong thế kỷ 21". "Nóng" nhất là ở châu Á và châu Phi, khi nhu cầu xây dựng đường xá, cao ốc, nhà cửa bùng nổ.
Theo dự báo, đến năm 2060, nhu cầu cát trên thế giới sẽ lên đến 82 tỉ tấn - con số khổng lồ.
Khai thác cát trên sông Mekong, đoạn qua thủ đô Viêng Chăn, Lào - Ảnh: GETTY IMAGES
Trái đất "thừa" cát ở sa mạc nhưng loại cát này không thể dùng làm vật liệu xây dựng, do đó nguồn cung cát chủ yếu hiện nay là từ các mỏ ở biển hoặc sông ngòi.
Khi số lượng cát khai thác vượt ngưỡng chịu đựng của thiên nhiên, môi trường ngay lập tức chịu nhiều tác động tiêu cực như sông ngòi thay đổi dòng chảy, đất đai sạt lở, sinh vật dưới nước ít dần…
Tuy nhiên, nhu cầu cao đẩy giá thành cát ở nhiều quốc gia ngất ngưỡng, từ đó ra đời các tổ chức buôn lậu hay "mafia cát", điển hình như ở Ấn Độ hay Ma Rốc…
Theo nhà môi trường học Pascal Peduzzi từ Ban Khoa học thuộc Liên hiệp quốc, báo cáo mới đây là nỗ lực trên phạm vi toàn cầu đầu tiên nhằm tìm ra những giải pháp dứt điểm các vấn đề liên quan đến cát trên thế giới.
Ông Peduzzi kể lại trong một lần đến Jamaica nghiên cứu xói mòn bờ biển, ông nghe được từ những người dân trong một làng chài rằng nhiều đêm những tên cướp đến làng với súng, xe ủi và lấy đi cát và cả bờ biển của họ.
"Tôi bàng hoàng khi hay chỉ vì cát bọn chúng sẵn sàng giết người" - ông Peduzzi nói.
Một bãi khai thác của "mafia cát" ở Ấn Độ - Ảnh: Wall Street Journal
Trong báo cáo, Liên hiệp quốc cũng khuyến khích các quốc gia nỗ lực tìm những giải pháp thay thế cho cát tự nhiên, đồng thời đưa ra những chính sách mạnh mẽ hơn để hạn chế tình trạng khai thác cát bất hợp pháp hiện nay.
Một trong những hướng giải quyết được đề xuất là tái sử dụng các nguyên vật liệu, đặc biệt ở những nước phát triển với khối lượng hạ tầng rất lớn.
Chẳng hạn ở Đức, 87% vật liệu xây dựng bỏ đi đã được tái chế phục vụ cho các công trình tiếp theo.
Hạn chế xây dựng các công trình không cần thiết cũng là một hướng đi. Báo cáo cho biết cần giảm bớt những dự án xây dựng không cần thiết, nhất là các công trình chỉ mang tính phô trương hay làm đẹp.
Một bãi khai thác cát biển ở Jamaica - Ảnh: GETTY IMAGES
Nhà địa chất học Minik Rosing từ ĐH Copenhagen (Đan Mạch) cho rằng những khuyến cáo của Liên hiệp quốc đưa ra rất đúng thời điểm những cuộc "săn" cát đang nóng hổi trên toàn cầu.
"Cát là nguồn tài nguyên xuyên quốc gia, và khai thác cát quá mức rõ ràng cũng để lại những ảnh hưởng xuyên quốc gia" - ông Rosing nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận