Xe hơi cổ của Mỹ di chuyển gần khách sạn Habana Libre tại Cuba - Ảnh: AFP
Theo hãng tin AP, nghị quyết vừa được thông qua tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày 7-11 cũng đã chỉ trích việc chính quyền ông Trump gia tăng các biện pháp hành xử quá khắc nghiệt với quốc đảo vùng Caribê.
Cụ thể, kết quả bỏ phiếu của thể chế quốc tế gồm 193 quốc gia thành viên cho thấy có 187 phiếu thuận, 3 phiếu chống của Mỹ, Israel và Brazil, hai nước Colombia và Ukraine bỏ phiếu trắng.
Năm ngoái, cũng với nghị quyết này, kết quả bỏ phiếu là 189 phiếu thuận, 2 phiếu chống của Mỹ và Israel và không có phiếu trắng.
Năm nay cũng là năm thứ 2 Moldova không tham gia bỏ phiếu.
Mặc dù các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc không có tính ràng buộc pháp luật và không thể thực thi, song chúng phản ánh quan điểm của thế giới về một vấn đề, và việc phê chuẩn nghị quyết này của Liên Hiệp Quốc tạo điều kiện để mỗi năm, Cuba lại làm rõ thêm tình thế cô lập của Mỹ trong chính sách cấm vận với họ.
Mỹ áp đặt cấm vận kinh tế với Cuba từ năm 1960 sau cuộc cách mạng do Fidel Castro lãnh đạo thành công và sau giai đoạn quốc hữu hóa của Cuba với những tài sản thuộc về các tổ chức và cá nhân người Mỹ. Hai năm sau khi áp đặt, Washington tiếp tục siết chặt thêm chính sách này.
Chính phủ bảo thủ của Tổng thống Brazil, ông Jair Bolsonaro, là chính quyền đầu tiên tại châu Mỹ Latin trong 5 năm qua bỏ phiếu chống nghị quyết của Liên Hiệp Quốc.
Ngoại trưởng Cuba, ông Bruno Rodriguez, cho biết chính quyền của ông Trump đã "ráo riết tăng cường" việc thực thi cấm vận với các nước khác, và đã cố tình ngăn cản hoạt động vận tải biển tới Cuba "bằng các lệnh trừng phạt và đe dọa với tàu thuyền, các công ty vận tải biển và các hãng bảo hiểm".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận