Đầu tiên là các quan chức Israel đã kêu gọi Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres từ chức. Kế đến, một quan chức nhân quyền hàng đầu từ chức và gửi một lá thư giận dữ viện dẫn "sự diệt chủng", trong khi các nhà ngoại giao tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đang khiển trách nhau vì quá mềm mỏng với Hamas.
Và mọi chuyện càng trở nên tồi tệ hơn khi số lượng nạn nhân của xung đột tăng lên, trong đó có ít nhất 9.000 người chết ở Dải Gaza và 1.400 người thiệt mạng ở Israel. Bên cạnh đó, có hơn 70 nhân viên Liên Hiệp Quốc đã thiệt mạng trong cuộc xung đột này.
"Bạn có thể cảm nhận được sự căng thẳng - đó chắc chắn là một cuộc khủng hoảng lớn. Những con số thực sự đáng kinh ngạc", một nhà ngoại giao từ một quốc gia thành viên Hội đồng Bảo an đề nghị không nêu tên cho hay.
Theo báo Politico, những căng thẳng này làm dấy lên câu hỏi liệu Liên Hiệp Quốc có phải là diễn đàn hữu ích để giải quyết vấn đề hay chỉ đang là nơi để bày tỏ bất bình.
Cuộc tấn công ban đầu của phong trào kháng chiến Hồi giáo Hamas của người Palestine đã thu hút nhiều sự chỉ trích tại Liên Hiệp Quốc, bao gồm cả Tổng thư ký Antonio Guterres. Nhưng Hội đồng Bảo an - cơ quan quyền lực nhất của Liên Hiệp Quốc - ngay lập tức bị chia rẽ.
Trong khi Mỹ yêu cầu các quốc gia lên án đích danh Hamas, một số nước được cho là đã từ chối và chọn cách lên án chung chung các cuộc tấn công vào dân thường.
Những ngày sau đó, Nga và Mỹ tranh cãi về nội dung các nghị quyết của Hội đồng Bảo an, mỗi bên cáo buộc bên kia có ý đồ xấu và đưa ra những mô tả khác nhau về quan điểm thực sự của họ.
Các thành viên bất đồng về việc có nên kêu gọi ngừng bắn hay không, có nên cho rằng Israel có quyền tự vệ và có đề cập đến cuộc tấn công ban đầu trong các tuyên bố hay không.
Đặc biệt, Mỹ đã phản đối lời kêu gọi ngừng bắn, cho rằng động thái như vậy sẽ làm suy giảm khả năng tự vệ của Israel. Mỹ thay vào đó ủng hộ "tạm dừng nhân đạo" - khoảng thời gian tạm lắng trong giao tranh có thể kéo dài chỉ vài giờ.
Cho đến nay, chưa có nghị quyết nào liên quan đến xung đột Israel - Hamas được Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên thông qua. Nghị quyết do Nga ủng hộ nhận được quá ít phiếu bầu. Nghị quyết do Brazil đề xuất giành được đủ số phiếu bầu đã bị Mỹ phủ quyết, trong khi nghị quyết do Mỹ khởi xướng có đủ số phiếu bầu đã bị Nga và Trung Quốc phủ quyết.
Nhưng Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc gồm 193 thành viên, nơi các cường quốc không có quyền phủ quyết, đã thông qua một cách áp đảo nghị quyết không mang tính ràng buộc do Jordan và các quốc gia Ả Rập khác dẫn đầu, kêu gọi đình chiến nhân đạo. Biện pháp này cuối cùng đã được thông qua với 121 phiếu ủng hộ, 14 phiếu chống và 44 phiếu trắng.
Mỹ đã bỏ phiếu chống, một phần vì nghị quyết không đề cập cụ thể đến Hamas hoặc các con tin. Nhưng ngay cả một số đồng minh truyền thống của Mỹ như Úc và Anh cũng bỏ phiếu trắng thay vì đứng về phía Mỹ.
Các đồng minh của Mỹ đã phải vật lộn để duy trì nhiều lợi ích khác nhau, bao gồm mong muốn giữ mối quan hệ tốt đẹp với các nước Ả Rập mà không nhất thiết phải làm phiền lòng Israel hay Mỹ.
Phó đại diện thứ nhất của Nga tại Liên Hiệp Quốc Dmitry Polyansky chỉ trích Mỹ khi đặt câu hỏi: Nga nhắm vào cơ sở hạ tầng quân sự của Ukraine chứ không phải dân thường, trong khi Mỹ muốn lên án hành động tàn bạo mà lại không lên án những gì Israel đang làm ở Gaza?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận