12/12/2012 06:00 GMT+7

Liên Hiệp Quốc kêu gọi: Cam kết toàn cầu với UNCLOS

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TT - Nhân kỷ niệm 30 năm Công ước Liên Hiệp Quốc (LHQ) về Luật biển (UNCLOS), ngày 10-12, Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon đã kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục nỗ lực để đưa tất cả các quốc gia tham gia UNCLOS.

UNCLOS: một văn kiện được mô tả là “hiến pháp của đại dương”.

nWLfFlv9.jpgPhóng to

Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon nhấn mạnh UNCLOS là nhân tố quan trọng đối với phát triển bền vững - Ảnh: LA Times

“Tôi rất mừng vì sự ủng hộ dành cho UNCLOS đã tăng mạnh trong những năm qua - trang web LHQ dẫn tuyên bố của ông Ban Ki Moon - Như một bản hiến pháp, đó là nền tảng vững chắc, một văn kiện bền vững đảm bảo trật tự, ổn định, khả năng dự báo và an ninh, tất cả các vấn đề đều dựa trên luật định”. UNCLOS bao gồm quy định trên mọi khía cạnh của đại dương, từ phân định ranh giới hàng hải, quy định về môi trường, nghiên cứu khoa học, thương mại đến việc dàn xếp các tranh cãi quốc tế liên quan đến các vấn đề hàng hải.

“Chúng ta hãy đưa tất cả quốc gia nằm dưới quyền, sự bảo vệ và chỉ dẫn của bản công ước cốt lõi này” - ông Ban Ki Moon kêu gọi.

Từ khi UNCLOS được đưa ra năm 1982, đến nay đã có 163 quốc gia và Liên minh châu Âu (EU) ký vào công ước. UNCLOS, có hiệu lực từ năm 1994, bao gồm các quyền dành cho những thành viên thừa nhận những ràng buộc của nó.

Khung pháp lý quốc tế

Tại lễ kỷ niệm, LHQ cũng tưởng nhớ cố đại sứ Arvid Pardo của Malta, cha đẻ của UNCLOS, người đã đề xuất công ước này, và tán thưởng sáng kiến Thỏa thuận đại dương của Tổng thư ký Ban Ki Moon hồi tháng 8-2012 nhằm củng cố UNCLOS. Với sáng kiến này, các quốc gia sẽ có nền tảng để bảo vệ các nguồn tài nguyên đại dương, giúp dân cư sống dựa vào biển và nâng cao nhận thức về quản lý đại dương.

Cũng tại lễ kỷ niệm, Phó chủ tịch Đại hội đồng LHQ Rodney Charles cho biết UNCLOS đã trở thành một nhân tố quan trọng trong khung pháp lý quốc tế. “Việc thiếu một khung pháp lý toàn cầu đã dẫn tới nguy cơ xung đột hàng hải cũng như tình trạng khai thác vô nguyên tắc và hỗn loạn các nguồn tài nguyên đại dương. Vì vậy, điều cấp bách là các nước thành viên phải thừa nhận một luật biển toàn cầu” - ông Charles nhấn mạnh.

Thách thức từ một số nước

Chủ tịch Văn phòng Vận tải biển quốc tế Masimichi Morooka đã gửi lời chúc mừng đến lễ kỷ niệm 30 năm của UNCLOS mà ông khẳng định là vô cùng thiết yếu đối với sự an toàn của vận tải biển, thương mại, môi trường và sự thịnh vượng của con người. “Sự tồn tại lâu dài của UNCLOS là minh chứng cho tầm nhìn của những người đã tạo ra văn kiện và dõi theo nó trong những năm qua. Do giao thông vận tải đường biển quốc tế chiếm đến 90% thương mại thế giới, UNCLOS là vô cùng quan trọng” - trang Marine Link dẫn tuyên bố của ông Morooka nêu rõ.

Theo ông Morooka, thách thức lớn mà cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt là chính quyền một số nước có ý đồ thiết lập các quy định riêng ở một số vùng biển, trái ngược với các quy định toàn cầu như UNCLOS. “Trong nhiều trường hợp, nhu cầu chính trị trong nước đã dẫn tới các hành động đơn phương, thiếu tôn trọng quyền giám sát hàng hải của LHQ và cơ chế luật quản lý giao thông hàng hải” - ông Morooka báo động và nhấn mạnh UNCLOS đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với hoạt động an toàn của tàu bè quốc tế, vì sự ổn định và bền vững của thương mại toàn cầu.

Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina cũng bày tỏ sự biết ơn đối với UNCLOS vì công ước này đã giúp nước mình giải quyết được tranh chấp hàng hải với Myanmar và mở ra cơ hội khai thác những tiềm năng từ đại dương. Bà Hasina đánh giá UNCLOS giúp các quốc gia thiết lập được các nguyên tắc lâu dài để cùng chia sẻ các vùng biển và tận dụng các nguồn tài nguyên.

Việt Nam báo cáo Liên Hiệp Quốc về thực thi Luật biển

Trước đó, ngày 6-12, VN đã cho lưu hành tại LHQ báo cáo về việc “VN thực thi UNCLOS với tư cách là một thành viên có trách nhiệm”. Báo cáo cho biết khi bàn về các vấn đề tranh chấp ở biển Đông, VN kiên trì yêu cầu “tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước Luật biển 1982”, coi đây như một nguyên tắc để giải quyết và xử lý các tranh chấp liên quan đến biển đảo. VN đã nỗ lực đưa nguyên tắc này vào các văn kiện của ASEAN, kể cả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC); Tuyên bố sáu điểm ngày

20-7-2012 của ASEAN về biển Đông. Ngoài ra, nội dung “căn cứ luật pháp quốc tế, Công ước Luật biển 1982 để tìm ra giải pháp cơ bản lâu dài cho các tranh chấp tại biển Đông” đã được đưa vào Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển VN - Trung Quốc ký ngày 11-10-2011.

Báo cáo nhấn mạnh: “Việc VN tham gia các văn kiện pháp lý liên quan đến biển của khu vực và quốc tế thể hiện rõ quyết tâm của Chính phủ VN trong việc thực thi đầy đủ những nội dung của Công ước Luật biển 1982”.

Nội luật hóa các quy định của UNCLOS

“Trong số các văn kiện pháp lý quốc tế được ký kết kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, UNCLOS được coi là văn kiện đứng thứ hai về tầm quan trọng, chỉ sau Hiến chương LHQ. Công ước được coi là bản hiến pháp về biển của cộng đồng quốc tế”.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, vụ trưởng Vụ Pháp luật và điều ước quốc tế (Bộ Ngoại giao), đánh giá khi mở đầu cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ.

Về ý nghĩa của UNCLOS đối với VN, bà Hà cho biết: là thành viên của UNCLOS, VN được quyền có lãnh hải rộng 12 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý, thềm lục địa rộng ít nhất 200 hải lý. Ngày 21-6-2012, VN đã ban hành Luật biển nhằm thống nhất quản lý việc hoạch định, sử dụng, thăm dò, khai thác, bảo quản các vùng biển, thềm lục địa và hải đảo của VN, cũng như việc giải quyết tranh chấp trên biển giữa VN với các nước láng giềng tại một văn bản có giá trị hiệu lực cao.

Đây được coi là bước tiến quan trọng trong việc nội luật hóa các quy định của UNCLOS vào pháp luật VN, tạo thuận lợi cho Nhà nước VN quản lý thống nhất về biển và phát triển nền kinh tế biển của VN. VN là một trong chín quốc gia nằm trên bờ biển Đông. Đối với VN, biển Đông đóng vai trò chiến lược quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong lịch sử, hiện tại và tương lai.

Biển Đông cũng là không gian sinh tồn và cung cấp thu nhập quan trọng cho nền kinh tế quốc dân. Vì vậy, Việt Nam hết sức coi trọng vai trò của luật biển quốc tế trong việc điều chỉnh các mối quan hệ giữa các quốc gia ven biển Đông, nhằm tạo môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển bền vững cho cả khu vực.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên