Dự thảo của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc kêu gọi Myanmar thả bà Aung Suu Kyi và nhiều lãnh đạo của chính quyền dân sự - Ảnh: AFP
Tổ chức đa phương toàn cầu này được kỳ vọng sẽ có một thông điệp quan trọng dành cho Myanmar, một tuần trước lúc Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi xuất hiện trực tiếp tại tòa án để nói về các cáo buộc mà quân đội áp lên bà.
48 nước đồng bảo trợ
Theo lời một quan chức Liên Hiệp Quốc nói với AFP, phiên họp toàn thể của Đại hội đồng LHQ tối 18-5 (rạng sáng 19-5 theo giờ Việt Nam) sẽ là sự kiện họp trực tiếp, tập trung vào lời kêu gọi "một lệnh cấm ngay lập tức việc cung cấp trực tiếp và gián tiếp, buôn bán hoặc chuyển giao tất cả các loại vũ khí, đạn dược và các thiết bị liên quan tới quân sự cho Myanmar".
Đây là nội dung dự thảo do Liechtenstein đệ trình, với sự ủng hộ của Liên minh châu Âu (EU), Vương quốc Anh và Mỹ. Có 48 quốc gia đồng bảo trợ dự thảo này, trong đó Hàn Quốc là nước châu Á duy nhất tham gia. Nếu việc phê chuẩn theo nguyên tắc đồng thuận không có kết quả, toàn bộ 193 thành viên đại hội đồng sẽ tiến hành bỏ phiếu.
Ngoài lệnh cấm chuyển giao vũ khí, bản dự thảo cũng kêu gọi quân đội Myanmar chấm dứt tình trạng khẩn cấp, và ngưng lập tức đối với toàn bộ hành động bạo lực nhắm vào người biểu tình ôn hòa.
Nội dung dự thảo bên cạnh đó cũng kêu gọi thả lập tức và vô điều kiện đối với Tổng thống Win Myint và Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi, cũng như tất cả những người bị bắt giữ và buộc tội "tùy tiện" từ ngày 1-2.
Dự thảo này đã được đàm phán trong nhiều tuần gần đây, trong một nỗ lực kêu gọi chấm dứt bạo lực và tìm giải pháp hòa bình cho Myanmar. Quốc gia Đông Nam Á này đã chìm trong biểu tình và bạo lực chết người từ sau cuộc chính biến ngày 1-2 năm nay. Quân đội Myanmar khi đó đã bắt giữ các lãnh đạo dân sự, bao gồm ông Win Myint và bà San Suu Kyi.
Các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế đã tích cực vận động quân đội Myanmar chấm dứt bạo lực và tìm giải pháp đối thoại. Hồi cuối tháng 4, Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng tổ chức một cuộc họp cấp cao trực tiếp ở Jakarta (Indonesia), với sự tham dự của lãnh đạo quân đội Myanmar - thống tướng Min Aung Hlaing.
Dự thảo nghị quyết trình Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc nêu trên cũng kêu gọi phía Myanmar "nhanh chóng thực hiện" 5 điểm đồng thuận mà lãnh đạo các nước ASEAN đã đạt được tại Jakarta, đặc biệt là kế hoạch tạo điều kiện cho một đặc sứ Liên Hiệp Quốc tới Myanmar, cũng như cung cấp quyền tiếp cận nhân đạo an toàn và không bị cản trở.
Ý nghĩa chính trị mạnh mẽ
Gần một tháng kể từ cuộc họp ở Jakarta, tình hình Myanmar vẫn chưa có chuyển biến đáng chú ý, dù bạo lực có khuynh hướng giảm. Tính tới trước thềm hội nghị ASEAN, có ít nhất 739 người chết trong các cuộc biểu tình ở Myanmar. Con số này tới ngày 17-5 là 790 người.
Khác với nghị quyết của Hội đồng Bảo an, nghị quyết do Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đưa ra không có tính ràng buộc pháp lý. Mặc dù vậy, động thái lần này cũng được cho sẽ mở ra bước tiến mới nhằm thúc giục Myanmar hợp tác giải quyết vấn đề, vì nghị quyết của đại hội đồng mang ý nghĩa chính trị mạnh mẽ.
Hiện nay, một số nước vẫn duy trì quan điểm không can thiệp nội bộ Myanmar, dẫn tới Hội đồng Bảo an khó tìm thấy tiếng nói chung do phải tôn trọng nguyên tắc đồng thuận. Đây cũng là câu chuyện tương tự của ASEAN, vì các nước Đông Nam Á cũng phải tôn trọng chuyện nội bộ của người Myanmar.
Một trong những lời kêu gọi và đề nghị cụ thể nhất của ASEAN và LHQ là việc cử một đặc sứ tới Myanmar. Phía quân đội Myanmar dù vậy cho rằng tình hình bạo lực hiện nay còn phức tạp, chưa phù hợp cho một chuyến thăm theo đề xuất trên.
Bên cạnh biểu tình, hiện nay quân đội Myanmar cũng phải xử lý xung đột với các tổ chức vũ trang trong nước, và đây có thể là điều khiến các nỗ lực tìm kiếm hòa bình cho Myanmar thêm phức tạp.
Khu vực Mindat của bang Chin tại Myanmar đang nổi lên như một điểm nóng bất ổn, khi các tay súng thành lập "Lực lượng phòng vệ Chinland" (CDF). Hôm 16-5, CDF ra thông báo nói 6 thành viên của lực lượng này đã thiệt mạng trong các cuộc xung đột bạo lực với quân đội.
Trong khi đó, Đài Myawaddy do quân đội kiểm soát cuối tuần qua khẳng định một số nhân viên an ninh đã thiệt mạng và mất tích sau các cuộc tấn công của "những kẻ vô lương tâm" ở Mindat. Hôm 16-5, Myawaddy cho biết có thêm hai vụ tấn công khác nhắm vào lực lượng an ninh trong 24 giờ trước đó, gồm một ở Kanpetlet (bang Chin) và một ở Shwegu phía bắc Myanmar.
Bà San Suu Kyi ra tòa
Trong bối cảnh Myanmar chưa thể tạo điều kiện cho đối thoại nội bộ cũng như với cộng đồng quốc tế, phiên họp ngày 18-5 của LHQ cũng có thể mang ý nghĩa chính trị đối với bà San Suu Kyi.
Tuần trước, luật sư của bà San Suu Kyi cho biết bà sẽ có mặt tại phiên tòa tổ chức ngày 24-5, tức tầm một tuần sau cuộc họp của LHQ. Đây sẽ là lần đầu tiên bà San Suu Kyi xuất hiện trước công chúng từ sau chính biến, và số phận của nữ lãnh đạo này được xem là câu trả lời mang ý nghĩa quan trọng cho thiện chí của quân đội Myanmar.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận